Vụ bắt tạm giam nguyên TGĐ SAGRI Lê Tấn Hùng: Đất công bị “hô biến” thế nào?

GD&TĐ - Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt nguyên và đương kim lãnh đạo của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt giam. Nguyên nhân được xác định là sử dụng đất công (cho thuê, chuyển giao, hợp tác đầu tư) trái quy định, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Khu đất từng là trại nuôi heo tại quận 9 do SAGRI quản lý nay là khu đô thị hoàng tráng với hàng dài biệt thự triệu đô khi được SAGRI chuyển giao cho Tổng Công ty Dệt may Phong Phú với giá rẻ như bèo
Khu đất từng là trại nuôi heo tại quận 9 do SAGRI quản lý nay là khu đô thị hoàng tráng với hàng dài biệt thự triệu đô khi được SAGRI chuyển giao cho Tổng Công ty Dệt may Phong Phú với giá rẻ như bèo

“Hợp tác” xà xẻo đất công

Ngày 8/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vân Trọng Dũng (52 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI) và bà Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi, nguyên Kế toán trưởng SAGRI).

Trước đó, ngày 6/7, C01 cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) và ông Nguyễn Thành Mỹ (nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư) sau hơn một năm điều tra các sai phạm tại đơn vị này. Cả bốn bị can cùng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Những sai phạm của lãnh đạo SAGRI (từ 2015 - 2017) xuất phát từ việc tùy tiện trong việc sử dụng, chuyển giao, hợp tác phần lớn quỹ đất mà SAGRI được Nhà nước giao (71.889.529 m2 - hơn 7.100 ha) mà không có sự đồng ý của UBND TP HCM.

Theo đó, kết luận số 387 của Kiểm toán Nhà nước về những sai phạm tại SAGRI chỉ rõ: SAGRI và Công ty Agrimexco (công ty 100% vốn của SAGRI) từng ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích là 19.199.719 m2 (1.919 ha).

Đặc biệt, chỉ trong thời gian 2 năm, lãnh đạo SAGRI đã ký thành lập 3 pháp nhân mới để hợp tác kinh doanh trên diện tích hàng triệu mét vuông đất khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP, cũng như chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Những vụ việc nổi cộm trong sai phạm quản lý và sử dụng đất công của lãnh đạo SAGRI chính là việc bán rẻ quỹ đất của Nhà nước cho đối tác bên ngoài để làm dự án.

Cụ thể, 28/12/2017, HĐTV SAGRI thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu nhà ở khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 có quy mô 36.676 m2 (trong đó đất nhóm nhà ở chung cư là 6.305,7 m2, đất nhà liền kề là 9.568,4 m2) cho Công ty Cổ phần Phong Phú với số tiền trên 168 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi thanh tra về giá trị giá chuyển nhượng, Thanh tra TP nhận định giá trị đất mà SAGRI chuyển nhượng cho đối tác thấp hơn so với thị trường rất nhiều. Việc SAGRI “sang tay” dự án này với số tiền hơn 168 tỉ đồng - tương đương khoảng 10,6 triệu đồng/m2 là quá thấp so với giá Công ty Phong Phú huy động từ khách hàng là 14 triệu đồng/m2 - thời điểm năm 2013 và thấp hơn giá thị trường tại thời điểm ấy gần 15 triệu đồng/m2 (giá bán 29 triệu đồng/m2) gây thất thu cho chính SAGRI 295 tỉ đồng.

Không chỉ sang nhượng quỹ đất cho đơn vị ngoài với giá bèo bọt, lãnh đạo SAGRI còn bị Thanh tra TP chỉ rõ hàng loạt sai phạm về hợp tác (bằng quỹ đất) với các đơn vị ngoài. Cụ thể, ngày 22/7/2016, SAGRI và đối tác ký Hợp đồng hợp tác (số 83) để thành lập pháp nhân mới nhằm triển khai thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) với diện tích 470 ha (khu đất này thuộc quyền quản lý của Công ty Bò Sữa).

