Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, xã hội hóa là một xu hướng và là một nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng.
Việc thu hút các cá nhân và tổ chức tham gia xây dựng phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện biểu hiện tính dân chủ và huy động được sự đóng góp của xã hội vào phát triển sự nghiệp thư viện.
Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng của Đảng và Nhà nước đã và đang có những tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội.
Trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng hướng đến năm 2030”, đẩy mạnh xã hội hóa đã được xác định là một trong những giải pháp quan trọng.
“Trước thực tế đó, việc đánh giá lại thực trạng, những vấn đề đang đặt ra và những điều cần xúc tiến để đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc có một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.” – Bà Ngà nhấn mạnh.
Đông đảo chuyên gia, đại diện các đơn vị thư viện trong cả nước tham dự hội thảo. Ảnh: Bình Thanh. |
Tại hội thảo, hàng chục tham luận gửi tới cũng như nhiều ý kiến trực tiếp đã bàn thảo xung quanh các vấn đề:
Các quy định về xã hội hóa hiện hành – tác động, hiệu quả, những bất cập; thực trạng và thành tựu trong thực hiện xã hội hóa văn hóa đọc ở địa phương các ngành, các lĩnh vực;
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong xã hội hóa phát triển văn hóa đọc; đề xuất giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc được tổ chức” với mong muốn khi văn hóa đọc phát triển sẽ góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.