Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

GD&TĐ - Sáng 19/11, đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được Bộ GD&ĐT tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Đến tham dự Lễ kỷ niệm có: ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công An; ông Chẩu Văn Lâm - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Quang; ông Nguyễn Quốc Đoàn - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lạng Sơn ; ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Bình; ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hưng Yên; ông Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Đến tham dự buổi lễ còn có các Đồng chí ủy viên Trung ương Đảng; Lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo Tỉnh/thành ủy, UBND, HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn giáo dục Việt Nam; Lãnh đạo các Vụ/Cục; các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; các Sở GD&ĐT.

Đặc biệt, là các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục thuộc 63 tỉnh thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) được Bộ GD&ĐT xác định là một trong những việc trọng tâm trong năm 2022. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển GD-ĐT.

Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Khi đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT, trong đó nêu rõ: Hàng năm sẽ lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó, ngày vinh danh nghề dạy học và nhà giáo, được tổ chức trọng thể trên toàn quốc, trở thành ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Cảm động khi được tham dự đại lễ lớn của ngành

Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Nguyệt - Tiểu học A Cần Đăng (An Giang) chia sẻ: Lần đầu tiên ra Thủ đô, tôi rất vui mừng, hạnh phúc khi được tham dự đại lễ 40 năm ngày Nhà giáo.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Nguyệt - Tiểu học A Cần Đăng (An Giang). Ảnh Ngô Chuyên.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Nguyệt - Tiểu học A Cần Đăng (An Giang). Ảnh Ngô Chuyên.

Mình công tác ở vùng nông thôn, học sinh còn thiếu nhiều phương tiện học tập, tuy nhiên nhà trường, các thầy cô luôn nỗ lực, cố gắng để có thể đưa kiến thức tốt nhất đến với học trò.

Ngay từ nhỏ mình đã thích ngành Sư phạm và mình đã quyết tâm theo đuổi nghề. 38 năm cống hiến có niềm vui, nỗi buồn nhưng tất cả đều là động lực.

Nhân ngày 20/11, tôi chúc cho các đồng nghiệp của mình có nhiều sức khoẻ để cống hiến.

Ngô Chuyên

report

Học trò dạy tôi biết bao dung

Cô Huỳnh Thị Thúy Hương - Sở GĐTĐ TPHCM, Trường Hi Vọng: Là giáo viên trẻ, tôi chưa từng nghĩ sẽ được tham dự đại lễ lớn của ngành thế này.

Cô Huỳnh Thị Thúy Hương - Sở GĐ&ĐT TPHCM, Trường Hi Vọng. Ảnh Ngô Chuyên.

Cô Huỳnh Thị Thúy Hương - Sở GĐ&ĐT TPHCM, Trường Hi Vọng. Ảnh Ngô Chuyên.

Học sinh của mình là những em khuyết tật, hạn chế về ngôn ngữ, hành vi, khả năng tự phục vụ vì vậy người giáo viên phải xem học trò như con em mình, phải kiên nhẫn, kiên trì, đồng hành để thấu hiểu các em.

Chính những học sinh đặc biệt ấy đã dạy cho mình phải bao dung như 'đủ nắng hoa sẻ nở, đủ yêu thương thì hạnh phúc sẽ đong đầy'.

Nhân đây, tôi chúc cho các đồng nghiệp của mình luôn nhiệt huyết, cảm ơn ban tổ chức đã dành cho chúng tôi một ngày đại lễ long trọng.

Ngô Chuyên

report

Dạy học sinh nội trú bằng tất cả tình yêu của người mẹ

Cô Nguyễn Thanh Thủy - giáo viên Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên).

Cô Nguyễn Thanh Thủy - giáo viên Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên).

Cô Nguyễn Thanh Thủy, giáo viên đã công tác 34 năm Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) cho biết: Học sinh của trường tôi đến từ 30 tỉnh thành do đó, thầy cô chính là người cha, người mẹ. Với những học sinh này, mình phải dạy bằng tất cả tình yêu của người mẹ.

Có như vậy mới thấy được khó khăn của các em, để chia sẻ, tâm sự về quê hương, phong tục tập quán từ đó có thể đồng hành với các em.

