Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 19/11, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu.
Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu.

Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; các Thứ trưởng: Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng 60 nhà giáo tiêu biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu.

Lực lượng nhà giáo lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng, chất lượng

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo trước Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sau mấy chục năm xây dựng, phát triển, hiện nay, lực lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề.

Có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24 nghìn người có học vị tiến sỹ, hơn 43 nghìn phó giáo sư, 550 giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo về tình hình đội ngũ.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo về tình hình đội ngũ.

Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cao cả này là các thầy, cô giáo. Chính vì thế, người thầy luôn có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh, gửi gắm.

Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng thông tin: Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh, chất lượng không ngừng được nâng cao.

Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục và đào tạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề; luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo.

Nhiều thầy cô giáo không ngại khó khăn, thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, hằng ngày bám bản, bám làng để gieo con chữ cho học trò vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Các thầy cô với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy học, góp phần quan trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ. Đời sống của nhà giáo, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số giáo viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Ngành Giáo dục nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế này và đang ra sức khắc phục; đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, chung tay giải quyết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của ngành Giáo dục cũng như nhà giáo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của ngành Giáo dục cũng như nhà giáo.

Theo Thứ trưởng, trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp học. Nhờ đó, quy mô và chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng, chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung ngày càng được nâng cao, có những mặt tiến bộ vượt bậc.

“Trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ ngày hôm nay, thay mặt toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ trong 2 năm vừa qua có nhiều buổi làm việc với ngành Giáo dục để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành.

Đặc biệt, toàn ngành xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã quan tâm trình Quốc hội quyết định tăng lương cơ bản cho đội ngũ công chức, viên chức trong đó có công chức, viên chức ngành Giáo dục; đồng thời đang chỉ đạo sát sao để có thể tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trong thời gian sớm nhất” - Thứ trưởng bày tỏ.

Được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành thời gian gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc hôm nay, theo Thứ trưởng, là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, say mê học hỏi, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ “trồng người” cao quý.

Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo chỉ đạo các bộ ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đội ngũ giáo viên nói riêng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung đúng theo tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa cho thành công, là tương lai của đất nước.

Cô Phạm Thị Tâm - giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng, Trường Mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên chia sẻ về công việc của mình.
Cô Phạm Thị Tâm - giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng, Trường Mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên chia sẻ về công việc của mình.

Tâm tình của nhà giáo

Cô Phạm Thị Tâm - giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng, Trường Mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên là thạc sĩ đầu tiên của ngành mầm non trong huyện với bằng xuất sắc, chuyên ngành Giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Yêu nghề, nhiệt huyết, dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, dù đường sá khó đi, cuộc sống còn thiếu thốn, nhưng cô Tâm cho biết vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề. Cô luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giúp đỡ bà con, đồng nghiệp.

Phát biểu trong buổi gặp mặt, chia sẻ những việc mình đã làm được bằng cả tâm huyết, cô Tâm cũng tha thiết đề nghị Nhà nước có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hơn nữa cho giáo viên và học sinh vùng cao, cũng như vùng đặc biệt khó khăn của Phú Yên và cả nước.

Cũng chia sẻ những tâm huyết trong công việc, NGƯT Bùi Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu của mỗi nhà giáo. Với nỗ lực, cố gắng của nhà giáo, cô Mai bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn nữa đến đội ngũ, để thầy cô có thể phấn đấu hết mình cho công việc. Cô Mai cũng mong các bậc phụ huynh, xã hội đồng cảm, chia sẻ với thầy cô trong công tác giáo dục học sinh.

Thầy Phạm Văn Thuận phát biểu tại buổi gặp mặt.

Thầy Phạm Văn Thuận phát biểu tại buổi gặp mặt.

Là giáo viên dạy Mỹ thuật của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, Hải Phòng), thầy Phạm Văn Thuận bày tỏ niềm vui, xúc động khi là một trong 60 nhà giáo được Thủ tướng gặp mặt. 21 năm trong nghề, thầy Thuận chia sẻ, Mỹ thuật là môn có tính đặc thù, không giống như các môn khác. Để môn học Mỹ thuật được phụ huynh, học sinh yêu quý, thầy đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong dạy học. Thầy đã tổ chức 19 ngày hội mỹ thuật, bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi, có năng khiếu bộ môn này. Song, điều quan trọng là giáo viên Mỹ thuật phải như cha, mẹ và bạn của học sinh; sẵn sàng chia sẻ, tâm sự với học trò để khơi dậy mong muốn, đam mê học môn này.

Cô Ma Thị Hồng chia sẻ về lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp.

Cô Ma Thị Hồng chia sẻ về lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp.

Tại buổi gặp mặt, cô Ma Thị Hồng - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, cuộc sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ dân trí còn thấp. Vì thế, làm sao để kinh tế địa phương phát triển là điều mà cô Hồng luôn trăn trở.

Cô Ma Thị Hồng khẳng định: Đào tạo nghề nghiệp cho học sinh là cần thiết. Theo đó, đào tạo dựa trên các tiêu chí như: Nhu cầu của người dân; phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; theo lợi thế của địa phương. Trên cơ sở đó, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong quá trình dạy học.

Nhấn mạnh, giáo dục nghề nghiệp có những thành công nhất định, thầy Lê Hoàng Ân - Trường CĐ Y tế An Giang đồng thời chia sẻ những khó khăn mà giáo dục nghề nghiệp đang phải đối diện. Thầy Ân đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa cho đội ngũ giáo viên, giảng viên. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành Giáo dục và y tế để những đồng nghiệp, sinh viên sắp ra trường có thêm động lực bám ngành, bám nghề.

