Thừa Thiên Huế tăng gần 50% giá dịch vụ vận chuyển rác thải sinh hoạt

Nhiều người dân, hộ kinh doanh cho rằng mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt quá cao và chưa hợp lý.

Thừa Thiên Huế tăng gần 50% giá dịch vụ vận chuyển rác thải sinh hoạt

Từ năm 2019, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với hộ dân cư, hộ kinh doanh tăng gần 50% so với năm ngoái và được điều chỉnh tăng hằng năm theo lộ trình đến năm 2022.

Đối với địa bàn thành phố Huế, mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tăng qua từng năm, thấp nhất 14.000 đồng/hộ, cao nhất 43.000 đồng/hộ. Nhiều hộ kinh doanh cho rằng mức tăng này quá cao, chưa hợp lý nên không nộp tiền dịch vụ này. Một số trường hợp cho rằng mức giá tăng nhưng việc cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt chưa đạt yêu cầu. Có nơi vài ngày thu gom rác 1 lần, có nơi rác ùn ứ cả tuần.

thua thien hue tang gan 50% gia dich vu van chuyen rac thai sinh hoat hinh 1
Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với hộ dân cư, hộ kinh doanh tăng gần 50%.

Ông Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế nêu ý kiến: “Trước đây năm 2018 thu 20.000 đồng, năm 2019 thu 30.000 đồng, có 1 hộ neo đơn nói rằng lượng rác thải họ thải ra rất ít nhưng 1 tháng nộp 30.000 đồng, có người chấp hành, nhưng có người không chấp hành. Bây giờ chúng ta thu đồng đều như vậy, một số hộ thải ít, một số hộ thải nhiều thì xảy ra bất cập trong vấn đề thu gom rác”.

Ông Huỳnh Cư, Bí thư Thành ủy Huế cho rằng, tốc độ tăng giá dịch vụ này khá cao so với điều kiện của người dân. Đối với các hộ khá giả thì có thể chấp nhận được nhưng những với hộ khó khăn thì mức giá này gây cho họ nhiều lo lắng. Về lâu dài cần tính đến việc phân loại rác tại nguồn để giảm chi phí, giảm giá dịch vụ cho bà con.

Theo ông Huỳnh Cư, lộ trình tăng giá cần phải được công khai, minh bạch: “Liên quan đến vấn đề rác thải, khi chúng ta ban hành một chính sách nhưng lại không có chủ trương để làm công tác tuyên truyền. Đây là chỗ sai lầm nhất, tạo ra bất ngờ cho người dân, bà con không hiểu, ngay cả tổ chức cơ sở cũng không biết làm sao để giải thích”.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế giải thích, căn cứ vào luật phí, lệ phí, mức thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường trước đây chỉ bù đắp một phần nhỏ chi phí, phần còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Việc chuyển từ phí sang giá có sự thay đổi thành quan hệ mua bán. Nhà nước cung cấp các dịch vụ công cộng bằng các lợi ích thì người dân sẽ trả tiền để được thực hiện việc này. Khi ban hành chính sách này đã tính đủ giá thành theo cơ chế thị trường bao gồm các chi phí thu gom, vận chuyển và đưa đến nơi xử lý. Do đó, giá dịch vụ tăng cao so với mức thu phí trước đây.

Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, cách tính giá dịch vụ một cách đồng đều như hiện nay là chưa công bằng, sẽ xem xét, xây dựng lại các tính giá hợp lý hơn.

“Khi ban hành chính sách này đang từ 20.000 đồng xây dựng lên đến 100.000 đồng sẽ rất khó khăn trong việc đóng góp của bà con cũng như ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh. Do đó, Ủy ban đã chỉ đạo các ngành xây dựng phương án lộ trình. Theo quy định chỉ có trong vòng 3 năm tức là đến năm 2020 phải hoàn tất vấn đề tính đủ giá thành. Tuy nhiên do nhảy cóc rất lớn, tăng chi phí nhiều nên Ủy ban xin được kéo dài 5 năm”.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