Học sinh dân tộc có những em rất yêu trường, dẫu ra trường rồi nhưng vẫn tự hào về trường, lúc nào thấy khó khăn sẽ nghĩ mình đã được trưởng thành từ đó vì vậy phải làm việc để xứng đáng với sự chăm sóc, dạy dỗ của thầy cô.

Nhân đây, tôi gửi lời chúc đến các đồng nghiệp của mình sức khoẻ để cống hiến, để vượt qua những thách thức của nghề.

Ngô Chuyên

report

Nghề giáo được tôn vinh, trân trọng

Cô Hoàng Yến chia sẻ.

Cô Hoàng Yến chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Yến (giáo viên trường THCS Thanh Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết, đây là lần đầu tiên cô được tham dự một chương trình mang tầm cỡ quốc gia.

"Cảm xúc lúc đầu của tôi rất bỡ ngỡ rồi chuyển sang hồi hộp, hạnh phúc bởi sự chu đáo của ban tổ chức", cô Yến chia sẻ.

Cũng theo cô Yến, tham gia chương trình giúp cô cảm thấy nhà giáo được tôn vinh, truyền cảm hứng để cố gắng phấn đầu trong nghề. Tham gia chương trình cũng giúp cô Yến được giao lưu, kết bạn và gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo ngành Giáo dục.

Nguyễn Duẩn

report

Tự hào với nghề nghiệp mình đã chọn

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương.

Chia sẻ cảm xúc vinh dự khi được tham gia đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương (31 tuổi), giáo viên Trường Mầm non thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên, Bắc Giang) bày tỏ: Đứng trong hội nghị lớn, tôi không khỏi cảm thấy bồi hồi, xúc động xen lẫn tự hào với nghề nghiệp mình đã chọn.

Ra Hà Nội tham dự lễ kỷ niệm, cô Mai Hương cảm nhận được sự quan tâm, chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của Ban tổ chức và sự đón tiếp nồng hậu từ Bộ GD&ĐT. Đây cũng là niềm vinh dự và động lực để cô giáo trẻ tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".

"Mỗi bước đi của tôi đều ghi dấu sự chỉ bảo tận tình của thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin chúc các thầy cô giáo, đồng nghiệp trên cả nước luôn dồi dào sức khỏe, tiếp tục truyền sức mạnh cho các thế hệ giáo viên trẻ và mang tri thức đến cho các thế hệ học sinh", cô Mai Hương chia sẻ.

Tú Anh

report

Xúc động được tham dự đại lễ của ngành

Cô giáo Nguyễn Phượng.

Cô giáo Nguyễn Phượng.

Di chuyển từ tỉnh Bạc Liêu ra Thủ đô dự Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Nguyễn Phượng - giáo viên Trường Mầm non Sao Mai cho biết: Dù chặng đường di chuyển xa nhưng khi đến buổi lễ, tôi rất vui và hào hứng, bao mệt mỏi được xua tan.

Đứng giữa hội nghị lớn, gặp đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc, tôi như được "sống" trong không khí ngày lễ của người thầy, được tri ân và chung vui.

Cô Nguyễn Phượng bày tỏ ấn tượng với sự chuẩn bị quy mô lớn, nhiệt tình, đầm ấm của ban tổ chức. "Mọi người rất thân thiện, nhiệt tình và hỗ trợ tôi rất nhiều", cô Phượng xúc động.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Phượng chia sẻ: Tôi xin chúc tất cả các anh chị em đồng nghiệp dồi dào sức khoẻ, tiếp tục đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của ngành Giáo dục".

Tú Anh

report

Thêm động lực vững niềm tin vào đổi mới

Thấy Đào Chí Mạnh.
Thấy Đào Chí Mạnh.

Thấy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc chia sẻ: Được tham gia chuỗi dựng kiện cảm thấy vui và hạnh phúc vô cùng. Chúng tôi cảm nhận sự sự ấm áp, thân tình từ BTC, đặc biệt các nội dung chương trình được bố trí khoa học, đã truyền được không khí và động lực yêu nghề tới thầy cô giáo.

Qua đây các thầy cô giáo thêm quyết tâm khi khi được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định việc đổi mới giáo dục dù “núi cao vực sâu” nhưng tất cả sẽ vượt qua.

