Tôi nghĩ hành động ấy ngoài việc lan tỏa văn hóa đọc còn thiết thực giúp học sinh thêm vốn sống, vốn hiểu biết, không sa vào việc lên Facebook, post hình… rất mất thời gian. Khi tặng sách, tôi đều cẩn thận ghi thêm lời chúc của thầy ở đầu trang, ký tên hẳn hoi.
Mấy năm gần đây, tôi mở rộng đề tài sách tặng hơn. Tôi nhớ quyển sách đầu tiên có nội dung về giáo dục giới tính, tặng cho một học sinh nữ có tên là AT. Em là một học sinh học giỏi, con một trong gia đình. Cha mẹ luôn quan tâm, đưa đón hàng ngày. Em đọc đủ các sách tham khảo mà thầy cô yêu cầu trong chương trình. Nhận thấy em và các bạn quan tâm đến mục y tế, sức khỏe trên các báo nên tôi thay đổi ý định tặng sách văn học cho em bằng một quyển có đề tài giới tính.
Ngày sơ kết học kỳ, sau khi thông báo kết quả học tập của cả lớp, tôi cũng đọc tên các em được nhận phần thưởng của thầy. Tôi căn dặn các em được thưởng hãy mang sách về nhà, suy nghĩ về lời đề tặng của thầy, đọc xong có thể cho các bạn mượn xem. Các em nhất trí với đề nghị của thầy.
Hôm sau, có giờ của lớp, tôi nhận thấy AT nhìn thầy như muốn nói điều gì. Nét mặt em tươi lắm. Hết giờ học, AT đến gặp tôi và nói:
- Thưa thầy, mấy bạn được thưởng sách đều vui, hài lòng với sách được tặng. Riêng sách của em, đề tài, nội dung khác các bạn quá. Không cho mượn, các bạn nói em ích kỷ mà cho mượn em ngại quá thầy ơi!
Tôi giải thích cho AT hiểu rằng nội dung quyển sách tôi tặng là những vấn đề khoa học do một nhà xuất bản có uy tín phát hành. Tác giả là chuyên gia y học, nội dung gần gũi với các em. Em đọc xong, cho các bạn mượn, không phải e ngại gì.
AT gật đầu nhưng vẫn còn e dè. Tôi hỏi:
- Em có khoe với ba mẹ về quà tặng của thầy không? Ý kiến của ba mẹ thế nào?
AT cho tôi biết ngay khi mở gói quà, em mang khoe ngay với mẹ. Mẹ em đọc sơ qua nội dung và dặn AT nên giữ kỹ và dành thời gian đọc hết quyển sách này. Ba mẹ còn nhìn nhau nở nụ cười ý nhị.
Tôi yên tâm. Vậy là tôi có đồng minh rồi. Việc phụ huynh ủng hộ thầy trong việc giáo dục giới tính cho con em là đáng nên làm.
Mấy ngày sau, tôi nhận được thư cảm ơn của mẹ AT. Trong thư mẹ em cho biết hai vợ chồng cùng nhận xét là quyển sách có nội dung về sức khỏe, sinh sản phụ nữ thầy tặng thật cần thiết. Các em gái cần có kiến thức để tự bảo vệ, tự chăm sóc sức khỏe của bản thân, chuẩn bị bước vào đời vững vàng. Học sinh được giải thích rõ ràng, thuyết phục, khoa học về các vấn đề mà mẹ cha, thầy cô khó tiếp cận với các em. Cuối thư, mẹ em viết rằng: Thầy chủ nhiệm quả là tâm lý khi tặng sách với mong muốn giáo dục giới tính cho học sinh.
Sau khi AT đọc xong sách, em mang vào trao đổi cùng các bạn. Điều gây ngạc nhiên cho tôi là các em gái đã đề nghị được thay đổi nội dung sách tặng như sách thầy tặng cho AT. Các em học sinh nam cũng “so bì” rằng thầy quan tâm các bạn gái mà bỏ quên các bạn nam. Tôi vui lắm!
Từng bước tôi gỡ rối cho các em về những thắc mắc trong giới tính và nhiều điều khác có liên quan như tuổi dậy thì, cơ chế thụ thai, các biện pháp phòng ngừa, các bệnh do quan hệ tình dục gây ra... Những giờ ngoại khóa, thầy trò có thể trao đổi thẳng thắng về thắc mắc của các em. Tất nhiên, tôi phải chọn cách thức trình bày, ngôn ngữ diễn đạt để các em có thể hiểu rõ ràng nhưng vẫn giữ được phần nghiêm túc.
Không ít phụ huynh đã cho tôi biết, từ khi biết con em được thầy hướng dẫn đọc sách với những nội dung như trên, họ đã thay đổi cách nhìn, không xem đó là vùng cấm. Vấn đề là dạy con gái biết tự bảo vệ. Nếu là con trai phải biết tự chủ, không có đòi hỏi vượt giới hạn đối với bạn gái của mình. Trong trường hợp đã lỡ vượt vòng kiểm soát cần thông tin đến ba mẹ, thầy cô để có cách giải quyết hợp lý. Tuyệt đối không nghe lời rỉ tai của bạn xấu hay thông tin trên mạng xã hội rất nguy hiểm.
Đặc biệt có phụ huynh còn nói với tôi rằng: “Thầy có biết không, tôi dự định tặng bao cao su cho con gái tôi nữa. Cháu đã lớn. Biết đâu trong lúc tình cảm lên cao trào, các cháu không giữ mình được thì lấy gì bảo vệ cho con. Nói vậy nhưng tôi không khuyến khích cháu sử dụng mà luôn dặn cháu xem đó như vật phòng thân”.
Từ đó, học sinh lớp tôi vui vẻ, thoải mái hơn khi tìm hiểu, trao đổi thông tin về các vấn đề có liên quan đến sức khỏe sinh sản. Thi thoảng, thầy trò chia sẻ thông tin có liên quan từ báo chí, phim ảnh một cách nhẹ nhàng đậm tính giáo dục, xóa đi cách nhìn nhận khắt khe như phụ huynh đã áp đặt trước kia.
Cấm đoán tiếp cận, trừng phạt khi con em tìm hiểu các vấn đề về giới tính là sai lầm cần tránh đối với phụ huynh.
Sách báo về giáo dục giới tính là món quà được học sinh của tôi đón nhận từ bao năm qua. Tôi yên tâm về hiệu quả của món quà ấy.