Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tín dụng ngân hàng cần đẩy lùi tín dụng đen

GD&TĐ - Ngày 9/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019. Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương liên quan và những vị khách đặc biệt: Đoàn cán bộ Ngân hàng CHDCND Lào, do Thống đốc Sonexay Sitphayxay dẫn đầu, sang dự để thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Quyết liệt với nợ xấu

Sau khi lắng nghe ý kiến các bộ, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình kinh tế thế giới năm 2018 diễn biến phức tạp, liên quan lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng của Việt Nam, nhưng “chúng ta hợp lực, đã hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại một cách xuất sắc”. Đặc biệt, nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và tăng cường.

Điểm lại những thành quả kinh tế - xã hội năm qua, Thủ tướng đánh giá có sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong bối cảnh nhiều nước tăng lãi suất, nhất là nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam thì chúng ta giữ mức lạm phát ở mức 3,54%. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng hạng. “Nhiều ngân hàng thương mại, kể cả Nhà nước và tư nhân, đã chia sẻ với nền kinh tế, với doanh nghiệp”, Thủ tướng nói và hoan nghênh một số ngân hàng thương mại vừa thông báo tiếp tục giảm lãi suất.

“Chính phủ đã dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến ngành ngân hàng để tháo gỡ, nhất là một số thể chế, chính sách”, Thủ tướng đánh giá NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, hiệu quả, phối hợp với chính sách tài khóa trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Vừa duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ, vừa tạo dư địa để điều hành chủ động chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Trước việc năm 2018, mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhưng GDP lại tăng trưởng cao, Thủ tướng nhìn nhận nguyên nhân là chất lượng tín dụng và mô hình tăng trưởng đã thay đổi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt.

Đến nay, tỷ lệ nợ xấu còn khoảng 1,89%, giảm từ mức 2,46% năm 2016. Đáng chú ý, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 900.000 tỉ đồng nợ xấu. “Tôi có hỏi một số đồng chí ở các ngân hàng thì cơ bản không có nợ xấu nữa. Nợ xấu trước đây được gọi là cục máu đông, giờ cục máu động nhỏ dần, nhiều nơi đã tan đi. Điều này do yếu tố vĩ mô và công tác điều hành của các đồng chí”, Thủ tướng phát biểu.

Tiếp tục chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng

Về mặt còn tồn tại, Thủ tướng lưu ý vừa qua các ngân hàng hoạt động tốt hơn nhưng so với khu vực và thế giới, hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam nhìn chung còn nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, chất lượng tài sản chưa cao. Danh mục sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn. Cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh, chưa hợp lý. “Trình độ quản lý điều hành của chúng ta chưa cao, công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với trình độ khu vực và thế giới”, Thủ tướng nói.

Hoạt động tín dụng đen thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân...

“Từng doanh nghiệp phồn vinh, từng ngân hàng lớn mạnh, phát triển tốt sẽ đóng góp cho sự phồn thịnh của nước nhà”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh “đất nước phát triển thì các bạn phát triển”. 

Đáng chú ý, hiện có một tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng, điều đó cho thấy ngành ngân hàng chưa mang dịch vụ tín dụng đến với tất cả người dân, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, ngành ngân hàng cần chủ động phối hợp hơn với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, cần kịp thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước thông tin NHNN có gói tín dụng trên 5.000 tỷ đồng để Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội xử lý vấn đề này.

Định hướng nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng đánh giá cao NHNN có chương trình hành động triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và lưu ý NHNN trước nguy cơ, rủi ro từ kinh tế thế giới, “cần đề cao cảnh giác, luôn theo dõi tình hình, có giải pháp linh hoạt, chặt chẽ để điều hành chính sách”.

Nhấn mạnh khát vọng Việt Nam phải vươn lên, từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình cao, thu nhập cao, Thủ tướng cho rằng trách nhiệm của NHNN và các tổ chức tín dụng phải đóng góp vào sự phát triển của đất nước, để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018, để ngành ngân hàng có sự bứt phá. Đây là câu hỏi mà ngành ngân hàng cần giải đáp.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả, tăng cường khả năng ứng phó để hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là mục tiêu kép, nặng nề, đòi hỏi tầm nhìn, điều hành khoa học, bản lĩnh, trí tuệ, kịp thời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.