Thưa thầy, “we” là… hai vợ chồng ạ!

GD&TĐ - Khi được đặt câu hỏi: Thời đi học thầy nhớ gì nhất? Thầy giáo tiếng Anh nổi tiếng Nguyễn Quốc Hùng, MA - thường ngược dòng thời gian kể những câu chuyện học tiếng Anh.   

Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA

Sinh viên khóa 5 (1962 - 1966) Trường ĐH Sư phạmSinh viên khóa 5 (1962 - 1966) Trường ĐH Sư phạm

Chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại, thầy Hùng MA hồi tưởng về những giờ học tiếng Anh cách đây 55 năm với bao thiếu thốn khó khăn nhưng không dập tắt được sự nhiệt tình, đam mê của thầy và trò, cùng đó là tâm huyết về phương pháp giảng dạy tiếng Anh hiệu quả.

Chủ trương đuổi tiếng mẹ đẻ ra khỏi lớp

Năm 1962, khi ấy không mấy ai nghĩ đến việc vào đại học học tiếng Anh, một thứ tiếng “tư bản”. Chúng tôi bắt đầu tuần lễ thứ nhất của cuộc đời sinh viên ngoại ngữ trong Trường Đại học Sư phạm bằng những buổi tập phát âm. Đối với chúng tôi, cái tuần ấy đã có hiệu quả không phải chỉ ở chỗ biết phát âm một số âm tiếng Anh, mà về tâm lý nó đã giúp chúng tôi làm quen một cách có ý thức với lối cấu âm xa lạ. Việc này có ảnh hưởng lâu dài đến quy trình sử dụng tiếng.

 Có lần, để giảng từ “we” (nghĩa là: chúng tôi/chúng ta), cô Freeda Cook đã đứng dậy khoác tay thầy Liêu vừa đi quanh lớp vừa nói: “We…we…”.Chúng tôi gật gù tỏ vẻ hiểu bài. Tuy nhiên, ông thầy của chúng tôi với sự nhạy bén đã thận trọng hỏi lại bằng tiếng Việt “we” là gì. Chúng tôi vội vàng đồng thanh: “Thưa thầy, là hai vợ chồng ạ”!

Thầy Phạm Duy Trọng, thầy quá cố Đặng Chấn Liêu và cô quá cố Freeda Cook – người New Zealand – là người thầy đầu tiên của chúng tôi. Cả ba thầy đều theo xu hướng trực tiếp trong thời kỳ cực đoan, chủ trương đuổi hẳn tiếng mẹ đẻ ra khỏi lớp học ngay từ giờ học đầu tiên. Không giờ học nào chúng tôi không phải căng thẳng theo dõi từng tình huống, từng ngữ cảnh để có thể luận ra được ý nghĩa của từ và cấu trúc câu. Một tiếng xì xào dịch thầm cho nhau sang tiếng Việt là có thể dẫn tới bị đuổi cổ ra khỏi lớp. Chi đoàn thanh niên chúng tôi thường họp để ra nghị quyết không nói tiếng Việt trong giờ học.

Để khắc phụ khó khăn, thầy Liêu có một bộ tranh duy nhất treo trên bảng, coi như giáo cụ trực quan cho những giờ luyện nói. Ngoài ra, ba thầy cô sử dụng điệu bộ, cử chỉ và hành động của mình giúp chúng tôi hiểu bài.

Lắm khi cũng sợ! Anh bạn tôi bị gọi đứng lên, thầy hỏi: “What is this?” (Cái này là cái gì?). Anh ta không biết. Thầy hỏi lần thứ hai hơn gằn giọng: “What is this?”, thì anh ta luống cuống vội trả lời: “This is bơ ạ”. Cũng buổi hôm ấy chúng tôi học đặt câu hỏi với “Who?”. Hai người đầu tiên đứng lên đã hỏi: “Who is this?”, chị bạn thứ ba của tôi lại đứng dậy cuống quýt hỏi tiếp: “Who is this?” (Ai đây?). Thầy tôi đành cau mày trả lời: “You uncle!” (Ông cậu chị đấy)!

