Thức ăn cho cá koi từ vỏ đầu tôm

GD&TĐ - Chế phẩm chứa astaxanthin, protein từ vỏ đầu tôm bổ sung vào thức ăn cho cá koi và tôm thẻ chân trắng, thay thế sản phẩm nhập khẩu.

Quy trình chiết tách các sản phẩm astaxanthin từ đầu tôm làm thức ăn cho cá koi và tôm thẻ chân trắng.
Quy trình chiết tách các sản phẩm astaxanthin từ đầu tôm làm thức ăn cho cá koi và tôm thẻ chân trắng.

Tận dụng phế phẩm đầu tôm

ThS Phạm Duy Hải - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chia sẻ, phần lớn tôm xuất khẩu được đưa vào chế biến dưới dạng bóc vỏ bỏ đầu. Tỷ lệ đầu chiếm 34 - 45%, phần vỏ chiếm 10 - 15% trọng lượng của tôm nguyên liệu.

Do đó, lượng phế phẩm tôm ở Việt Nam ước tính vào khoảng 325.000 tấn/năm. Ngành tôm tăng trưởng kéo theo lượng phụ phẩm tôm ngày càng tăng. Tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn phụ phẩm bị loại thải khỏi dây chuyền sản xuất và đi vào môi trường nếu không được nghiên cứu xử lý, tái sử dụng.

Theo tìm hiểu, ThS Phạm Duy Hải nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ thủy phân bằng enzyme được xem là giải pháp tối ưu nhất giúp thu nhận protein và astaxanthin từ phụ phẩm tôm, giải quyết được các mặt tồn tại của những phương pháp xử lý khác.

Astaxanthin và protein thủy phân có nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp như dược phẩm, dinh dưỡng cho người, chăn nuôi hay trong công nghiệp mĩ phẩm. Đặc biệt, astaxanthin đối với ngành nuôi trồng thủy sản là thành phần không thể thiếu trong thức ăn.

Protein thủy phân chiết xuất từ phụ phẩm thủy sản cũng trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm bởi hàm lượng cao và dễ tiêu hóa. Ngoài ra, astaxanthin trong phụ phẩm đầu, vỏ tôm là một chất chống oxy hóa khi bổ sung vào thức ăn giúp cải thiện màu sắc, tăng sự tăng trưởng và hệ miễn dịch của động vật thủy sản.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các nội dung phân tích đánh giá chất lượng phụ phẩm tôm từ công nghiệp chế biến tôm đông lạnh; xây dựng quy trình thủy phân phụ phẩm tôm bằng enzyme; quy trình tách chiết và thu nhận astaxanthin từ quá trình thủy phân phụ phẩm tôm; đánh giá ảnh hưởng của thức ăn bổ sung dịch thủy phân thô có chứa astaxanthin (SP1) lên tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, sức đề kháng (tỷ lệ sống) và sắc tố của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei); đánh giá hiệu quả dẫn dụ của thức ăn bổ sung dịch thủy phân thành phẩm sau tách astaxanthin (SP2) lên tôm thẻ chân trắng; đánh giá ảnh hưởng của thức ăn bổ sung Astaxanthin thành phẩm (SP3) lên sắc tố ở cá chép Koi (Cyprinus carpio); xây dựng quy trình sản xuất dịch thủy phân và astaxanthin từ phụ phẩm tôm ở quy mô pilot (100 kg/mẻ).

Thay thế sản phẩm nhập khẩu

Kết quả đánh giá màu sắc của tôm sau khi luộc chín bằng phương pháp cảm quan cho thấy, khi bổ sung dịch thủy phân SP1 vào khẩu phần thức ăn thì tôm cho màu sắc đỏ tươi, tăng tỉ lệ thuận với hàm lượng bổ sung SP1. Khi bổ sung dịch thủy phân thành phẩm SP2 vào khẩu phần ăn, làm tăng cường khả năng dẫn dụ và tiêu thụ thức ăn ở tôm.

Đánh giá ảnh hưởng của thức ăn bổ sung astaxanthin thành phẩm (SP3) lên sắc tố ở cá chép Koi (Cyprinus carpio) cho thấy, sau 60 ngày nuôi màu sắc của cá ở các CT1, CT3, CT4 và CT5 có sự khác biệt so với CT0 (p<0,05). Trong đó, cá tại CT5 có màu sắc đẹp nhất, tươi sáng nhất.

Điều này khẳng định rằng việc bổ sung astaxanthin vào thức ăn có tác dụng tốt đối với màu sắc của cá. Khi bổ sung với hàm lượng 60 và 80 mg astaxanthin/kg thức ăn thì cá có màu sắc tươi sáng và khá đẹp.

Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất dịch thủy phân và astaxanthin từ phụ phẩm tôm ở quy mô pilot (100 kg/mẻ). Theo ThS Phạm Duy Hải, trong nhiệm vụ này, nhóm đã tận dụng nguồn phụ phẩm vỏ, đầu tôm để xây dựng 2 quy trình (quy trình sản xuất dịch thủy phân giàu astaxanthin – protein và quy trình sản xuất chế phẩm astaxanthin) giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng.

Dịch thủy phân tôm giàu protein và astaxanthin có thể ứng dụng làm nguyên liệu bổ sung vào khẩu phần ăn nhằm tăng hàm lượng đạm dễ tiêu hóa, làm chất dẫn dụ kích thích khả năng bắt mồi của vật nuôi thủy sản.

Chế phẩm astaxanthin chứa astaxanthin tự nhiên có hoạt tính sinh học cao, có thể ứng dụng trong các lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, trong chăn nuôi, thủy sản. Chi phí sản xuất dịch thủy phân tôm khoảng 10.540 đồng/kg; chế phẩm astaxanthin vào khoảng 9.150.000 đồng/kg.

ThS Phạm Duy Hải cho biết, hiện nay, các sản phẩm astaxanthin hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài. Kết quả nghiên cứu có thể hướng tới sản xuất astaxanthin trong nước, giúp giảm giá thành sản phẩm, đồng thời có thể chủ động được công nghệ sản xuất. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành thủy sản, phát triển công nghệ vi sinh và enzyme, phát triển kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.