Thư viện công: Làm gì để tách dần “bầu sữa” ngân sách?

GD&TĐ - Câu chuyện làm gì để đẩy mạnh xã hội hóa phát triển văn hóa đọc, hay nói cách khác là để hoạt động thư viện công tách dần “bầu sữa” ngân sách tiếp tục được trao đổi tại hội thảo cùng chủ đề do Bộ VH,TT&DL tổ chức ở Hà Nội.

Rất cần đẩy mạnh xã hội hóa để các thư viện có nhiều hoạt động cuốn hút độc giả. Ảnh: Bình Thanh
Rất cần đẩy mạnh xã hội hóa để các thư viện có nhiều hoạt động cuốn hút độc giả. Ảnh: Bình Thanh

Chưa tha thiết và còn ỷ lại

Nhiều ý kiến cho rằng, không thể phủ nhận những năm qua công tác xã hội hóa thư viện đã được đẩy mạnh. Trên cơ sở hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện với hàng loạt văn bản quy định được ban hành, hoạt động này sôi nổi hơn bao giờ hết trong các chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động, giúp các thư viện phát triển vốn tài liệu, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, cải thiện môi trường đọc, tăng cường năng lực trong tổ chức các hoạt động khuyến học, công tác đào tạo, hình thành mạng lưới thư viện phòng đọccơ sở thư viện tư nhân… Từ đó, trong các trường phổ thông, trường đại học, việc đọc của học sinh, sinh viên được quan tâm hơn…

Tuy nhiên, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL, văn hóa đọc có khởi sắc nhưng đối với những thư viện ỷ lại thì vẫn đạt ở độ vừa phải. Trên thực tế, việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, việc triển khai tự chủ trong các thư viện cũng còn một số hạn chế và chưa được thực hiện một cách rộng khắp. Còn khá nhiều thư viện ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước khi triển khai các biện pháp phát triển văn hóa đọc và chưa thực sự năng động trong việc tổ chức các dịch vụ cũng như huy động sự hỗ trợ từ các cá nhân và tổ chức cho các hoạt động của mình.

Cũng theo bà Ngà, tại một số địa phương, bộ ngành các cấp, lãnh đạo còn chưa quan tâm đến phát triển và tạo môi trường đọc thân thiện, hữu ích. Một số địa phương, bộ ngành có nơi cắt giảm ngân sách cho thư viện, phòng đọc sập xệ, có nơi bị chuyển ra nơi xa trung tâm nên vắng bạn đọc. “Người dân nói chung còn chưa thực sự tha thiết với việc đọc để nâng cao hiểu biết. Có thể nói, thời gian dành cho việc đọc của người dân Việt Nam còn chưa nhiều, kỹ năng đọc và sử dụng thông tin của các đối tượng từ học sinh đến công chức, viên chức còn hạn chế. Cứ quan sát ở các nơi công cộng, chúng ta thấy người đọc chủ yếu vẫn là người nước ngoài…” - bà Thúy Ngà nhấn mạnh.

Trong khi đó, công tác này cũng chưa được quan tâm đúng mức hoặc còn lúng túng ở hệ thống thư viện công cộng và trường học. Bà Phạm Thu Hạnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ và phong trào cơ sở, Thư viện Hà Nội đã thẳng thắn nêu thực trạng: “Hiện nay có nhiều thư viện, phòng đọc sách cơ sở sau một thời gian hoạt động đã chững lại, không phát triển thêm được gì, cá biệt có những thư viện chỉ sau khi ra mắt đã lại đóng cửa và thực tế chính là bệnh hình thức”.

Còn bà Vũ Thanh Thủy - Học viện Tài chính thì chia sẻ những tồn tại chung của nhiều học viện, trường đại học hiện nay: Việc kêu gọi, thu hút từ cá nhân, tổ chức chưa thực sự được quan tâm; chưa có kinh nghiệm trong việc viết dự án xin tài trợ để phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị; chưa có nguồn thông tin đầy đủ và thường xuyên về các dự án tài trợ kinh phí cho thư viện…

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Làm tốt hơn khi bị… “bắt ép” tự chủ?

Bà Vũ Dương Thúy Ngà đánh giá, ở những nơi nào buộc phải tự chủ thì càng thấy hiệu quả rất tốt. Bà Ngà đã dẫn chứng cụ thể: “Thư viện Tạ Quang Bửu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh… là những nơi bị buộc phải tự chủ và khoán hẳn bao nhiêu tiền thì gần như các cán bộ thư viện sẽ nghĩ ra đủ mọi cách để thu hút bạn đọc đến và bạn đọc rất đông. Như Thư viện Tạ Quang Bửu ngày vắng đón 5.000 lượt bạn đọc còn ngày đông đón 10.000 lượt”.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tích cực quảng bá hình ảnh, hoạt động của mình dưới mọi hình thức nhằm tạo nên sự chú ý, quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước; chủ động tìm kiếm và tham gia các dự án từ các tổ chức nước ngoài để trở thành đơn vị được hưởng thụ các dự án về tài liệu, ngân sách, trang thiết bị… Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng là cùng với việc củng cố, hoàn thiện thư viện điện tử/thư viện số thì những người làm thư viện cần được đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ…

Để đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc, những người công tác trong ngành thư viện đều mong mỏi Luật Thư viện sớm được Quốc hội thông qua để tạo hành lang pháp lý cho phát triển văn hóa đọc, thư viện và đẩy mạnh xã hội hóa. “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thư viện (xây dựng Luật Thư viện và các văn bản pháp quy), nhấn mạnh công tác xã hội hóa thư viện làm cơ sở pháp lý quan trọng để các thư viện trong cả nước có căn cứ triển khai công tác xã hội hóa thư viện”.
Ông Vũ Văn Tuấn – Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Hải Phòng 

Với nhận định, thư viện hoạt động theo kiểu truyền thống chắc chắn sẽ không thể thu hút được bạn đọc cũng như có nhiều thư viện có đầy đủ vốn tài liệu, trang bị máy móc hiện đại nhưng vẫn vắng khách, Thạc sĩ Võ Văn Nhiếng - Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định đề xuất: “Để phát huy tốt nguồn lực có được, kể cả từ xã hội hóa, đòi hỏi cán bộ thư viện phải có năng lực triển khai tất cả các mặt hoạt động vốn có của một thư viện. Làm được như vậy mới hy vọng tạo ra được tính hiệu quả, góp phần phát triển văn hóa đọc, thu hút được đông đảo bạn đọc đến với thư viện một cách bền vững”.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Tới - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh đến các giải pháp trong xây dựng mô hình phối hợp giữa thư viện tỉnh và thư viện trường học phổ thông. Điển hình như: Cần lồng ghép chương trình xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong bài giảng của giáo viên chủ nhiệm; đa dạng hóa, linh hoạt hình thức phục vụ; bổ sung thêm các loại hình tài liệu; bố trí theo hướng mở; hoạt động theo hướng tích cực, thân thiện; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các thầy cô giáo trong công tác xã hội hóa…

“Các giải pháp này cần thực hiện đồng bộ. Để thư viện trường phổ thông thân thiện, đạt chuẩn và gần gũi, thu hút đông đảo học sinh cần có sự thay đổi không chỉ từ bề ngoài mà cần có sự thay đổi từ bên trong, ví như thay đổi về suy nghĩ của các cấp lãnh đạo giáo viên, cán bộ thư viện, bản thân gia đình và học sinh” - ông Huỳnh Tới lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...