Ngày 29/10, Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Tham dự có ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị; lãnh đạo UBND các địa phương, Phòng GD&ĐT, các trường THPT trực thuộc.
Chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực
Tại hội nghị, TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, những năm gần đây, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp phát triển giáo dục. Trong đó, tập trung duy trì tỉ lệ học sinh đến trường các cấp, ban hành các chính sách cho đội ngũ, học sinh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp, triển khai Chương trình GDPT 2018...
Qua đó, chất lượng giáo dục đạt nhiều kết quả và chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục 2 mặt được duy trì ổn định; chất lượng học sinh giỏi phát triển về số lượng và chất lượng giải qua hàng năm.
Học sinh Quảng Trị tham gia các cuộc thi, sân chơi trong nước, quốc tế đạt kết quả xuất sắc.
Những kết quả trên giúp giáo dục Quảng Trị khẳng định vị thế của mình với giáo dục toàn quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục Quảng Trị cũng đối diện nhiều khó khăn thách thức: điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục, nhất là vùng sâu, vùng xa; tình trạng thừa thiếu đội ngũ; chất lượng giáo dục ở một số địa phương chưa đồng đều...
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, hội nghị là diễn đàn cần thiết để đánh giá toàn diện tình hình giáo dục và đề xuất các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Báo cáo về thực trạng giáo dục phổ thông, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Quảng Trị hiện có 232 cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Toàn tỉnh có hơn 13.400 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. So với biên chế được giao còn thiếu 280 người.
Đội ngũ viên chức sự nghiệp giáo dục sắp xếp đảm bảo theo vị trí việc làm được phê duyệt. Tình trạng thừa, thiếu, mất cân đối dần được giải quyết.
Về chất lượng giáo dục tiểu học, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%; tỉ lệ huy động trẻ vào lớp 1 đạt 99,9%.
Chất lượng giáo dục cấp THCS và THPT được duy trì. Năm học 2023-2024 chất lượng học sinh theo Chương trình GDPT 2006 với tỉ lệ khá, giỏi rất cao. Với các lớp thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, tỉ lệ học sinh xếp loại đạt trở lên chiếm 98%.
Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, Phòng GD&ĐT trình bày các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Hoàng Văn Sơ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, hiện quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Số lượng học sinh tăng dần theo từng năm học.
Chất lượng giáo dục tiểu học được củng cố và cải thiện theo hướng nâng cao dần theo từng năm học. Chất lượng các kỳ thi, cuộc thi đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất một số trường chưa đáp ứng nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Phòng học bộ môn, nhà đa chức năng, công trình vệ sinh, sân chơi, bãi tập, khuôn viên trường lớp vẫn còn thiếu và bất cập. Tình trạng giáo viên tiểu học còn thiếu chậm được bổ sung nên việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày còn khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, trong đó vai trò nòng cốt của ngành Giáo dục và Đào tạo đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục phổ thông trong thời gian qua, đáp ứng được sự tin tưởng của cán bộ và nhân dân.
Ngành giáo dục tham mưu ban hành nhiều Nghị quyết liên quan đến hoạt động của ngành. Nhiều nghị quyết đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển giáo dục. Chương trình GDPT 2018 bước đầu triển khai và đạt được nhiều kết quả; chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tích nổi bật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, để tạo sự chuyển biến hơn nữa chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giáo dục; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác giáo dục.
Nghiên cứu ban hành chính sách và bổ sung nguồn lực tài chính. Củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô trường, lớp học; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo đảm bảo đủ số lượng và chất lượng.
Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng và đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.