Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột

GD&TĐ -Sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm VNUA – 2022" do Học viện Nông nghiệp tổ chức.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan trung ương.

Trụ đỡ của nền kinh tế

Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm năm 2022 của Học viện là hoạt động có ý nghĩa, nhằm truyền ngọn lửa đam mê lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học; hướng nghiệp cho học sinh, tạo cơ hội tiếp cận việc làm cho sinh viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nông nghiệp là lợi thế của nước ta. Phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Như chúng ta đều biết, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên” – Thủ tướng ghi nhận, đồng thời nhìn nhận: Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực nước ta. Chúng ta đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 32 tỷ USD.

Thủ tướng phát biểu tại chương trình

Thủ tướng phát biểu tại chương trình

Theo Thủ tướng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Cùng với đó, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp là: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

Cần có góc nhìn mới về khởi nghiệp

Tôi rất ấn tượng trong Ngày hội việc làm hôm nay, có gần 100 doanh nghiệp mang đến 3.000 cơ hội việc làm cho sinh viên của Học viện cũng như các trường lân cận. Cùng với đó là, các thầy, cô giáo và học sinh của 700 trường THPT đang theo dõi sự kiện này qua các điểm cầu. Đây là dịp giúp định hướng nghề nghiệp, truyền cảm hứng cho học sinh THPT thêm yêu ngành nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ chương trình quốc gia khởi nghiệp với dự án "Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan". Trên cơ sở kết quả của chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", với ba nội dung lớn là: Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường khởi nghiệp; và hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp.

Theo Thủ tướng, khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng những điều lớn lao, mà nhiều khi từ chính những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Những điều khiến chúng ta trăn trở nhất, thúc đẩy chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ cũng đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ.

“Tôi muốn nhấn mạnh, cần có góc nhìn mới về khởi nghiệp. Các bạn có khát vọng của tuổi trẻ để sẵn sàng khởi nghiệp nhưng cũng có ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng sẵn sàng đối mặt với thất bại. Các nhà quản lý, doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ vật chất và tinh thần để sinh viên vượt qua thất bại, vì người ta đã từng nói, thất bại là mẹ thành công. Tinh thần khởi nghiệp phải phát huy mạnh mẽ, lan tỏa từ chính sinh viên thì nền nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển và phát triển bền vững” – Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái qua phải), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ hai từ phải qua trái) cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương thăm mô hình của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái qua phải), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ hai từ phải qua trái) cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương thăm mô hình của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Người đứng đầu Chính phủ viện dẫn: năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu và có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Tuy nhiên, số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng; đại đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chưa đủ năng lực, nguồn lực và thiếu nhân lực phục vụ nghiên cứu các công nghệ lõi, thị trường tiêu thụ chưa mở rộng, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế...

Vì thế, rất cần sự trợ lực của các trường đại học hàng đầu, với các chính sách thiết thực gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm được thị trường đón nhận.

“Đối với một đất nước "lấy canh nông làm gốc", khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp; tạo dựng môi trường khởi nghiệp; hỗ trợ vốn, pháp lý cho thanh niên và những người muốn khởi nghiệp. Đây là khâu đột phá cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” – Thủ tướng nhìn nhận.

Thủ tướng và các đại biểu thăm một số gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp

Thủ tướng và các đại biểu thăm một số gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp

Ấn tượng với ngày hội việc làm do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, Thủ tướng – bày tỏ, thông qua hoạt động này nhằm tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp theo phương châm cùng đồng hành, cùng phát triển; là cầu nối giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thể hiện phẩm chất và năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo.

Cầu nối tạo việc làm cho sinh viên

Nhân dịp này, Thủ tướng nhắn gửi tới Nhà trường, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên. Đối với các trường, viện đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam:

Thứ nhất, nông nghiệp được xem là lợi thế của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức hiệu quả và thiết thực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành nghề, giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp, góp phần nâng cao giá trị và đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Khởi nghiệp nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng công tác quy hoạch sản phẩm, chế biến chuyên sâu…

Thủ tướng và các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm VNUA - 2022.

Thủ tướng và các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm VNUA - 2022.

Thứ hai, Ngày hội việc làm phải thực sự trở thành ngày hội gắn kết giữa thầy với trò, giữa nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội; là cơ hội quan trọng để sinh viên tốt nghiệp có cơ hội gặp gỡ nhà tuyển dụng, là cầu nối tạo việc làm cho sinh viên.

Thứ ba, Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm hàng năm mà Học viện tổ chức là "tiếng nói" từ thực tiễn. Triết lý "làm tốt những gì mình có, làm tốt những gì mình có thể" có lẽ không còn phù hợp, hiện nay chúng ta cần "làm và làm tốt hơn nữa những gì xã hội cần".

Trong đào tạo và nghiên cứu khoa học phải sát với nhu cầu của thực tiễn. Muốn vậy, phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Ngày hội việc làm phải là cầu nối tạo việc làm cho sinh viên.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Ngày hội việc làm phải là cầu nối tạo việc làm cho sinh viên.

Thứ tư, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó cần thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như vấn đề mang tầm chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn, trong việc định hướng nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Thứ năm, cần tạo ra một môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho các em "không gian" để thử nghiệm kiến thức đã học trong việc giải quyết những bài toán tình huống thực tế không chỉ trên giảng đường mà quan trọng hơn là từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ thực tiễn cuộc sống.

Thủ tướng và các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Thủ tướng và các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Đối với học sinh, sinh viên, Thủ tướng nhắn nhủ, điều quan trọng là cần hình thành hoài bão, lý tưởng; trang bị cho mình thật nhiều kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống trong môi trường với thị trường lao động mở, cạnh tranh, dám đối mặt với thách thức, thất bại để thực hiện hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp - nhà tuyển dụng mới là nơi đặt ra đề tài cho bài toán giáo dục. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần gắn kết chặt chẽ, đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục đại học, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo…

Nhắc đến vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tướng đề nghị, cần kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, có giải pháp tài chính hỗ trợ ươm mầm khởi nghiệp, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách tài trợ vốn và các ưu đãi tài chính.

Mặt khác, tạo cơ chế huy động vốn cho thành lập và hoạt động của các trung tâm, vườn ươm, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông về các chương trình khởi nghiệp cho nông dân, các trò chơi, chương trình giải trí phù hợp, hiệu quả cho nông dân, cung cấp kiến thức khởi nghiệp, mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