Sau này, khi nói đến việc cải tiến phương pháp trực tiếp, người ta mới phê phán rằng phương pháp trực tiếp có thể đuổi tiếng mẹ đẻ ra khỏi lớp học, nhưng không thể đuổi nói ra khỏi đầu của học sinh được. Nói như vậy nhưng phương pháp trực tiếp có một chủ trương rất ưu việt là tìm mọi cách rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy bằng tiếng Anh khi nói tiếng Anh. Vì vậy phương pháp này sử dụng nhiều kỹ thuật rèn luyện trong đó đọc to, tự sửa lỗi, luyện nói chuyện và luyện phát âm là những kỹ thuật chủ chốt.

Từ trái qua: Cô Freeda Cook, thầy Đặng Trấn Liêu, thầy Phạm Duy Trọng
Từ trái qua: Cô Freeda Cook, thầy Đặng Trấn Liêu, thầy Phạm Duy Trọng

Tôi chỉ mời 6 anh thôi!

Trong những năm tháng ấy, chúng tôi chẳng biết gì về nước Anh ngoài vài bài học trong sách Liên Xô về Nghị viện Anh, về Big Ben, về người Anh một ngày ăn mấy bữa… Cô Freeda Cook rất quý học sinh Việt Nam. Cô tổ chức cho từng nhóm sáu người, mỗi Chủ nhật một nhóm đến nhà cô để học cách dùng dao dĩa.

Đến lượt nhóm chúng tôi có 7 người vì sĩ số lớp lẻ. Chúng tôi nghĩ theo kiểu Việt Nam, thôi thì cứ đến cả, chỉ thêm bát thêm đũa mà thôi.

Đến nơi, Freeda đón chúng tôi ở cửa, cô chỉ ngay vào anh chàng thứ bảy và nói: “Tôi chỉ mời 6 anh thôi’. Thế là anh ta ngượng quá và phải ra về và sau này cứ “chửi rủa” chúng tôi mãi: “Chỉ tại chúng mày”. Đấy là bài học văn hóa Anh đầu tiên của chúng tôi!

Quýt làm cam hưởng!

Thời ấy chúng tôi tìm cách dùng tiếng Anh ở mọi nơi mọi chỗ. Không hiểu sao lúc đó chúng tôi say mê thế. Một hôm đi lao động cấy giúp dân, phải lội xuống ruộng nước, cả lớp nhân dịp này quy định vừa làm vừa nói tiếng Anh.

Ruộng có nhiều đỉa, cô bạn Nghi “gốc Hà Nội” gọi tôi và anh bạn tên Cơ đến dặn dò: “Bây giờ xuống nước mỗi cậu trông hộ tớ một đùi. Nếu thấy con đỉa nào thì bóc ra nhé”.

Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo. Đến khi lên bờ, anh bạn tôi tinh nghịch ném một con đỉa về phía cô ấy. Thế là cuống quýt, nàng nhảy ngay lên đu vào cổ một anh bạn khác đứng gần đấy. Thật là quýt làm cam hưởng!

Tuy nhiên, ngày hôm đó chúng tôi học được rất nhiều từ về đồng áng, và nhất là từ “con đỉa” (leech), một từ ít ai biết nhưng chúng tôi thì không bao giờ có thể quên được.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA - gương mặt quen thuộc với HS, SV, giáo viên trên khắp cả nước qua những cuốn sách và các chương trình dạy Tiếng Anh trên sóng truyền hình
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA - gương mặt quen thuộc với HS, SV, giáo viên trên khắp cả nước qua những cuốn sách và các chương trình dạy Tiếng Anh trên sóng truyền hình

Từng đôi ôm nhau nhảy, thì thầm bên tai tiếng... Anh

Trong những năm tháng sinh viên của chúng tôi, tài liệu học tập hết sức hiếm hoi. Những sách tiếng Anh của phương Tây hoàn toàn không có cơ hội xâm nhập vào nước ta. Vậy thì tăng cường vốn từ vựng bằng cách nào?

