Khoa tiếng Anh Trường ĐH Hà Nội – Những mùa nắng đầu tiên

GD&TĐ - Sáng 15/9, hội trường lớn Trường ĐH Hà Nội tràn đầy không khí ấm áp, là những ánh mắt vui tươi, nụ cười thân thiết, những cái ôm hội ngộ từ các ông bà nội/ngoại – các cựu sinh viên lớp 1 và 2 A67 khoa tiếng Anh - những mùa nắng đầu tiên của mái trường ĐH Ngoại ngữ.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng, thầy Vũ Tá Lâm (tứ 2, 3 từ trái sang) – hai giảng viên đầu tiên của khoa Tiếng Anh cùng học trò giao lưu, ôn lại kỷ niệm xưa
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, thầy Vũ Tá Lâm (tứ 2, 3 từ trái sang) – hai giảng viên đầu tiên của khoa Tiếng Anh cùng học trò giao lưu, ôn lại kỷ niệm xưa

Cứ ngỡ chương trình kỷ niệm cũng sẽ “như thường lệ” với các tiết mục văn nghệ, phát biểu, tặng hoa... nhưng ngay phút đầu tiên, bằng tiếng hát, bằng những nhạc khúc hồi tưởng, bằng sự kết hợp tài tình của cựu sinh viên đầu bạc và các tân sinh viên tóc mây môi hồng… không gian, thời gian đã như kéo trở lại, trải dòng kỷ niệm của hai lớp học đầu tiên khoa tiếng Anh A67.

Có người không kìm được xúc động, vừa hát vừa khóc trên sân khấu, có người lại run lên, tình cảm dạt dào chực vỡ òa theo từng dòng thơ tặng thầy, tặng bạn… Các thế hệ sinh viên đan xen cùng nắm tay, cùng cất cao lời ca tiếng hát, để thấy khoa tiếng Anh trường ĐH Ngoại ngữ năm xưa và khoa tiếng Anh trường ĐH Hà Nội hôm nay có sự kế thừa, phát triển, trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng, thầy Vũ Tá Lâm nhận bó hoa tươi thắm từ những học trò cũ
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, thầy Vũ Tá Lâm nhận bó hoa tươi thắm từ những học trò cũ 

Để có được chương trình thể hiện sự sáng tạo, chuyên nghiệp mà đong đầy tình cảm như vậy, mỗi thầy và trò cựu sinh viên lớp 1, 2 A 67 đã dành nhiều tháng ngày để tập luyện, lên chương trình, họp nhóm thống nhất ý tưởng, để rạo rực như sống lại quãng đời sinh viên.

Nghe kể về lời thúc giục để ra cuốn kỷ yếu của lớp mà cứ muốn rơi nước mắt, rằng cuối tháng 12/2016, thầy Vũ Tá Lâm – một trong hai thầy chủ nhiệm đầu tiên của lớp – thiết tha nói: Các em phải làm một cuốn kỷ yếu để lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ về lớp 1 – 2 A67 của chúng ta… Cả tôi và các em đều không còn nhiều thời gian nữa. Phải làm ngay.”

Điểm nhấn của chương trình là cuốn sách “Nắng bốn mùa” do thầy Nguyễn Quốc Hùng viết về những học trò đầu tiên của mình. Thầy tâm sự chưa bao giờ viết được một cuốn sách nhanh và thành công như thế. Thầy mất có 26 ngày để hoàn thành bản thảo cuốn sách.

Trong thời gian phác thảo sách, thầy Hùng thường xuyên liên hệ với thế hệ sinh viên năm đầu để lấy thông tin. Sau khi bản phác thảo hoàn thành, thầy gửi lại cho họ đọc để bổ sung thông tin cho chân thực nhất, và cả thầy và trò đều hào hứng. Cuốn sách và kỷ yếu của lớp đã được trân trọng trao tặng khoa tiếng Anh trường Đại học Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của sinh viên, rằng điều gì thôi thúc thầy viết nên cuốn sách, thầy Hùng chân thành chia sẻ: Tôi viết cuốn sách này vì cuộc đời tôi gắn liền với ngôi trường này, gắn liền với thăng trầm của khoa tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp tôi đã về trường và là một trong những người đầu tiên gây dựng khoa tiếng Anh. Và từ ngày đó, (1967) đến khi tôi về hưu (2002), cuộc đời tôi chỉ ở ngôi trường này mà không phải một nơi nào khác, thậm chí truyền hình cũng chỉ là nơi tôi cộng tác mà thôi.

Thầy giáo và các thế hệ sinh viên đan xen cùng nắm tay, cùng cất cao lời ca tiếng hát
Thầy giáo và các thế hệ sinh viên đan xen cùng nắm tay, cùng cất cao lời ca tiếng hát 

Điều thú vị nhất chính là việc chiết giải tên “Nắng bốn mùa” của cuốn sách. Ông Nguyễn Tường Dũng – một trong những cựu sinh viên lớp 1 – 2 A67 kể:

Khi có bạn hỏi tôi sao thầy Hùng lại đặt tên sách là Nắng bốn mùa, tôi đã trộm nghĩ rằng: Các thầy cô như mặt trời tỏa nắng cho đời. Mặt trời rực rỡ tràn đầy năng lượng, chói lòa trí tuệ khai sáng nhân loại. Mặt trời chính là các thầy cô ấm áp yêu thương của chúng ta. Sẽ không có chúng ta ngày hôm nay, sẽ không có nắng nếu không có mặt trời. Nắng là chúng ta, là tất cả sinh viên có mặt hôm nay, là những thế hệ sinh viên tiếp nối tương lai.

Còn tác giả – thầy Nguyễn Quốc Hùng – diễn giải lý do đặt tên sách: Thứ nhất, mỗi một năm học mỗi sinh viên đều trải qua 4 mùa khác nhau, mỗi mùa đều có một yêu cầu, mục đích riêng: Mùa thu là mùa của tựu trường, mùa đông là mùa của thi học kỳ một, mùa xuân là mùa ôn thi cuối năm và mùa hạ là mùa của thi cuối năm và nghỉ hè. Thứ hai, một năm có 4 mùa nên nhắc đến 4 mùa là nói đến sự trọn vẹn của một cái gì đó, ở đây là sự trọn vẹn cuộc đời của thế hệ sinh viên đầu tiên.

Một chương trình kỷ niệm – cả một trời nhung nhớ. Một cuốn sách ghi dấu, tình thầy trò khắc sâu. Còn gì đẹp hơn tình cảm thầy trò. Để 50 năm hay hơn thế nữa, ngày tháng nào, học trò cũng tri ân ghi nhớ thầy cô là mặt trời tỏa nắng, ngày tháng nào, thầy cô cũng mong ước học trò có cuộc đời trọn vẹn hoàn mỹ như 4 mùa trong năm…

Khoa tiếng Anh được chính thức thành lập năm 1967. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa hiện có hơn 60 người. Hàng năm, có hơn 600 sinh viên được tuyển chọn và theo học tại các khóa đào tạo tập trung khác nhau tại Khoa. Hiện nay, số sinh viên đang theo học tại Khoa lên tới trên 2000 sinh viên. Năm 1999, Khoa tiếng Anh vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.