Bộ trưởng ngoài chia sẻ cùng 400 thầy cô còn không quên nhắc đến những giáo viên vùng sâu xa không có mặt, điều đó cũng thể hiện tấm lòng rộng mở, quan tâm đến đội ngũ giáo viên.

Hoạt động tri ân đã có sức mạnh lan tỏa đến giáo viên, động viên và tăng động lực cho nhà giáo trong công việc cuộc sống. Đó là căn cơ của đổi mới giáo dục.

Chuỗi sự kiện đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, ngành với đội ngũ nhà giáo. Giúp cho đội ngũ nhà giáo vững vàng bước tiếp trên hành trình đổi mới giáo dục.

Đức Hạnh

report

Nhiều thế hệ nhà giáo tham dự Lễ kỷ niệm

Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 12
Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 13
Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 14

Thế Đại

report

Động lực để thêm yêu nghề!

Cô Lê Thị Linh Giang.
Cô Lê Thị Linh Giang.

Đây là lần thứ 2, cô Lê Thị Linh Giang, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lần trước, do dịch bệnh Covid-19 không thể ra Thủ đô nhận bằng khen, nên trải nghiệm lần này với cô Giang thật đặc biệt.

Chia sẻ cảm xúc, cô Giang cho biết mình rất tự hào, hạnh phúc. Là giáo viên kiêm công tác Đoàn, cô Giang không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn là một Tổng phụ trách Đội giỏi. Cô từng được Trung ương Đoàn vinh danh là Tổng phụ trách đội tiêu biểu toàn quốc.

Để có được kết quả này, cô Giang phải cố gắng hơn các đồng nghiệp rất nhiều bởi hiện cô phải chăm chồng, mẹ chồng ung thư. Có lẽ với tâm tư riêng, nên được tham gia loạt chương trình tri ân nhà giáo càng để lại cho cô ấn tượng đặc biệt.

"Được cùng 3 thầy cô đại diện cho đội ngũ giáo viên tỉnh Quảng Trị ra Thủ đô lần này là động lực to lớn giúp tôi thêm yêu, thêm tự hào về nghề giáo. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình." - cô Lê Thị Linh Giang chia sẻ.

Hiếu Nguyễn

report

Tự hào được tham gia Lễ kỉ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam

Thầy Nguyễn Bá Thành tại Lễ kỉ niệm.

Thầy Nguyễn Bá Thành tại Lễ kỉ niệm.

Có mặt từ sớm dự Lễ kỉ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, thầy Nguyễn Bá Thành - Trường Cao đẳng nghề 4 (Bộ Quốc Phòng) cho biết, thầy rất vinh dự và tự hào khi lần đầu tiên tham gia một ngày lễ lớn: Tôi đã đứng trên bục giảng 18 năm, rất vinh dự được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu thầy giáo ưu tú.

Tôi được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành đặc biệt là Tổng cục luôn có những chính sách khuyến khích nghề nghiệp, góp phần an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Do vậy chúng tôi tự nhủ sẽ nỗ lực cố gắng hơn nữa nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn đáp ứng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực của tỉnh nhà cũng như cả nước.

Nhân dịp 20/11, tôi kính chúc những người đang công tác trong ngành giáo dục lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và có một ngày lễ thật ý nghĩa và ấm áp bên những người yêu thương.

Phạm Hiền

report

Mong tình yêu thầy cô bù đắp thiếu thốn khi học sinh sống xa gia đình

Bồi hồi, xúc động được dự đại lễ này, thầy Đỗ Thế Tùng - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Lâm Ca (Lạng Sơn) cho biết, đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp trồng người.

Thầy Đỗ Thế Tùng - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Lâm Ca (Lạng Sơn).

Thầy Đỗ Thế Tùng - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Lâm Ca (Lạng Sơn).

"Thiếu một cánh tay mặc dù sẽ khó khăn hơn so với người bình thường nhưng cũng là động lực để tôi phấn đấu. Trước đây, thầy Nguyễn Ngọc Ký - viết bằng chân, tôi vẫn may mắn hơn thầy và tôi đã chọn nghề giáo để theo đuổi.

Tôi mong học sinh vùng núi của mình được học hành, có nghề nghiệp và xây dựng làng bản, tránh xa các tệ nạn xã hội, hủ tục phong kiến.

