Thủ tướng Phạm Minh Chính: 6 sứ mệnh khi đầu tư sang Lào

Chiều ngày 10/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã gặp gỡ đại diện doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ đại diện doanh nghiệp hai nước cùng Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 sứ mệnh của các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Lào. Đây cũng là cuộc gặp đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào trên tinh thần hai bên hợp tác, hỗ trợ nhau bảo đảm độc lập, tự chủ, nhất là về kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tới dự cuộc gặp mặt đại diện doanh nghiệp hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tới dự cuộc gặp mặt đại diện doanh nghiệp hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cùng dự cuộc gặp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam Sonexay Siphandone; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, hơn 80 đại biểu doanh nghiệp hai nước.

Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đều nhấn mạnh yêu cầu tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, trong đó trọng tâm là tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất về kinh tế, thúc đẩy hợp tác có hiệu quả về kinh tế và kết nối hai nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng. Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào.

Đáng chú ý, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.

Trong năm 2021, một số một số dự án lớn, quan trọng đã được phía Lào tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như dự án cảng Vũng Áng, thủy điện Luang Prabang, Xekaman 3, muối mỏ Kali, sân bay Noong-khảng…

“Với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình” trong quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, cộng với tư duy hợp tác mới, với biện pháp mạnh, mang tính đột phá của cả hai bên, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn và hiệu quả giữa doanh nghiệp hai nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính  nhấn mạnh, cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Mong muốn Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Lào đã phát biểu, khẳng định quan điểm hợp tác đầu tư lâu dài, bền vững, nêu nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành hai nước. Các doanh nghiệp nêu quyết tâm sớm hoàn thành các dự án lớn, quan trọng đang được triển khai; đề xuất các ý tưởng mới để sớm hiện thực hóa các dự án tiềm năng nhằm tạo sự đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại có hiệu quả cao hơn giữa hai nước.

Các doanh nghiệp Lào đánh giá cao việc hai nước triển khai các dự án thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, trong đó có kết nối hạ tầng cơ sở cứng và mềm, đặc biệt là các dự án giao thông đường bộ, đường sắt và đường không, cảng biển (nhất là cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh); giúp Lào thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm logistics ở khu vực và có kết nối ra biển, đại dương.

Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng bày tỏ khát vọng đưa Unitel (liên doanh của Viettel tại Lào) trở thành biểu tượng của quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước; Viettel mong muốn được tham gia các dự án chuyển đổi số tại Lào, cung cấp các sản phẩm công nghệ cao tại Lào với giá cả cạnh tranh… Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm và nhiều doanh nhân cho biết, việc đầu tư sang Lào không chỉ vì lý do kinh tế mà còn như một lời tri ân với những thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của mỗi nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC bày tỏ đặc biệt quan tâm đến dự án tuyến đường sắt kết nối từ cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và tỉnh Thà Khẹk (Lào) qua cảng Vũng Áng; cũng như triển khai các cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp tại Lào...

Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cho rằng, Việt Nam và Lào là hai nước cùng chung vận mệnh, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã cố gắng thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Nhắc tới tinh thần “giúp bạn như giúp mình”, “chung một chiến hào, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” mà hai nước dành cho nhau trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh mong muốn các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác trên tinh thần chân thành, tin cậy, “nói được, làm được”, góp phần vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân hai nước.

Ông khẳng định, Chính phủ hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để doanh  nghiệp hai nước triển khai các dự án hợp tác kinh tế, đầu tư. Hiện Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào, Thủ tướng Phankham Viphavanh bày tỏ mong muốn có ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 hoặc thứ nhất tại Lào.

