Thú vị lễ hội rước “vua, chúa giả” ở Hà Nội

GD&TĐ - Rước kiệu, rước ngai thì có ở nhiều lễ hội, nhưng rước kiệu, rước ngai mà trên kiệu, trên ngai có cả người thật được ngồi nghễu nghện với “long bào” như vua chúa thật, thì Lễ hội làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội) là nổi tiếng.

Thú vị lễ hội rước “vua, chúa giả” ở Hà Nội
Thú vị lễ hội rước “vua, chúa giả” ở Hà Nội ảnh 1Thú vị lễ hội rước “vua, chúa giả” ở Hà Nội ảnh 2Thú vị lễ hội rước “vua, chúa giả” ở Hà Nội ảnh 3

Là một trong những lễ hội truyền thống sau nhiều năm bị gián đoạn, năm 1989 lễ hội của người dân làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội) được khôi phục. Từ đó đến nay, cứ vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm, lễ hội được tổ chức thu hút hàng nghìn du khách tới dự góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo truyền thống của địa phương..

Điểm độc đáo của lễ hội này là hoạt động rước kiệu “vua giả”, “chúa giả” bằng người thật. Đây là một nghi lễ được người tham dự lễ hội mong chờ nhất, vì trong lễ rước “vua giả”, “chúa giả” mọi tình tiết, động tác đều diễn ra như thật đúng theo tích xưa vua, chúa về đền bái yết. 

Một người được dân làng cử làm “vua giả” và một người làm “chúa giả” được mặc áo hoàng bào, cùng các quan tứ trụ cận vệ như Trấn thủ, Tán lý, Đề lĩnh, Tự vệ… và quân lính trong trang phục, mũ áo, cân đai chỉnh tề.

Người được làm “vua giả”, “chúa giả” được ngồi trên kiệu ngai vàng do các trai tráng khỏe mạnh rước từ Đền Sái về đình làng, đi cùng là võng của 4 quan “Tứ trụ triều đình giả” trong tiếng kèn trống của quân lính mặc trang phục binh sĩ triều đình, vừa đi vừa reo hò vang dội. Để dẹp đường cho “vua giả”, “chúa giả” đám thanh niên rước vua, chúa chốc chốc lại hô vang rồi lắc lư kiệu.

Theo các cụ bô lão trong làng Thụy Lôi, mỗi năm dân làng lại cử một người làm “vua giả” và một người làm “chúa giả”, cùng 4 “Tứ trụ triều đình giả”. Người được dân cử ngồi lên “ngai vàng” (tức “vua giả” “chúa giả”) phải có đầy đủ tiêu chí mà dân làng đề ra đó là người có tuổi trên 70, khoẻ mạnh, còn đủ song toàn cụ ông, cụ bà, gia đình con cháu thuận hòa. 

Người được bầu làm “quan tứ trụ triều đình giả” gồm có quan: Tự vệ, quan Tán Lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ. Tất cả đều phải trên 60 tuổi, có đức độ, có uy tín trong dân chúng.

Theo quy định người nào sau 4 năm được làm “Quan giả” mới được đóng làm “Chúa giả” và sau năm đóng làm “Chúa giả” mới được đóng làm “Vua giả”. 

Xưa kia, những người được dân làng cử làm “vua giả” ngày vào hội phải làm cỗ ở đình để khách thập phương, đặc biệt là các liền anh, liền chị, những làng kết nghĩa lân cận đến dự. Cỗ này gọi là “cỗ thí” được bày trong các mâm từng tầng từng tầng một. 

Trong các món ăn của “cỗ thí” đặc biệt có bánh tét và chè lam là đặc sản độc đáo của dân làng Nhội. Nguyên liệu làm bánh tét cũng như bánh chưng nhưng không gói vuông bằng lá dong mà gói dài bằng lá mía. Khi ăn người ta dùng một sợi chỉ đã dấp nước để cắt thành những khoanh tròn rồi bày từng tầng lên đĩa hoặc mâm. 

Ngày nay tục lệ rườm rà trên không còn, thay vào đó công việc chuẩn bị kiệu võng, quần áo… tất cả mọi trang phục, lễ phục đều do ban tổ chức hội đứng ra lo, đơn giản và tiết kiệm hơn nhiều so với trước. 

Cũng theo các cụ bô lão trong làng, sở dĩ có tục rước “vua giả” “chúa giả” của làng có liên quan đến sự tích Đền Sái. Ngôi đền có mối quan hệ mật thiết tới thành Cổ Loa và đền Quán Thánh. 

Cũng do đền Sái được coi là một đền thờ linh thiêng ứng nghiệm, nên nhiều thời vua, chúa và các quan triều thần thường về đây bái yết, cầu xin đức thánh phù hộ thắng trận. Hằng năm cứ đến tiết xuân, vua Thục lại đại hội quan quân về bái yết. 

Về sau thấy đại giá đi lại làm hao phí của dân nên vua giao cho dân làng thay mặt mình thực hành nghi vệ Thiên tử, giả xưng quan tước, một đô tướng, một phó đô tướng, một quan trấn thủ, một quan Tán lý, một quan Đề Lĩnh, thay mặt Vua mà làm cho mạch nước bền dân cư yên ổn mãi mãi. 

Từ đó đã hình thành tập tục như một việc thực hiện chiếu chỉ của vua, hàng năm dân làng lại chọn ra một người có đủ tài đức và có uy tín đóng vai vua, chúa và các quan tứ trụ cận vệ để rước vào ngày 11 tháng giêng và đã tạo ra nét riêng độc đáo, đặc sắc hiếm có ở lễ hội của nước ta. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tiếp thêm sức mạnh

GD&TĐ - Hôm nay, 7/5, triệu triệu trái tim của người dân cả nước đều hướng về Điện Biên...