Thầy Hoàng Ân mong muốn, Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách đầu tư cho ngành đào tạo trọng điểm, có chính sách hỗ trợ về miễn, giảm học phí, học bổng cho sinh viên…

Ông Nguyễn Vũ Quốc Huy hy vọng Chính phủ sớm phê duyệt, ban hành Nghị định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù.

Ông Nguyễn Vũ Quốc Huy hy vọng Chính phủ sớm phê duyệt, ban hành Nghị định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù.

Đại diện cho khối giáo dục ĐH, ông Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cho rằng: Các cơ sở giáo dục ĐH đang nỗ lực và Chính phủ cũng đã có quyết sách lớn để thúc đẩy tự chủ ĐH. Cho đến nay, tự chủ ĐH đạt được nhiều thành quả, nhưng bên cạnh đó cũng còn điểm chưa được thống nhất, hài hòa giữa một số văn bản pháp quy.

Ông Nguyễn Vũ Quốc Huy mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ có thể hài hòa các văn bản pháp quy đó, để tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhất tự chủ ĐH. Cùng với đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Huy cũng hy vọng Chính phủ sớm phê duyệt, ban hành Nghị định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù; qua đó tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ sở giáo dục ĐH khối ngành sức khỏe thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt.

Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Cách đây 40 năm, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 167, lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam để thể hiện sự quan tâm, tri ân đối với đội ngũ giáo viên; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà; phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. 40 năm nay, tháng 11 đã trở thành "tháng tri ân" thầy cô giáo; ngày 20/11 đã thực sự trở thành ngày "Tết" của các thầy cô.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng thầy cô giáo có mặt tại đây ngày hôm nay và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Qua nghe ý kiến của các thầy cô tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng ghi nhận, những ý kiến hay, ngắn gọn, thể hiện sự chân thành, mộc mạc - yếu tố cốt lõi của ngành Giáo dục.

Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất xử lý theo thẩm quyền, nhất là về chế độ chính sách liên quan đến đời sống tinh thần, vật chất của thầy cô giáo.

Thủ tướng nhấn mạnh, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Thủ tướng đề nghị, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế cùng các thầy cô giáo vận động tiêm vaccine cho học sinh để các em đến trường an toàn. Bộ GD&ĐT phối hợp với bộ, ngành nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt để lan toả những điều tốt đẹp, tạo sức mạnh tổng hợp, xung lực mới cho phát triển đất nước. Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, mọi người, mọi nhà, mọi cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, với thầy cô giáo trong "sự nghiệp trồng người".

Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.

Thủ tướng cho biết, chúng ta đang xây dựng 3 trụ cột của chế độ xã hội chủ nghĩa: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ quy luật cạnh tranh, quan hệ cung cầu, có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường thì lấy nội lực; trong đó có yếu tố con người là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Xuyên suốt của 3 trụ cột này là yếu tố con người. Muốn phát huy yếu tố con người thì phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Yếu tố con người càng quan trọng bao nhiêu thì sự nghiệp giáo dục và đào tạo cũng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy chúng ta xem giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu.

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục - đào tạo đã được ban hành và triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày nay.

Nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, thì ngày nay, Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá là một trong hai quốc gia có sự phát triển thực sự ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục.

Thủ tướng bày tỏ xúc động khi đọc và lắng nghe về thành tích, sự tâm huyết, cống hiến, lòng yêu nghề, những nỗ lực, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của 60 thầy cô giáo tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt hôm nay.

Có nhiều người không những làm tốt công tác chuyên môn, quản lý, mà còn tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng dạy và học, công bố nhiều bài báo khoa học và đạt giải thưởng quốc tế; tích cực tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện, vì cộng đồng.

Nhiều thầy cô leo ghềnh, vượt thác, gác lại niềm riêng, chấp nhận ở những nơi khó khăn, heo hút với cơ sở vật chất thiếu thốn để gùi con chữ lên vùng cao, mang kiến thức đến với đồng bào.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành Giáo dục nói chung và các thầy cô nói riêng, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra.

Nhấn mạnh một số quan điểm lớn, Thủ tướng khẳng định, giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là 3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục, để học sinh phát triển toàn diện.

Cần tiếp tục quán triệt phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực". Phát triển giáo dục - đào tạo phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến… phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chụp ảnh cùng các nhà giáo tiêu biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chụp ảnh cùng các nhà giáo tiêu biểu.

Với những quan điểm đó, Thủ tướng cho rằng, cần trả lời một số câu hỏi. Đó là phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo một cách hiệu quả hơn, thực chất hơn, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh?

Phải làm gì để giáo dục - đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, lợi ích, đời sống? Người học nắm được gì, phát triển nhận thức như thế nào? Ứng dụng và thực hành trong công việc và cuộc sống ra sao?

Giải pháp nào để tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất cho công tác dạy và học? Cơ chế, chính sách gì để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến?

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục dành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Tập trung nguồn lực hiện có; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, y tế học đường, vệ sinh của nhà trường.

Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình.

Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Thay mặt các nhà giáo tiêu biểu tại buổi gặp mặt, cũng như toàn thể đội ngũ nhà giáo thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới Thủ tướng Chính phủ. Trong buổi sáng 19/11, tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng đã có những chỉ đạo, động viên toàn Ngành. Chiều cùng ngày, Thủ tướng lại dành thời gian lắng nghe ý kiến kiến nghị, đề xuất, trao đổi của đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

Bộ trưởng cho biết tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng; đặc biệt là những lưu ý về củng cố cơ sở vật chất, trường lớp, giữ gìn trường lớp học; giáo dục thể chất; an sinh xã hội; giáo dục đạo đức, kỹ năng; quán triệt phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực"…

Dịp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính, người từng có thời gian công tác trong ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.