Thủ tướng Phankham Viphavanh bày tỏ mong muốn có ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 hoặc thứ nhất tại Lào. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phankham Viphavanh bày tỏ mong muốn có ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 hoặc thứ nhất tại Lào. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là cuộc gặp lịch sử, đặc biệt vì không có trong chương trình dự kiến ban đầu, nhưng đã được tổ chức thành công với sự tham dự của 14 Bộ trưởng và lãnh đạo cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo 37 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, các đại biểu dự cuộc gặp mặt đều cảm nhận rất rõ ràng tâm huyết và ý chí quyết tâm rất mạnh mẽ của Thủ tướng Phankham Viphavanh và lãnh đạo các bộ, ngành, các doanh nghiệp Lào trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong đó có quan hệ kinh tế, đầu tư. Các ý kiến tại cuộc gặp mặt đều thể hiện tình cảm sâu sắc, tự hào với truyền thống lịch sử hào hùng, tình đoàn kết, thống nhất đặc biệt, “có một không hai” giữa hai nước. Các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn và khát vọng phát triển, những trăn trở, băn khoăn về những việc chưa làm được trong quan hệ hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Theo Thủ tướng, hợp tác kinh tế vẫn chưa thực sự trở thành một trụ cột tương xứng với quan hệ đặc biệt vĩ đại giữa hai nước và như kỳ vọng của nhân dân hai nước. Nhắc tới câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt Lào, hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước, ngoài quyết tâm và trí tuệ, còn cần sự nồng ấm về cảm xúc của trái tim.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh: Khi đầu tư sang Lào, ngoài sứ mệnh về kinh tế, còn có sứ mệnh về chính trị; sứ mệnh về tình nghĩa, trách nhiệm, sự tri ân với các thế hệ đi trước đã “đồ mồ hôi, sôi nước mắt”, sẵn sàng đổ máu, hi sinh vì độc lập, chủ quyền của mỗi nước; sứ mệnh với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của mỗi nước; sứ mệnh vì đất nước Lào, đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; sứ mệnh vì ấm no, hạnh phúc hơn của nhân dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chứng kiến trao thoả thuận hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp - .Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chứng kiến trao thoả thuận hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp - .Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào phải là điển hình, là kiểu mẫu

Trên cơ sở Chiến lược hợp tác 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch hợp tác 2022 và các thỏa thuận, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước tập trung triển khai thực hiện thật tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch, hợp tác kết nối ba nền kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia và với các nước khác trong khu vực. Trước mắt, cần đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, thương mại, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thủ tướng đề nghị tập trung xử lý những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trên cơ sở khách quan, hợp tình, hợp lý, hiểu biết lẫn nhau, lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Hai bên phối hợp, tạo lập hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo niềm tin của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Có cơ chế đặc thù, phù hợp cho một số dự án trọng điểm có tính đòn bẩy về hợp tác kinh tế giữa hai nước, đảm bảo hợp tác ổn định, toàn diện, bền vững.

Thủ tướng đề nghị thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, thương mại, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2021. Đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước, trước mắt tập trung nguồn lực nghiên cứu xây dựng và nâng cấp tuyến đường kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây và kết nối với các khu vực trong dự án phát triển giao thông vận tải trong các nước ASEAN và GMS; dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Viên Chăn và tuyến đường sắt Viên Chăn – Vũng Áng; thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng. “Phấn đấu để chậm nhất trong năm nay, Lào có kết nối với biển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục phối hợp có hiệu quả Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa hai bên; đẩy mạnh cơ chế hợp tác Ủy ban liên chính phủ, hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp…; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Lào, ngoài vấn đề nguồn vốn cần chú trọng vấn đề công nghệ, năng lực quản trị, hỗ trợ các doanh nghiệp Lào trên tinh thần cùng phát triển bền vững, phát triển theo chiều sâu, nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội với Lào. “Mong doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào là điển hình, là kiểu mẫu về tất cả mọi mặt với Lào”, Thủ tướng chia sẻ.

Những nội dung trao đổi tại cuộc gặp có ý nghĩa rất quan trọng trong năm 2022 – Năm Đoàn kết, Hữu nghị Việt Nam – Lào và những năm tiếp theo. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tạo sự đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam – Lào, Lào –Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Bày tỏ nhất trí rất cao với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chia sẻ: Trước đây, đoàn quân Tây Tiến đã làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, ngày nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải “Tây Tiến” sang Lào để đầu tư. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Lào mong muốn sẽ có những cuộc gặp tiếp theo với quy mô tương tự hoặc lớn hơn, cũng như các cuộc gặp chuyên đề để giải quyết các vấn đề cụ thể hơn nữa.

Về các đề xuất tại cuộc gặp, hai Thủ tướng giao Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Lào và Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam tập hợp, báo cáo, đề xuất Chính phủ hai nước xem xét, giải quyết.Một số hình ảnh tại cuộc gặp gỡ:

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước, ngoài quyết tâm và trí tuệ, còn cần sự nồng ấm về cảm xúc của trái tim - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước, ngoài quyết tâm và trí tuệ, còn cần sự nồng ấm về cảm xúc của trái tim - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đây cũng là cuộc gặp đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đây cũng là cuộc gặp đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiễn Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh rời trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiễn Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh rời trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...