Học sinh vùng núi đi học xa, phải ở nội trú thì thầy cô chính là cha mẹ thứ 2, là người anh chị đồng hành cùng các em trong học tập và cuộc sống.

Đối với tôi học trò là con, là em trong gia đình. Tôi mong rằng tình yêu của các thầy cô sẽ bù đắp được những thiếu thốn khi phải sống xa gia đình", thầy Tùng bày tỏ.

Ngô Chuyên

report

Nguyện cống hiến hết mình với sự nghiệp giáo dục, đào tạo

Tham dự nhiều sự kiện và được vinh danh ở chương trình, hoạt động khác nhưng đây là lần đầu tiên GS.TS Nguyễn Minh Thúy – giảng viên cao cấp Trường ĐH Cần Thơ đến Hà Nội dự chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

“Được tham dự Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà chắc chắn là kỷ niệm sâu sắc, trân quý trong sự nghiệp “trồng người” của tôi” - GS.TS Nguyễn Minh Thúy bộc bạch.

Tham dự Đại lễ, tôi nhận thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó. Trách nhiệm dẫn dắt, truyền lửa cho thế hệ trẻ cống hiến với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. “Hơn bao giờ hết, tôi thấy nghề dạy học cao quý biết nhường nào. Tôi nguyện cống hiến hết mình với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà” - GS.TS Nguyễn Minh Thúy nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Minh Thúy (trái) bên lề Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Minh Thúy (trái) bên lề Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, học sinh, giáo sinh trên cả nước, GS.TS Nguyễn Minh Thúy chia sẻ, nghề giáo cho chúng ta nhiều hơn mất. Vì thế, phải đổi mới không ngừng, nỗ lực và quyết tâm để đi đến thành công.

Minh Phong

report

Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi những phút giây hạnh phúc

Cô Đào Thị Thơm - giáo viên Trường Tiểu học Tân Thanh (Lạng Sơn) chia sẻ: Tôi rất hạnh phúc. Đối với tôi, đây là món quà vô cùng đặc biệt, là sự ghi nhận kết quả phấn đấu của mỗi giáo viên.

Cô Đào Thị Thơm - giáo viên Trường Tiểu học Tân Thanh (Lạng Sơn) tham dự lễ kỷ niệm.

Cô Đào Thị Thơm - giáo viên Trường Tiểu học Tân Thanh (Lạng Sơn) tham dự lễ kỷ niệm.

Là giáo viên ở tỉnh miền núi, tôi rất vui được về Thủ đô gặp nhiều đồng nghiệp để chia sẻ cảm xúc nghề nghiệp và kinh nghiệm giảng dạy.

Mỗi người đồng nghiệp là một tấm gương, một câu chuyện về nghề và sự cống hiến, từ đó càng thêm yêu nghề giáo của mình.

Tôi mong muốn trong những năm tiếp theo nhiều thầy cô sẽ được tham dự đại lễ.

Ngô Chuyên

report

Tôn vinh giáo dục là tôn vinh điều cao quý và thiêng liêng nhất

Ông Mai Ngọc Chừ chia sẻ về chương trình.

Ông Mai Ngọc Chừ chia sẻ về chương trình.

Theo ông Mai Ngọc Chừ (Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước), chương trình tổ chức vào dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam hết sức có ý nghĩa. Đây là sự kiện quan trọng ghi công các thầy cô giáo, đề cao ngành Giáo dục.

"Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, những giá trị bền vững. Lễ kỷ niệm là một dịp tôn vinh các thầy, cô giáo và để người dân nhận thức hơn nữa tầm quan trọng của giáo dục. Được tham gia chương trình, tôi rất vinh dự và phấn khởi vì bản thân được hòa mình vào với dòng chảy trong ngày tôn vinh các thầy, cô giáo", ông Chừ chia sẻ.

Cũng theo ông Chừ, đây là một chương trình lớn, qua đó nhấn mạnh và khẳng định vai trò của ngành Giáo dục. Chương trình có ý nghĩa không chỉ với những người đang công tác trong ngành Giáo dục mà còn có ý nghĩa với các bậc phụ huynh, với toàn thể các em học sinh.

"Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm và giáo dục tác động đến từng nhà, từng người. Tôn vinh nền giáo dục, tôn vinh những người đang thực hiện công tác trồng người là tôn vinh những điều cao quý và thiêng liêng nhất", ông Chừ nhấn mạnh.

