Thuận lợi cho thí sinh

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, Kỳ thi năm 2021 về cơ bản sẽ giữ ổn định, không gây xáo trộn đến quá trình dạy học của giáo viên và học sinh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không chỉ ổn định về cách thức tổ chức và số bài thi, đề thi cũng được Bộ xác định rõ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Nội dung đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT nhưng có các câu hỏi để phân hóa trình độ của thí sinh, hỗ trợ dữ liệu để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Đặc biệt, đề thi sẽ không rơi vào phần nội dung tinh giản thuộc học kỳ II của năm học 2019 - 2020 và nội dung tinh giản năm học 2020 - 2021 đã được Bộ GD&ĐT công bố.

Học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Không chỉ tạm dừng đến trường trong khoảng thời gian học kỳ II năm lớp 11 vì dịch bùng phát, cuối học kỳ 1 năm lớp 12, học sinh ở nhiều nơi cũng phải chuyển sang học trực tuyến, từ xa do dịch tái phát. Mặc dù, chất lượng dạy học trực tuyến, từ xa được cải thiện; Thầy và trò đều tích cực, tâm huyết, nhưng có thể nói, so với dạy học trực tiếp, vẫn có những hạn chế, khó khăn. Việc giữ ổn định kỳ thi, tinh giản một số nội dung trong chương trình cho thấy Bộ quan tâm đặc biệt đến những thiệt thòi của học sinh trong điều kiện vừa học vừa phòng dịch.

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong học tập thi cử, Bộ GD&ĐT cũng  đồng thời cải tiến các khâu kỹ thuật hướng đến bảo đảm an ninh, kỷ cương, tạo sự công bằng hơn cho thí sinh. Có thể kể: Bộ quy định chặt chẽ hơn về việc sắp xếp phòng thi để ngăn chặn nguy cơ gian lận thi cử có tổ chức ở nhóm thí sinh tự do, hoặc thí sinh hệ trung cấp, giáo dục thường xuyên. Bộ cũng quy định chặt chẽ hơn với chấm thi tự luận, ngăn chặn tác động, trao đổi giữa 2 giám khảo trong quá trình chấm; quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm thí sinh tại phòng chờ và lúc di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ…

Quán triệt tinh thần giữ ổn định, tạo sự thuận lợi nhất cho thí sinh của Bộ ngay từ đầu năm học và nay đã luật hóa ở quy chế thi chính thức. Thời gian qua, các trường THPT nhanh chóng vào cuộc triển khai biện pháp hỗ trợ học sinh chuẩn bị tốt từ kiến thức đến tâm lý, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp. Nếu như đầu năm học nhà trường hướng dẫn và cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn  thì giai đoạn này, ban giám hiệu chú ý đến việc chọn và bố trí giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị ôn tập cho 9 môn thi, lên kế hoạch tăng tiết. Cùng với việc cập nhật thông tin chính thống liên quan đến kỳ thi cho học sinh, các trường còn đánh giá lại năng lực từng em để có kế hoạch phụ đạo, củng cố hay nâng cao; rèn cho học sinh kỹ năng làm bài nhanh, chính xác, tạo không khí học thoải mái, nhẹ nhàng…

Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong học tập và thi cử, cải thiện các điều kiện kỹ thuật để bảo đảm sự công bằng, quyết sách của Bộ về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 không chỉ thể hiện sự hợp lí mà còn hợp tình, nhân văn, được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh bày tỏ sự hoan nghênh. Chính sách thi cử hợp lí, khoa học kết hợp với sự nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên, ban giám hiệu các trường THPT, cùng với sự chủ động, nỗ lực của học sinh sẽ là nền tảng quan trọng mang lại chất lượng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số trẻ gặp khó khăn trong việc định hướng các mối quan hệ ở trường.

Học sinh Anh nghỉ học tăng nhanh

GD&TĐ - Tiền phạt, nhu cầu sức khỏe và môi trường học tập kém là những nguyên nhân khiến số trẻ em tại Anh nghỉ học ngày càng tăng.
Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.