Trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất, nghiên cứu lại vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Vấn đề này cần được đưa vào dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Tránh tình trạng “thiếu đâu, xin đó”
Nhắc lại việc Bộ Chính trị quyết định bổ sung gần 66 nghìn giáo viên cho giai đoạn 2022 – 2026, bà Hồ Thị Minh – đại biểu Quốc đoàn tỉnh Quảng Trị cho hay, đây là tin vui cho ngành Giáo dục, nhất là trong bối cảnh toàn ngành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương khiến đại biểu Hồ Thị Minh trăn trở. Có nơi thiếu hàng nghìn giáo viên, thiếu nhiều nhất ở một số bộ môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này đã làm gia tăng áp lực cho các địa phương.
“Về nguyên tắc, có học sinh phải có giáo viên, bởi thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo. Do đó, tình trạng này cần được giải quyết dứt điểm bằng những phương án, giải pháp căn cơ và mang tính dài hơi”, đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh; đồng thời đề xuất giải pháp trước mắt là, bố trí, sắp xếp lại giáo viên đứng lớp, tránh tình trạng “thiếu đâu, xin đó”.
Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị đặc biệt lưu ý, cần rà soát lại quy định phân cấp, phân quyền quản lý giáo viên nhằm đảm bảo phù hợp thực tiễn. Giao việc quản lý Nhà nước về giáo dục cho Bộ GD&ĐT, phòng/sở GD&ĐT để ngành chủ động tuyển dụng, sử dụng, điều chuyển giáo viên trong biên chế được giao.
Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG |
Cần cụ thể hóa bằng Luật Nhà giáo
Nhìn nhận từ thực tiễn, bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nhận thấy, quản lý Nhà nước về giáo dục chịu chi phối của “tầng tầng, lớp lớp”. Ngành Giáo dục có quyền chủ động trong chuyên môn nhưng về tài chính và tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn hoàn toàn bị động. “Những quy định hiện hành, vô hình trung đã kìm hãm sự phát triển của giáo dục”, bà Tăng Thị Ngọc Mai trăn trở.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, thời gian qua, cơ chế tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập khi không tính tới yếu tố đặc thù đối tượng này. Đã đến lúc giao ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nguồn nhân lực nội ngành giống như Công an và Quân đội, bởi giáo dục cũng là lĩnh vực đặc thù.
Nếu bài toán này được giải quyết, ngành Giáo dục sẽ chủ động điều chuyển giáo viên từ địa phương này sang địa phương khác để hạn chế thừa, thiếu cục bộ. Khi đó, ngành cũng tính toán được từng giai đoạn sẽ cần bao nhiêu nhà giáo để có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Điều này phù hợp với xu thế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hiện nay.
Ngoài ra, để giáo dục là quốc sách hàng đầu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nhấn mạnh, chúng ta cần đặt vị trí nhà giáo đúng chỗ và tầm. Theo đó, cần xem xét đầy đủ, khách quan, khoa học để điều chỉnh hệ thống quy phạm pháp luật theo hướng giao tự chủ cho ngành Giáo dục về con người, cụ thể là vấn đề tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Muốn vậy, cần cụ thể hóa trong dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua.
“Nếu chúng ta đủ căn cứ lý luận và thực tiễn, có đánh giá tác động khoa học để thuyết trình thì tôi tin các đại biểu sẽ nhất trí thông qua dự án Luật Nhà giáo, trong đó có quy định về phân cấp tuyển dụng, sử dụng giáo viên”, bà Tăng Thị Ngọc Mai nhận định.
Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước. Trong khi đó, theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2026 phải thực hiện giảm 10% biên chế viên chức, tương đương với hơn 6 nghìn người; trong đó chủ yếu giảm biên chế sự nghiệp giáo dục. Ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT quan ngại, nếu tiếp tục thực hiện tinh giản theo quy định của Trung ương sẽ dẫn tới thiếu càng thêm thiếu giáo viên.
“Thực tiễn trên đòi hỏi tháo gỡ bằng các quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo. Theo đó, cần có chính sách không giảm biên chế sự nghiệp giáo dục; thực hiện đúng chủ trương có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ông Tạ Hồng Lựu đề xuất.
Tại Hội thảo triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo, ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, hơn 300 đại biểu tham dự hội thảo – hầu hết thống nhất quan điểm, xây dựng Luật Nhà giáo phải đảm bảo tháo gỡ được vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo mà địa phương đang gặp phải. Quy định Luật Nhà giáo độc lập với Luật Viên chức và cần tăng cường vai trò quản lý trực tiếp của ngành Giáo dục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo.
Trong 5 chính sách được Bộ GD&ĐT đề xuất trong dự án Luật Nhà giáo có chính sách tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo. Chính sách này sẽ khắc phục bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tuyển dụng vào ngành những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.