Thúc đẩy hoạt động KHCN trong trường đại học: Thay đổi chính sách và cơ chế tài chính

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong mục tiêu phát triển trọng điểm của các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong nhà trường muốn phát triển cần chính sách và cơ chế ưu đãi đặc thù để phát triển.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong nhà trường muốn phát triển cần chính sách và cơ chế ưu đãi đặc thù để phát triển.

Để thúc đẩy mục tiêu trên, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tài chính, song cho tới nay, các chính sách trên vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi nhiều lý do khác nhau. 

Chi phí thấp, thủ tục rườm rà

Ban Tuyên giáo Trung ương và ĐHQG TPHCM vừa tổ chức hội thảo về “Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết: Hiện đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực khoa học cơ bản còn khá thấp. Theo thống kê của ĐHQG TPHCM, năm 2020 tổng chi cho con người liên quan đến KH&CN là 142 tỷ đồng; năm 2021 là 88 tỷ và năm 2022 là 104 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đó dành cho khoảng 1.100 tiến sĩ, hơn 300 giáo sư và phó giáo sư. Định mức bình quân để đầu tư nghiên cứu chưa đến 10 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, năm 2020 tổng chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước chia cho số sinh viên là 3,3 triệu đồng/em. Kế đến năm 2021 là 2,4 triệu đồng và năm 2022 là 1,3 triệu đồng/sinh viên. Suất chi giảm cho thấy mức độ tự chủ các trường thành viên khi không nhận ngân sách Nhà nước.

PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng tình về thực trạng ngân sách đầu tư cho KH&CN tại các trường đại học công lập còn thấp và khá hạn hẹp, chưa kích thích được giảng viên, nhà hoa học chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học. PGS.TS Phạm Thị Huyền cho biết: Thủ tục tài chính cho hoạt động KH&CN tuy đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn rườm rà, chậm muộn và nặng về mặt hành chính.

“Thời gian để phê duyệt đề tài, kinh phí của một số nhiệm vụ KH&CN khá dài, có khi đến 18 tháng. Điều đó có thể gây mất tính thời sự của chủ đề nghiên cứu. Đồng thời, sự phiền hà trong thủ tục giải ngân cũng làm giảm nhiệt huyết, động lực của nhà khoa học. Đó là chưa kể đến các chi phí phát sinh nếu có.

Thủ tục để một đề tài NCKH được phê duyệt cũng làm nản lòng không ít các nhà khoa học khi qua quá nhiều vòng, nhiều thủ tục hành chính. Đó là chưa kể các chính sách tài chính cho nghiên cứu KH&CN tại nhà trường chưa mang lại sức hút và sự hỗ trợ lớn cho đội ngũ nhà khoa học” - PGS.TS Phạm Thị Huyền chia sẻ.

Nhìn nhận sự đứt quãng trong chính sách và cơ chế tài chính dành cho hoạt động thúc đẩy KH&CN trong các trường đại học công lập, PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Hiện cả nước có khoảng 2.000 tổ chức KH&CN ngoài công lập, gần 1.600 tổ chức công lập, bao gồm 261 trường đại học, 141.000 nhà khoa học. Số doanh nghiệp là khoảng 650.000. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với trường đại học và nhà khoa học còn rời rạc. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thị trường khoa học công nghệ.

“Luật quy định chi 2% ngân sách cho KH&CN, mức này vẫn thấp. Thế nhưng, nhiều địa phương lại không chi hết do không có nhiều NCKH. Trong khi đó, các trường đại học, nơi sáng tạo nhất, có nhiều nghiên cứu nhất và cũng là nơi tạo ra các thế hệ nhà nghiên cứu đầy tiềm năng, lại chưa được đầu tư xứng đáng. Đây là vấn đề cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động KHCN trong các trường đại học” - PGS.TS Vũ Văn Tích nói.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thúc đẩy từ chính sách

Nhìn nhận các chính sách và cơ chế tài chính mở đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN trong nhà trường, ThS Nguyễn Thị Anh Thư - Phó Trưởng phòng KHCN (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) nêu quan điểm: Để thúc đẩy hoạt động KHCN phát triển ngoài chính sách, cơ chế tài chính thì không gian hoạt động khoa học đóng vai trò quan trọng.

“Hiện trường có 7 nhóm nghiên cứu mạnh cùng số lượng đăng ký NCKH cấp trường của giảng viên tăng vọt (70 - 80 đề tài so với con số 20 - 30 các năm trước). Sự tăng trưởng trên đến từ lộ trình và cơ chế tài chính hỗ trợ mạnh mẽ của nhà trường mấy năm qua.

Trước đây đề tài khoa học cấp trường chỉ được hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng nay tăng lên 150 triệu. Ở Vườn ươm, mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/đề tài, nay cũng tăng lên 150 triệu đồng. Còn với đề tài cấp Bộ, của các nhóm nghiên cứu mạnh, ngoài chi phí theo quy định, nhà trường hỗ trợ thêm từ 400 - 500 triệu đồng/đề tài…. Chính điều đó đã thúc đẩy hoạt động KHCN, nghiên cứu trong nhà trường phát triển” - ThS Nguyễn Thị Anh Thư thông tin.

Nhìn nhận cơ chế tự chủ ở các trường công lập đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hoạt động NCKH, chuyển giao thành tựu KHCN, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, thời gian qua, dù luôn dành ưu tiên cho phát triển giáo dục và KHCN, tuy nhiên đầu tư của Nhà nước còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

PGS.TS Vũ Hải Quân nhìn nhận: Sự đầu tư là có nhưng quan trọng hơn là tính hiệu quả trong các hoạt động KHCN chưa đạt được như mong đợi. Để tăng hiệu quả đầu tư cho NCKH trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, ông kiến nghị cần sớm có cơ chế chính sách đột phá trong phân bổ ngân sách KHCN.

Cụ thể, để thoát khỏi cơ chế chính sách tài chính eo hẹp dành cho hoạt động khoa học công nghệ tại các trường công lập, Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần sớm quy hoạch dự báo nguồn nhân lực KHCN đến 2030, tầm nhìn 2045 theo hướng tăng quy mô, cập nhật mới chương trình đào tạo các nhóm ngành KHCN. Bên cạnh đó, sớm triển khai chính sách đặt hàng đào tạo; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.

Song song với đó, sớm ban hành cơ chế đột phá trong đặt hàng, khoán theo sản phẩm, khen thưởng KHCN. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá. Từ đó thường xuyên rà soát kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu, đại học, làm căn cứ điều chỉnh việc phân bổ ngân sách hàng năm.

Cần có chính sách phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu lưỡng dụng (vừa đảm bảo nâng cao năng lực làm chủ công nghệ an ninh quốc phòng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội). Trong đó, cần có cơ chế liên thông, liên kết giữa các chương trình nghiên cứu, giữa Bộ - Ngành - Địa phương để hạn chế phân mảnh. Dồn lực cho những chương trình nghiên cứu lớn, có sự tham gia vừa mang tính hợp tác, vừa mang tính cạnh tranh giữa các tổ chức KHCN. - PGS.TS Vũ Hải Quân 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