Theo Kiểm toán Nhà nước, mặc dù chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền nhưng SAGRI vẫn bàn giao hơn 450 ha đất và một số tài sản trên đất của Công ty Bò Sữa cho pháp nhân mới để thực hiện dự án gây thiệt hại rất lớn về tài sản công của Nhà nước.

Ngoài ra, tháng 8/2016, SAGRI lại thực hiện một hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Trung Thuỷ (hợp đồng số 90) qua đó thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ SAGRI nhằm thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 670 ha tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi). Đặc biệt, dự án trên ban lãnh đạo SAGRI cũng không cần đợi văn bản chấp thuận của UBND TP, cũng như quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Từ những sai phạm bất chấp các quy định về quản lý, sử dụng đất công của ban lãnh đạo SAGRI, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, SAGRI bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty Bò Sữa cho công ty mới thành lập khi chưa có văn bản chấp thuận của TP, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan Nhà nước là không đúng thẩm quyền, sai phạm nghiêm trọng.

Trụ sở chính của SAGRI tại đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM
  • Trụ sở chính của SAGRI tại đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM

SAGRI được bảo kê?

Không chỉ bị chỉ ra những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công tại TP HCM, Ban lãnh đạo SAGRI còn bị Thanh tra “lột trần” những sai phạm trong việc bán hơn 31.000 m2 đất tại xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cho ông Nguyễn Chu Sâm (qua Công ty Cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn - FORIMEX) với giá rẻ mạt là 280 nghìn đồng/m2, trong khi giá thị trường của khu đất tại thời điểm đó là 3 triệu đồng/m2. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn Ban lãnh đạo SAGRI coi thường mọi quy định luật pháp khi ký 6 hợp đồng hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư trên 16 khu đất, với tổng diện tích 26,4ha.

Theo đó, tháng 5/2017, SAGRI và Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG, Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ Sài Gòn VRG ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần phát triển Khu công nghiệp Đô thị Phạm Văn Hai để thực hiện dự án Khu công nghiệp Phạm Văn Hai và đô thị dịch vụ liền kề phục vụ KCN trên khu đất có diện tích 768 ha tại xã Phạm Văn Hai của Công ty Cây trồng.

Kiểm toán Nhà nước sau thanh tra khẳng định, việc SAGRI góp vốn thành lập pháp nhân mới có ngành nghề kinh doanh bất động sản là không đúng quy định theo Quyết định số 929 ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, là đầu tư ra ngoài ngành, sai phạm rất nghiêm trọng.

Đánh giá về những vụ việc mang tính “điểm” về xà xẻo đất công vừa qua tại TPHCM, Luật sư Lê Bá Thường - Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, đây không chỉ xuất phát từ sự buông lỏng quản lý tài sản công, cơ chế giám sát chéo, mà còn xuất phát từ sự nể nang, phe cánh, lợi ích nhóm. Theo ông, việc thất thoát tài nguyên đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự câu kết giữa tư nhân và người có thẩm quyền nhằm hợp thức hóa việc biến tài sản công thành tài sản tư hay có sự ưu ái từng vấn đề về định giá, bán đấu giá nhưng hạn chế đối tượng.

“Rất khó để khiến dư luận xã hội không hoài nghi về những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý và sử dụng đất công tại TP HCM trong thời gian qua. Người dân chỉ xây nhà trái với quy định, bản vẽ một tí đã có thanh tra xuống làm việc. Trong khi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sai phạm trong việc chuyển nhượng hàng chục ha đất công sản cho tư nhân kinh doanh kiếm lợi nhuận mà không ai biết thì thực sự có vấn đề. Vấn đề ở đây là trách nhiệm quản lý cán bộ, quản lý công sản của UBND TPHCM, kế đến là trách nhiệm của Thanh tra và cuối cùng là kẽ hở của luật pháp”- ông Thường nhận định. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.