Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng đã thông báo tin vui tăng trưởng GDP năm 2018 của đất nước đạt 7,08%. Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương đạt kết quả đáng mừng. “Cách đây hai hôm, tôi đã trao đổi với anh Dũng (Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng) thì chúng ta có thể yên tâm là chúng ta vượt thu ngân sách Trung ương. Mấy năm trước thì rất vất vả, đến giờ phút chót vẫn phải đốc thu quyết liệt”, Thủ tướng nói. Chưa bao giờ chúng ta xuất siêu trên 7 tỷ USD. Không chỉ vậy, chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp đôi so với lạm phát. Tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao khi mà tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và sản lượng dầu thô khai thác giảm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm.
Điểm lại một số nét chính về kinh tế xã hội, Thủ tướng cho biết, bức tranh toàn cảnh, đầy đủ hơn sẽ được đưa ra tại Hội nghị ngày mai.
Bên cạnh ưu điểm đáng được động viên, Thủ tướng cho rằng, “chúng ta cũng phải phê bình và tự phê bình trong hệ thống của chúng ta”. Theo đó, Thủ tướng nêu lại một số tồn tại, bất cập trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 9 Khóa XII bế mạc hôm qua cũng như nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với ý là “phải tự “sửa mình”, tự thấy mình trong quá trình phát triển đất nước với trách nhiệm chúng ta đang đảm nhận để làm tốt hơn”.
Ví dụ như chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Giải ngân đầu tư công còn chậm, nhiều vướng mắc song chưa được tháo gỡ khắc phục. “Cái này có cần đưa ra thảo luận ngày mai không? Có phải triền miên bệnh giải ngân chậm không?”, Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Kinh tế tư nhân tuy có bước phát triển đáng mừng, đã xuất hiện một số doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh song chưa liên kết, tham gia sâu vào mạng lưới, chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn nên chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế… Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất bờ sông bờ biển nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp toàn diện, căn cơ. Xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc nhất là một số lĩnh vực liên quan đến người dân.
Tại phiên họp thường kỳ này, Chính phủ nghe, thảo luận các báo cáo về đề nghị xây dựng một số dự án Luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đề nghị xây dựng Nghị định quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, báo cáo về thời hạn thực hiện quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Chính phủ cũng nghe, thảo luận về một số báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 3 Nghị quyết của Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05), hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 11), phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 10) và Nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Sẽ kiểm tra việc phát triển kinh tế tư nhân
Về thực hiện Nghị quyết 10 đối với việc phát triển kinh tế tư nhân để đưa lĩnh vực này trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thủ tướng lưu ý, một số địa phương chưa có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương để kiểm tra một số ngành, địa phương về việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân - Ảnh: VGP |
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thiện văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như về vốn, đất đai… để kinh tế tư nhân phát triển.
Thủ tướng cho biết đã trao đổi với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về việc phối hợp kiểm tra một số ngành, địa phương về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các địa phương trọng điểm, để thúc đẩy vấn đề này.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực cho khu vực này đã dần được khơi thông. Dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Đến tháng 9/2018, là 87,35%. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, trong đó có xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Đơn cử, từ tháng 10/2017 - 7/2018, hệ thống trang điện tử của Văn phòng Chính phủ đã chuyển 1.395 phản ánh, kiến nghị tới các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền và có hơn 85% đã được trả lời.