Sáng sớm 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát chợ đầu mối Long Biên, TP Hà Nội.
Là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, chợ Long Biên cung cấp các loại hoa quả, nông sản, thủy sản cho người dân Thủ đô. Vì vậy, đây cũng là một trong những chợ trọng điểm cần được kiểm soát chặt chẽ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của TP Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm một số quầy hàng, trò chuyện với các tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ.
Thủ tướng lưu ý các hộ kinh doanh phải mua bán các loại rau quả, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng.
Bà con buôn bán cần giữ gìn đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại hoa quả có ngâm tẩm, chứa chất bảo quản độc hại, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và cho chính bản thân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội. |
Làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Hà Nội về những kết quả, nỗ lực tạo bước chuyển biến về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về thành lập Ban Chỉ đạo công tác ATTP do đích thân Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban.
Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ việc quản lý ATTP theo chuỗi sản phẩm và vùng địa lý dù đây là vấn đề rất khó vì dễ nảy sinh chuyện “quyền anh quyền tôi” hay tình trạng “sông ngăn cách trở”.
Nghe báo cáo của Hà Nội về việc giao phó chủ tịch quận, huyện kiểm tra ATTP 1 lần/2 tuần, chủ tịch xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/1 tuần, còn phó chủ tịch thì kiểm tra 2 lần/1 tuần, Thủ tướng đánh giá cao công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát của Hà Nội vì một chương trình lớn mà không tổ chức thanh kiểm tra tốt thì không thể thành công.
Đây là kinh nghiệm tốt cần nhân rộng ra cả nước. Thủ tướng cũng hoan nghênh việc Hà Nội dùng các xe chuyên dụng để xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ nông sản cũng như xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại trong công tác bảo đảm ATTP của Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực như thức ăn đường phố, chợ cóc chợ tạm, thực phẩm chức năng…
Về tổng thể, người dân cả nước cũng như Thủ đô vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với chất lượng thực phẩm, còn nhiều vấn đề bất cập phải tiếp tục khắc phục.
Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi việc, mỗi nhiệm vụ bảo đảm ATTP phải có đầu mối chịu trách nhiệm, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, để xảy ra một vụ việc mất ATTP trên địa bàn mà không ai chịu trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quản lý chặt chẽ lò giết mổ gia súc, gia cầm; rà soát, quy hoạch lại các cơ sở giết mổ. Chỉ đạo quyết liệt việc quản lý thức ăn đường phố, phân cấp và giao trách nhiệm cho UBND các phường. Thức ăn đường phố ở Hà Nội phải vào nề nếp, quy trình, sạch sẽ để giới thiệu ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam.
Phải điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm ATTP, để xảy ra ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. “Nếu người dân ăn bánh mỳ của cửa hàng A, hiệu B mà đau bụng, bị ngộ độc thì cần điều tra, xử lý nghiêm chủ cửa hàng bánh mỳ đó chứ không thể để tình trạng giao bán bành mỳ một cách vô trách nhiệm” - Thủ tướng nói.
Hà Nội cần tiếp tục thông tin tốt hơn về thực phẩm an toàn, cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn, cơ sở vi phạm để người dân biết; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho Thành phố, bao gồm phát triển các vùng nông sản sạch, có thương hiệu và đẩy mạnh liên kết vùng. Kiểm soát ATTP tại các làng nghề sản xuất bánh, mứt, kẹo, giò, chả, miến…
Thủ tướng đồng ý việc Hà Nội mở rộng mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP theo Quyết định 38 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ra tất cả các huyện, xã, phường, để bảo đảm tính đồng bộ trong thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời đồng ý giao Hà Nội nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm ATTP, đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin để xử lý vi phạm.
Đối với các bộ, ngành chức năng, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổng kết mô hình thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38 tại Hà Nội để xem xét việc nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Bộ NN&PTNT phối hợp với Hà Nội xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, nhân rộng mô hình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định hướng dẫn về ATTP tại các chợ, siêu thị.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không an toàn, không rõ nguồn gốc. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm việc bảo đảm kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP theo tinh thần Chỉ thị 13.