Quảng Trị giải quyết ‘khoảng trống’ giáo viên đầu năm học

GD&TĐ - Năm học 2024-2025, Quảng Trị tích cực sắp xếp bố trí đội ngũ giáo viên, từng bước đảm bảo cơ cấu, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị trao quyết định điều động giáo viên đến công tác ở những trường còn thiếu.
TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị trao quyết định điều động giáo viên đến công tác ở những trường còn thiếu.

Thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học

Những năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở Quảng Trị phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, cơ bản đảm bảo yêu cầu của việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, bước vào năm học 2024-2025, qua rà soát, tỉnh Quảng Trị vẫn thiếu nhiều giáo viên ở các bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Trị, tính đến 31/5, tỉnh Quảng Trị có hơn 13.900 biên chế, gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, lao động hợp đồng.

Trong đó, bậc Mầm non khoảng 4.330 người; bậc tiểu học là 3.700 người; bậc THCS gần 3.360 người; bậc THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT hơn 1.850 người.

truong-huong-loc.jpg
Năm học này, Quảng Trị vẫn thiếu hàng trăm giáo viên và cán bộ quản lý, nhân viên.

Tuy nhiên, hiện nhân sự trong ngành vẫn thiếu 351 giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý. Trong đó, giáo viên bậc mầm non thiếu 74 người; bậc tiểu học thiếu 54 người, các đơn vị trực thuộc thiếu 13 giáo viên... Riêng ở bậc THCS tại Quảng Trị thừa 62 giáo viên.

Đối với cán bộ quản lý còn thiếu 74 người, nhân viên thiếu 190 người.

Được biết, năm học vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố cũng đã tích cực sắp xếp, bố trí đội ngũ, từng bước đảm bảo cơ cấu, khắc phục dần tình trạng thừa, thiếu cục bộ các môn học. Cơ bản đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình GDPT 2018.

“Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, năm học vừa qua đã tuyển dụng 174 viên chức, tiếp nhận 67 viên chức, sắp xếp chuyển đi ngoại huyện 75 viên chức, thuyên chuyển trong huyện, thị xã, thành phố 151 viên chức, điều động luân phiên và bố trí dạy liên trường 147 viên chức”, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho hay.

Điều động giáo viên để lấp “khoảng trống”

Nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dạy học, đầu năm học, ngành GD&ĐT ra sức chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục, trong đó, tập trung cho Chương trình GDPT năm 2018.

Bên cạnh điều kiện về cơ sở vật chất, nhu cầu của của học sinh, phụ huynh, thì việc đáp ứng về đội ngũ là rất quan trọng.

Theo đó, Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc bố trí đội ngũ đầu năm học, điều động luân phiên giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT quyết định điều động 19 giáo viên diện luân phiên đến các trường thiếu giáo viên; trong đó có 14 giáo viên có đơn tình nguyện.

Đặc biệt, có 4 giáo viên điều động luân phiên đến hạn trở về đơn vị cũ, nhưng vẫn tình nguyện ở lại tiếp tục công tác. Thậm chí, có giáo viên tình nguyện giảng dạy đủ 5 năm ở địa bàn khó khăn.

dieu-dong-giao-vien.jpg
Sở GD&ĐT khen thưởng các giáo viên tình nguyện công tác ở địa bàn khó khăn.

TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, thực trạng thừa giáo viên ở vùng thuận lợi, thiếu giáo viên vùng khó khăn vẫn diễn ra trong năm học này.

Cụ thể, khối xã hội đang thiếu giáo viên, trong khi thừa giáo viên khối tự nhiên, do học sinh lựa chọn tổ hợp môn học tự chọn của Chương trình GDPT 2018 lớp 10.

Dự báo trong những năm tới áp lực phải điều động luân phiên giáo viên ngày càng nhiều hơn. Số lượng giáo viên phải điều động nhiều hơn khi triển khai Chương trình GDPT 2018…

Qua đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị hoan nghênh tinh thần tình nguyện của các giáo viên để lan tỏa sự hy sinh, cống hiến “tất cả vì học sinh vùng khó”, vì sự nghiệp “trồng người”.

Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Ngành giáo dục sẽ nghiên cứu các cơ chế chính sách về thi đua khen thưởng, xem xét nâng lương trước thời hạn cũng như ưu tiên trong thi thăng hạng giáo viên cho giáo viên tình nguyện đăng ký điều động đến thực hiện nhiệm vụ ở vùng khó”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...