Nguyễn Duẩn

report

Món quà tuyệt vời nhân Ngày Nhà giáo

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang - Giảng viên Khoa Sư phạm, trường Đại học Hà Tĩnh, lần đầu tiên được tham dự Lễ kỉ niệm chia sẻ: Tôi cảm thấy vinh dự, vui và hạnh phúc. Đến Hà Nội, nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của Ban tổ chức, của Bộ Giáo dục và đào tạo, tôi cảm thấy sự quan tâm, động viên. Từ đó, tôi thấy mình cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp 'trồng người'.

Tôi xin chân thành cảm ơn Ban tổ chức đã dành cho nhà giáo chúng tôi một buổi lễ kỉ niệm giàu ý nghĩa.

Đây thực sự là một món quà tuyệt vời với tôi trước thềm ngày lễ trọng đại - Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày vui của hàng triệu nhà giáo trên mọi miền đất nước.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang.

Trong 12 năm cống hiến cho ngành giáo dục, tôi ấn tượng nhất với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó đi lên trong học tập. Tôi đã từng dìu dắt em Phạm Thị Hải Yến, học tại trường Đại học Hà Tĩnh, hiện nay em Yến đã tốt nghiệp Khoa Sư phạm, sang Nhật học thạc sĩ, giờ về Việt Nam giảng dạy ở trường Đại học Nha Trang.

Nhân dịp 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc đến các thầy cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc sức khoẻ, hạnh phúc và ngày càng cống hiến nhiều hơn cho ngành giáo dục.

Phạm Hiền

report

Lễ kỉ niệm là dịp để các thầy cô giáo gặp gỡ giao lưu

Với 38 năm cống hiến cho ngành giáo dục và hơn 20 năm công tác giảng dạy, thầy Diệp Hồng Thanh - Chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục Bạc Liêu không giấu nổi niềm vui và xúc động khi trở thành một trong những nhân vật của buổi lễ kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.

Chia sẻ về lần đầu tiên tham gia buổi lễ, thầy Thanh cho biết: Tôi cảm thấy vinh dự và hạnh phúc vì đây là dịp để các thầy cô giáo khắp cả nước được gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp.

Thầy Thanh tại lễ kỉ niệm.

Thầy Thanh tại lễ kỉ niệm.

Tuy thời gian gặp nhau ngắn ngủi nhưng cũng là lúc chúng tôi được chia sẻ với nhau những vui, buồn trong nghề và kiến thức nghiệp vụ. Đồng thời cũng là dịp để tôn vinh nghề giáo, ngành giáo dục sau một thời gian dài vừa trải qua đại dịch Covid-19.

Năm nay tròn 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin chúc cho các nhà giáo, cán bộ quản lý, những người đang công tác trong ngành giáo dục lời chúc sức khoẻ, mọi sự tốt đẹp.

Phạm Hiền

report

Luôn tận tâm tận hiến với nghề

20 năm dạy học ở vùng khó, đây là lần đầu tiên cô Lê Nguyễn Ngọc Hân – giáo viên Trường tiểu học Bình Nghĩa (Thuận Bắc, Ninh Thuận) được đến Thủ đô Hà Nội; cũng là lần đầu tiên cô được tham dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam – một sự kiện trọng đại của giáo giới.

Cô Lê Nguyễn Ngọc Hân bên lề Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Cô Lê Nguyễn Ngọc Hân bên lề Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Từ nhỏ, cô Hân đã ước mơ trở thành giáo viên. Trong suốt hành trình dạy học của mình, cô luôn tận tâm, tận hiến với nghề. “Chưa bao giờ tôi hối hận về sự lựa chọn nghề dạy học của mình. Nhiều người cứ nói nghề giáo khó khăn, vất vả… Điều này không sai nhưng điều chúng ta cần làm là biến những khó khăn, vất ấy trở thành động lực để mỗi ngày đến trường là một ngày vui” – cô Hân bày tỏ.

Với cô Hân, được Bộ GD&ĐT vinh danh trong đại lễ là ước mơ trong đời. Đó là phần thưởng vô giá tiếp động lực để cô bám trường, bám lớp và thêm yêu nghề, mến trẻ.

report

Chương trình nghệ thuật chào mừng

Chương trình nghệ thuật “Dòng sông tri thức” chào mừng Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội thực hiện.

Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 25
Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 26
Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 27
report

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng điều hành Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng điều hành Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đến tham dự Lễ kỷ niệm có: ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công An; ông Chẩu Văn Lâm - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Quang; ông Nguyễn Quốc Đoàn - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lạng Sơn ; ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Bình; ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hưng Yên; ông Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đến tham dự buổi lễ còn có các Đồng chí ủy viên Trung ương Đảng; Lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo Tỉnh/thành ủy, UBND, HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn giáo dục Việt Nam; Lãnh đạo các Vụ/Cục; các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; các Sở GD&ĐT.

Đặc biệt, là các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục thuộc 63 tỉnh thành phố.

Tú Anh

report

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định thành công đổi mới giáo dục

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh vị thế cao quý của nghề giáo. Trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Theo Bộ trưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, lực lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.

Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24 nghìn người có học vị tiến sỹ, hơn 43 nghìn phó giáo sư, và 550 giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú.

Đội ngũ đông đảo các nhà giáo đang tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, từ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, mặt trận tổ quốc Việt Nam, các hội và liên hiệp hội, các tổ chức xã hội, họ là lực lượng có chuyên môn, hiểu biết và có trách nhiệm trong các hoạt động của đất nước.

Theo Bộ trưởng, đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, cơ đồ đất nước to lớn vững bền chưa từng có. Để đạt được những thành tựu đó, ngành Giáo dục và các nhà giáo có đóng góp quan trọng.

Chia sẻ về trọng trách của giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có và đã có. Nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số; phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại, thành thạo các phương pháp của khoa học kiểm tra đánh giá tiến tiến.

Thế giới biến đổi từng giây từng phút, lượng tri thức nhân loại bùng nổ, mô hình bậc thầy uyên bác biết tất, biết mười dạy một không còn phù hợp. Thay vào đó, nhà giáo nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng và dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn...

Không những thế, trách nhiệm giải trình, tương tác đa chiều với học trò, phụ huynh và xã hội cũng đặt ra cho nhà giáo những kỹ năng về phương diện ứng xử văn hóa và xã hội cao hơn, phức tạp hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó.

Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng đồng thời khẳng định: Bộ GD&ĐT coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.

Trong buổi lễ trọng thể này, thay mặt cho hàng triệu nhà giáo và hàng chục triệu người học, Bộ trưởng gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tới Quốc hội và Chính phủ, cá nhân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam những lời cảm ơn chân thành và sâu sắc về những sự quan tâm cả chỉ đạo định hướng, ở tầm vĩ mô và cả những việc thiết thực cụ thể đã và đang được quyết định.

Sự quan tâm tới việc tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên, những chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp và điều kiện làm việc, đặc biệt là chủ trương tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo sẽ được thực thi từ 1/7 năm 2023 tới sẽ là sự động viên kịp thời và thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo.

Bộ trưởng gửi lời cảm ơn lãnh đạo các bộ ban ngành của các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm và hỗ trợ toàn diện cho giáo dục đào tạo và cho các nhà giáo. Không có bất kỳ ngôn từ nào có thể nói lên hết được sự cảm ơn sâu sắc và to lớn này.

Thay mặt cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể lực lượng nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục, trong suốt thời gian qua luôn gắn bó, ủng hộ, các chính sách, các định hướng, yêu cầu và chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT. Cảm ơn các thầy cô đã biến các chủ trương thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

Bộ trưởng bày tỏ lời cảm ơn của toàn thể nhà giáo tới toàn xã hội, tới tất cả quý vị phụ huynh, cảm ơn hàng chục triệu học sinh. “Tôi muốn dành sự cảm ơn đặc biệt tới người học, vì lẽ không trò đố thầy làm nên.” - Bộ trưởng chia sẻ.

