Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho 400 nhà giáo tiêu biểu

GD&TĐ - Chiều 18/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp mặt, trao Bằng khen cho 400 nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu.

Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT, cùng 400 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Nhiệm vụ thiêng liêng của nhà giáo

Ghi nhận sự đóng góp, biểu dương các nhà giáo tiêu biểu, theo Bộ trưởng, mỗi nhà giáo được vinh danh ngày hôm nay đều có những hoàn cảnh riêng trong cuộc sống và trong công tác nhưng tất cả đều có điểm chung là những nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc, luôn say mê, tận tụy với nghề, hết lòng với học trò.

Trong 3 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, lĩnh vực giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Với tinh thần ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt.

Bộ trưởng đánh giá: Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, cán bộ và nhân viên toàn ngành đã nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng. Sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy, các cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành. Qua đó, củng cố thêm sức mạnh, niềm tin để toàn ngành tiếp tục nỗ lực, vượt khó trên cả chặng đường dài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.

Trước yêu cầu mới của đất nước, của thời đại, Bộ trưởng cho rằng, chính các nhà giáo sẽ là những người làm thay đổi nền giáo dục của đất nước. Đất nước, nhân dân đang đặt kỳ vọng vào đội ngũ nhà giáo.

"Thời đại đã cho ta tầm nhìn, bản thân chúng ta đã đoán định được tương lai và hơn thế nữa, mỗi thầy cô đều có sứ mạng tiên phong với tương lai giáo dục đất nước. Không thể chỉ ngồi than vãn về sự tụt hậu so với thế giới, chờ thời cơ đến mà phải chủ động đón trước thời cơ và tìm giải pháp để hành động. Sự đồng hành giữa tư tưởng và giải pháp đó là chìa khóa của thành công. Những khát khao chân chính hiện hình trong tâm thức, thôi thúc và làm dậy đam mê cống hiến trong trái tim, khối óc của những thầy cô giáo".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao Bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao Bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho thế hệ tương lai. Chúng ta không hướng người học chỉ tập trung vào kiến thức học mà đồng thời phải dạy cho học trò có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

“Nói điều này để chúng ta ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo, để mỗi nhà giáo nhận thức rõ, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình. Chúng ta phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của tất cả chúng ta. Nhưng hành trình này là núi cao, vực sâu, đầy gian nan, vất vả, không có con đường nhung lụa, dễ dàng phía trước của chúng ta.

Giáo dục là tạo động lực, là định hướng cách tư duy và hướng hành động. Giáo dục tạo ra sự thay đổi, sự tiến bộ, chinh phục cái mới, và là bà đỡ cho những ý tưởng mới. Chúng ta cần phải là người dẫn đường, đây là trọng trách lớn, là sứ mệnh của nhà giáo. Tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả nhà giáo chúng ta” - Bộ trưởng chia sẻ.

TS Hoàng Quý Châu, giảng viên Khoa Sư phạm, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Quy Nhơn phát biểu tại buổi gặp mặt.

TS Hoàng Quý Châu, giảng viên Khoa Sư phạm, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Quy Nhơn phát biểu tại buổi gặp mặt.

Những chia sẻ tâm huyết

Đại diện nhà giáo phát biểu, TS Hoàng Quý Châu, giảng viên khoa Sư phạm, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Quy Nhơn, tỉnh Quy Nhơn, chia sẻ: Người thầy đối với người Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa đóng một vai trò rất quan trọng. Truyền thống tôn sư trọng đạo từ lâu đã đi sâu vào đời sống văn hóa Việt Nam.

“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Do đó, thầy giáo không chỉ quan trọng đối với mỗi người mà quan trọng đối với cả một quốc gia và một nền văn hóa dân tộc”, nữ giảng viên chia sẻ.

Với lương tâm và bầu nhiệt huyết của người thầy, cô Châu tin rằng các thầy cô giáo đã, đang và sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách và bỡ ngỡ ban đầu. Dù khó khăn nhưng tình yêu nghề đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để người thầy bước tiếp những bước dài, để tư tưởng luôn vững vàng, nỗ lực hơn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng ở môi trường đại học.

Theo cô Châu, trong những năm gần đây, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị trí của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được đòi hỏi của công việc và kỳ vọng của xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp hoặc làm việc trái với chuyên ngành đào tạo của cử nhân còn cao, hoạt động đào tạo ở một số trường đại học còn chạy đua theo số lượng và lợi ích kinh doanh. Đó là chưa nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu so với nhu cầu của xã hội”, cô Châu cho biết.