Lúc ấy, mỗi nhóm nghĩ ra một kiểu, người thì lọc từ một số sách dịch ra những từ cần biết rồi chép thành sổ từ, người thì học thuộc lòng từng trang tự điển mượn được, để rồi lại quên hầu hết vì ít khi dùng đến, người thì tập viết những đoạn chuyện lặt vặt hàng ngày của đời sinh viên, người thì tìm chép những câu nói hay.

Còn luyện khả năng nghe nói, chúng tôi tổ chức những buổi vui chơi nói tiếng Anh, những ngày “Thứ Sáu tiếng Anh”, tập diễn thuyết bằng tiếng Anh, các cuộc thi kể chuyện tiếng Anh, và kể một vài lần tập quân sự, khi hành quân trên đường dài chúng tôi quy định “những chặng đường tiếng Anh”.

Thứ Sáu tiếng Anh nôm na là một tối hát, đọc thơ và nhảy. Một tối toàn nói tiếng Anh. Tất nhiên khi hai anh chị nhảy với nhau, nói chuyện thì thầm thì chẳng biết là nói tiếng Anh hay tiếng Việt. Nhưng chúng tôi tin rằng ai cũng nói tiếng Anh vì không hiểu sao nói tiếng Anh, tạo cho mình một cảm giác như đang ở bên Anh là chúng tôi thấy thích thú lắm, chẳng cần ai kiểm tra. Có nhiều bạn tôi lắm lúc còn giả vờ quên tiếng Việt để ra vẻ “rất Anh đây”!

Sáng dậy, đọc to bằng tiếng Anh như thể đỡ cơn… nghiện!

Phương pháp trực tiếp cho rằng khả năng phát âm là yếu tố quan trọng tới mức nó quyết định sự thành công trong giao tiếp. Một tuần đầu dành cho phát âm là để đáp ứng ý nghĩa ấy. Các thầy rất nghiêm khắc trong việc này.

Một bài tập triền miên đặt lên đầu chúng tôi trong suốt năm thứ nhất là cứ mỗi sáng khi ngủ dậy, không bước xuống giường vội, cầm ngay lấy một quyển sách tiếng Anh, mở ra bất kỳ đoạn nào đọc to lên vài lần như thể cho đỡ cơn nghiện rồi mới đi đánh răng rửa mặt.

Loại bài tập này tạo phản xạ mới, giúp người học thấm dần một cách tự nhiên lối nói của người Anh. Khi bắt đầu đi dạy tôi có áp dụng lối này với một vài khóa sinh viên, nhưng càng về sau càng khó thực hiện, không biết vì không đủ kiên trì hay nhiều sinh viên cho rằng nhịp đập của cuộc sống mới không còn chầm chậm như ngày xưa nữa, mở mắt ra là phải lao vào cuộc sống sôi động ngay.

Trong quy trình đào tạo ngoại ngữ ngày nay, yếu tố văn hóa được coi trọng ít ra là ngang với yêu cầu rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, ngay trong thời hoàng kim của phương pháp trực tiếp ở nước ta, không ai đề cập đến vấn đề văn hóa, hay hiện tượng “sốc” văn hóa trong mô hình đào tạo. Điều đó  có lẽ do chúng tôi không có sách của Anh (sách học do người Anh viết mới có nhiều khác biệt văn hóa), mà chỉ học có một tài liệu do thầy Việt Nam viết trên đất Việt Nam về đất nước và sinh hoạt Việt Nam.

Ngày nay chúng ta đã tiến qua nhiều phương pháp và đã tương đối hoàn thiện trong quy trình đào tạo. Nhưng yếu tố cá nhân trong việc học ngoại ngữ không phải là không quyết định. Nó bao gồm sự kiên trì, sáng tạo và tình yêu ngôn ngữ. Là con đẻ của phương pháp trực tiếp, bạn học của tôi có rất nhiều người giỏi tiếng Anh. Tất nhiên mỗi người một số phận, một hoàn cảnh và một sự phát triển khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.