Hiếu Nguyễn

report

Phóng sự “Cây đời trăm năm”

Phóng sự “Cây đời trăm năm” phản ánh sự tâm huyết, cống hiến của các thế hệ nhà giáo Việt Nam với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

report

Hôm nay, ngày mai, tôi sẽ vẫn mãi tự hào về Nghề giáo

Trong chương trình Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ:

40 năm là một chặng đường dài với biết bao thành quả của giáo dục và đào tạo mà trong đó có trách nhiệm và sự nỗ lực không ngừng mỗi thầy cô giáo và cá nhân. Trong niềm vui và hạnh phúc của ngày hôm nay xin bày tỏ cảm xúc của một nhà giáo đã 32 năm đứng trên bục giảng và cũng là của một thành viên trong một đại gia đình có 6 anh chị em cùng theo nghề dạy học.

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, tôi được phân công về dạy Ngữ Văn tại Trường THCS Lộc Phát huyện Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo Lộc). Sau 6 năm, đến năm 1997, được chuyển công tác về trường THPT Bảo Lộc và công tác tại trường từ đó cho đến nay.

Năm 2017, tôi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện từ Lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, từ những hỗ trợ sát sao, ân tình của hội đồng sư phạm trường THPT Bảo Lộc, từ những bạn bè, đồng nghiệp luôn động viên, hỗ trợ, giúp đỡ tôi trong suốt cả chặng hành trình làm nghề.

Cô Nguyễn Thị Bảo Thúy.

Cô Nguyễn Thị Bảo Thúy.

Sau 32 năm công tác trong ngành Giáo dục ở vị trí của một giáo viên dạy Ngữ Văn THCS và THPT, tôi đã may mắn được trải nghiệm và chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển lịch sử của ngành Giáo dục cùng với sự vận động, đổi thay chung của đất nước.

Tôi đã được tham gia trực tiếp vào công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2000 theo Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội, nhằm mục đích công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới; và lần thứ hai là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018 theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Sau chặng đường 32 năm nhìn lại, cá nhân tôi luôn thấm thía, nghề dạy học chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Nó thậm chí ngày càng trở nên khó khăn hơn trong thời đại của Intenet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Bởi nếu chỉ là truyền thụ kiến thức, thì một nhà giáo với ba mươi năm tuổi nghề, thậm chí 50-60 năm tuổi đời không thể theo kịp tốc độ của máy tính, trí tuệ nhân tạo và các phần mềm thông dụng như hiện nay…

Có hai quy tắc bất biến để mỗi thầy cô giáo có thể dạy học trò thành tài mà không một thứ máy móc, trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được. Đó là sự yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với cuộc hành trình giúp học trò chinh phục tri thức. Đó cũng là là cốt cách, nhân phẩm và là yêu cầu đặc thù đối với người làm nghề dạy học.

Cô Thúy chia sẻ, trong cuộc đời làm nghề của cá nhân tôi và biết bao thầy cô giáo khác, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, vất vả và bộn bề những lo toan, nhưng mỗi khi nhìn vào ánh mắt của học sinh, thấy sự trưởng thành, giỏi giang, sự tiến bộ vượt bậc của các em học sinh, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Và niềm hạnh phúc ấy có lẽ không thể đánh đổi bằng bất cứ giá trị nào. Vì thế, hành trang đến lớp của chúng tôi là tình yêu nghề nghiệp, là sự nỗ lực đổi mới và tự trang bị kiến thức. Với tôi, chất lượng giảng dạy là danh dự. Tôi đã dạy học bằng cả trái tim và học trò của tôi đã học bằng khát vọng. Nghề đã chọn tôi và cho tôi thật nhiều cơ hội.

Tháng 11 lại về, cả nước dành cho ngành giáo dục những lời tri ân tốt đẹp nhất khiến cho chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình càng lớn hơn. Tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi mà tất cả quý thầy cô đã và đang thực hiện lời nhắn nhủ của Chủ tịch nước trong thư gửi ngành Giáo dục nhân ngày khai giảng năm học 2022 - 2023: “Nỗ lực tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người vĩ đại” xứng đáng với niềm tin yêu của xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới và sáng tạo trong dạy học để đạt hiệu quả cao nhất trong sự nghiệp giáo dục.