Từ góc độ giảng viên đại học, cô Châu mong muốn Bộ GD&ĐT tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Bộ GD&ĐT tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học tăng cường quyền chủ động, đồng thời đề cao tính tự chịu trách nhiệm để giảm nguy cơ tùy tiện chạy theo lợi ích trước mắt.

Nữ giảng viên kiến nghị tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học. Tiếp tục có chính sách thu hút sinh viên giỏi ở lại làm công tác giảng dạy; Tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học người nước ngoài tham gia vào quá trình giảng dạy góp phần giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với các giảng viên quốc tế.

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) - chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) - chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Sau 25 năm gắn bó với nghề, thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) càng thấm thía hơn về sự cao quý của nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Trước rất nhiều khó khăn thử thách, thầy Hùng nhận thấy, giáo viên cả nước vẫn có niềm tin, nỗ lực vươn lên để thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người” của mình. Rất nhiều người thầy đang nỗ lực học tập phương pháp giảng dạy mới, nghiên cứu sách giáo khoa mới, tham gia các khóa học về công nghệ để ứng dụng vào thiết kế bài học... Thầy, cô nào cũng xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc đào tạo con người mới, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo thầy Hùng, bên cạnh nỗ lực của từng giáo viên, để sự nghiệp đổi mới giáo dục hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. “Chúng tôi mong muốn toàn xã hội dành niềm tin lớn hơn cho ngành giáo dục. Hãy nhìn nhận và đánh giá về ngành giáo dục công bằng, toàn diện hơn để thấu hiểu những việc chúng tôi đã và đang làm. Niềm tin, sự thấu hiểu, đồng cảm của toàn xã hội chính là điều chúng tôi cần nhất trên con đường đổi mới đầy chông gai, khó khăn, thử thách này” – thầy Hùng bộc bạch.

Thầy Hùng cũng mong phụ huynh sẽ không còn tư tưởng “Trăm sự nhờ thầy”, để rồi bỏ qua vai trò của gia đình trong việc hình thành phẩm chất, năng lực cho con cái. Sự hình thành phẩm chất và năng lực của một học sinh chính là kết quả nỗ lực của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.

“Chúng tôi mong Nhà nước sẽ có những chính sách thiết thực hơn để nâng cao đời sống giáo viên. Mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống chính là lí do khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề, rẽ ngang sang hướng khác, không đi hết được con đường đã chọn”- thầy Hùng bày tỏ, đồng thời cho hay: Thực tế, nhiều giáo viên còn ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm rất nhiều nghề khác để đảm bảo cuộc sống. Không kịp thời có những chính sách hỗ trợ cho giáo viên thì số lượng giáo viên bỏ việc những năm tới có thể sẽ còn gia tăng.

Theo thầy Hùng, lựa chọn nghề dạy học là mỗi người giáo viên đã xác định và chấp nhận đối mặt với khó khăn, thách thức. Trong khi chờ đợi những giải pháp từ phía nhà nước, mỗi giáo viên vẫn tiếp tục nỗ lực hết sức với công việc của mình. Nhiều giáo viên đã trở thành thầy cô giáo hạnh phúc, xây dựng những lớp học hạnh phúc. Nhiều giáo viên đã chuẩn bị đến tuổi về hưu, chưa từng biết đến bài giảng điện tử cũng đã bắt đầu học cách phát huy sức mạnh của công nghệ trong giờ học.

Các cuốn sách về giáo dục nổi tiếng trên thế giới được dịch ra tiếng Việt ngày càng nhiều và chưa bao giờ được đặt mua nhiều như thế trên thị trường. Các diễn đàn đổi mới phương pháp giảng dạy trên các trang mạng xã hội dành cho giáo viên cũng đang thu hút ngày càng nhiều người tham gia… Đó là những minh chứng cho thấy sự quyết tâm thay đổi, phát triển bản thân của mỗi giáo viên để đam mê hơn với nghề, để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người” cao cả mà mình đã chọn.

“Con đường đổi mới còn dài, đầy ắp những khó khăn nhưng chúng tôi luôn tin tưởng với sự đồng hành, tin yêu, thấu hiểu của toàn xã hội; sự hỗ trợ về chính sách của nhà nước, của các cấp, các ngành; sự nỗ lực của phụ huynh, giáo viên và học sinh nhất định sự nghiệp đổi mới giáo dục sẽ thành công” – thầy Hùng bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