Xóa rào cản, tạo cơ hội học tập suốt đời

GD&TĐ - Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá giáo dục thường xuyên (GDTX) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Bộ tiêu chí xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và chức năng của GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân; bên cạnh đó, đề xuất các chính sách tương thích đi kèm để thúc đẩy GDTX phát triển.

Xây dựng hệ thống GD mở là yêu cầu tất yếu trong thời đại công nghệ. Ảnh: Hữu Cường
Xây dựng hệ thống GD mở là yêu cầu tất yếu trong thời đại công nghệ. Ảnh: Hữu Cường

GDTX phải là hệ thống giáo dục mở

Đóng góp ý kiến tại phiên họp các thành viên Tiểu ban GDTX và học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, GS.TS Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban GDTX và học tập suốt đời cho biết: Việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá GDTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là một trọng trách của Bộ GD&ĐT bởi tính chiến lược dài hạn của nó.

Trong tiêu chí đánh giá GDTX, không nên đặt vấn đề xóa mù chữ cơ bản mà phải xóa mù chức năng cho người lao động trong các lĩnh vực sản xuất áp dụng công nghệ cao và nông dân có trang trại chăn nuôi, trồng trọt dưới hình thức những doanh nghiệp nông nghiệp. Khoảng 10 năm tới, GDTX phải là hệ thống giáo dục mở. Vào năm 2030, chúng ta sẽ có nhiều trường đại học cộng đồng, nhiều trường đại học dành cho người cao tuổi. Mọi người tham gia các khóa học ảo, lớp học ảo, thí nghiệm ảo…

GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT cần xếp GDTX ngang với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; cân đối lại ngân sách đầu tư cả 4 lĩnh vực giáo dục này.

Đề cập đến Bộ tiêu chí đánh giá GDTX, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, có 3 loại hoạt động cần được xây dựng các tiêu chí đánh giá bao gồm: Những hoạt động trong lĩnh vực GDTX hiện đang được triển khai và sẽ phải tổng kết vào năm 2025 (xóa mù chữ cơ bản, các mô hình học tập trên địa bàn cấp xã…); những hoạt động sẽ bắt đầu tiến hành từ năm 2020, cần dự báo kết quả phát triển ít nhất là năm 2030 (mô hình công dân học tập, thành phố học tập, học tập bằng smartphone, tài nguyên giáo dục mở…); những hoạt động được tổ chức để tiếp cận với xu thế giáo dục người lớn của thế giới hiện đại, sẽ tiến hành sau đó vài ba năm (đại học cộng đồng, hệ thống GDTX mở, trường đại học dành cho người cao tuổi…).

Tiếp cận và bình đẳng

Góp ý về Bộ tiêu chí đánh giá GDTX, PGS.TS Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết: GDTX là bộ phận cấu thành của GD quốc dân. Mục tiêu của GDTX là xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Nâng cao dân trí là việc làm thường xuyên để phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá GDTX là công cụ có định lượng rõ ràng, từ những định lượng đó có những giải pháp cho GDTX.

Việc xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá GDTX với những chỉ số là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc tiếp cận và bình đẳng, xóa bỏ rào cản, tạo cơ hội cho mọi người được học tập.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: GDTX cần xã hội hóa nhiều hơn, không chỉ phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước vì việc học tập gắn với quyền lợi thiết thực của người học. Đồng thời, nên có chỉ số đánh giá các đơn vị, tổ chức ngoài công lập thực hiện chức năng GDTX. Các đơn vị, tổ chức cũng cần tạo điều kiện về thời gian và kinh phí để người lao động có cơ hội học tập thường xuyên.

PGS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện KHGD cho rằng, tiếp cận GDTX còn rộng hơn cả GD chính quy, vì vậy các tiêu chí đưa ra vẫn còn hẹp so với nhiệm vụ của GDTX. Nên bổ sung các tiêu chí đảm bảo cho mọi người học tập mọi lúc mọi nơi; cần gì học nấy; đảm bảo các hình thức của học đại học; tạo điều kiện cho mọi người chia sẻ thông tin.

Cần có chính sách định hướng

Theo bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế và đối ngoại, Trung tâm Apolo Việt Nam, để tất cả các chỉ tiêu của GDTX phát triển và sống được, cần có chính sách định hướng sự phát triển của GDTX. Đối với mỗi chỉ tiêu phải xây dựng lộ trình cần loại chính sách nào, bởi ngay lập tức, không thể xây dựng được chính sách bao quát hết trong một thời điểm.

Để xây dựng GDTX phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, cần xây dựng chính sách cho phép cơ cấu hoạt động của các trung tâm GDTX cấp huyện, cấp tỉnh. Luật GD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có điều khoản quy định thành lập tổ chức kinh tế trước khi thành lập cơ sở giáo dục. Quy định này sẽ giúp GD tư thục nói chung phát triển, trong đó có GDTX, đặc biệt trong khối tư nhân khi họ thành lập các trung tâm đào tạo kỹ năng.

Theo bà Nguyễn Kim Dung, GDTX trong nền công nghiệp 4.0 cần áp dụng kỹ thuật số để thúc đẩy GDTX. Học online cấp chứng chỉ hoặc không cấp chứng chỉ - giáo dục từ xa… do vậy phải có chính sách chotư nhân đóng góp.

Với tính liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, GDTX là một phần trong đó. Cần tiếp tục lồng ghép việc đào tạo kỹ năng việc làm vào chương trình giảng dạy cấp trung học tại các trung tâm GDTX. HS học xong THCS, nếu theo học nghề thì học chương trình THPT tại các trung tâm GDTX, có cơ chế thì UBND và Sở GD&ĐT các tỉnh mới có thể có hướng dẫn thực hiện. Ví dụ như học sinh học chương trình THPT tại cơ sở GDTX được phép học các môn học về đào tạo việc làm như là một phần của chương trình giảng dạy tại trường THPT của họ, thay thế một số môn truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