Hôm nay, ngày mai, tôi sẽ vẫn mãi tự hào về công việc của mình: Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất/Có một nghề không trồng cây vào đất/Mà cho đời những đóa hoa thơm…

Đức Hạnh

report

Luôn biết ơn đối với công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, em Phạm Việt Hưng - học sinh 12 A1, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ:

Trong không khí vui mừng, phấn khởi kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - ngày hội tri ân để mỗi học sinh chúng con được tỏ lòng biết ơn, chân thành và sâu sắc đến các thầy, cô giáo. Con vô cùng xúc động và vinh dự khi được đại diện cho các bạn học sinh, các anh chị sinh viên đang tu dưỡng, học tập ở dưới mái trường trên khắp vùng miền cả nước phát biểu cảm tưởng, tri ân thầy cô trong buổi Lễ long trọng này.

Em Phạm Việt Hưng.

Em Phạm Việt Hưng.

Tuổi thơ 12 năm đèn sách với đầy ắp kỷ niệm đẹp với thầy cô và bạn bè dưới mái trường. Con thấy mình thật may mắn vì đã được học tập, vui chơi, được tiếp thu những kiến thức quý giúp cho con dần khôn lớn.

Trong con luôn luôn nhớ về những cử chỉ ân cần, miệt mài rèn từng nét chữ của các thầy, cô giáo tiểu học; đến sự chăm lo cho lứa tuổi teen nghịch ngợm, nổi loạn thời THCS; cho đến những kiến thức sâu rộng hơn trong những năm tháng phổ thông trung học; và tiếp theo là những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu của chặng đường tương lai phía trước để chúng con bước vào đời, trở thành những công dân có ích, chủ nhân của đất nước mai sau.

Năm học vừa qua, con may mắn vượt qua các vòng thi tuyển chọn học sinh giỏi toán, là thành viên của đoàn gồm 6 học sinh đại diện cho đất nước Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) tại thành phố Oslo (Na Uy). Kết quả, 6/6 học sinh đoạt huy chương, trong đó con may mắn đạt được Huy chương Vàng.

Giây phút đeo tấm huy chương, trên tay cầm lá cờ Tổ quốc là giây phút con vô cùng xúc động. Đến với kỳ thi, chúng con đều hiểu rằng, không đơn giản là thành tích cá nhân, mà hơn thế, chúng con mang theo cả trách nhiệm, sự biết ơn đối với công lao dạy dỗ tận tình của các thầy giáo, cô giáo; niềm tin yêu, hy vọng của thầy cô, nhà trường, gia đình dành cho chúng con, và hơn nữa, đó là lòng tự hào dân tộc.

Chúng con biết ơn những hy sinh, những cống hiến các thầy, cô giáo để chúng con có được ngày hôm nay. Công ơn lớn lao của các thầy, cô giáo không thể nói hết thành lời, chúng con xin được kính dâng lên thầy cô những thành tích, những tấm huy chương và những đóa hoa điểm 10 tươi thắm, những tấm lòng yêu thương, những lời hứa chân thành và sự trưởng thành của chúng con.

Một lần nữa, con xin thay mặt các bạn học sinh gửi lời tri ân sâu sắc đến các Thầy giáo, Cô giáo đã dìu dắt, chỉ bảo chúng con phấn đấu và rèn luyện nên người.

Ngô Chuyên

report

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hoá và con người Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới, xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách; đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng ghi nhận, chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta những năm qua được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, tự chủ đại học được thúc đẩy. Một số trường của Việt Nam được xếp vào tốp 500 trường đại học tốt nhất châu Á và tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới.

Hơn hai năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều mô hình, phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, nhất là dạy học trực tuyến đã được triển khai với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng, được nhân dân ghi nhận, xã hội đánh giá cao.

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp chúng ta tri ân nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người.

Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết với nghề. Có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Có những thầy cô tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, một lần nữa Thủ tướng bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người hết sức cao cả và vinh quang.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định rõ, giáo dục đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng tin tưởng, với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao, nhiệt huyết nhiều, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt. Các thầy cô thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý; nghề sáng tạo trong những nghề sáng tạo; góp phần vì cả nước, vì mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Minh Phong

report

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu đáp từ

Pháp biểu đáp từ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cảm ơn Thủ tướng về những ghi nhận, đánh giá và lời chúc mừng của Thủ tướng tới các nhà giáo.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT xin lĩnh hội đầy đủ chỉ đạo, định hướng, giao nhiệm vụ của Thủ tướng để tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch của năm; cũng như triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo trong thời gian tới.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.