Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, lợi thế mà ít nơi nào sánh được, là thành phố cảng quan trọng bậc nhất của miền Bắc, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ …
“Chúng ta phải có khát vọng phát triển để trở thành thành phố biển nổi tiếng, thành phố thông minh, kết nối tốt, phát triển với tốc độ cao và bền vững, nhất là bảo đảm môi trường sống tốt”, Thủ tướng nói, đồng thời cũng chỉ rõ những mặt tích cực và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng.
Đó là đạt mức tăng trưởng khá cao, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư FDI, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu như xuất khẩu, thu nội địa, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự tốt, cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực…
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế từ năng lực sản xuất nội tại chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế trong một số ngành, nhất là ngành dịch vụ, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, một số tuyến đường kết nối với các tỉnh duyên hải chậm được xây dựng. Cải cách hành chính có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của một thành phố cảng hiện đại, thông minh.
Nhấn mạnh yêu cầu thành phố phải quyết tâm trở thành một đầu tầu quan trọng, góp phần kéo tốc độ tăng trưởng cũng như các mặt khác của cả nước, Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ mà thành phố cần tập trung triển khai thời gian tới.
Trong 13 tỉnh có đóng góp ngân sách Trung ương, Hải Phòng chưa nằm trong tốp đầu và hiện mới chỉ có đóng góp cho ngân sách Trung ương được 12% tổng số thu của mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hải Phòng cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đóng góp được nhiều hơn nữa cho ngân sách Trung ương.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cần triển khai quyết liệt kế hoạch hành động của thành phố thực hiện các Nghị quyết 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. “Cả hệ thống phải chuyển động để phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cán bộ cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, thành phố tới huyện, xã đề cao trách nhiệm công vụ, hướng tới nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng nêu rõ, Hải Phòng phải luôn trong nhóm 10 tỉnh, thành phố về cải cách hành chính.
“Hải Phòng phải tạo một sức sống mới, một niềm tin mới, một niềm hứng khởi trong đầu tư, làm ăn của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ. Thủ tướng và các bộ ngành Trung ương sẵn sàng cùng với lãnh đạo thành phố tạo ra sức sống mới này.
Đánh giá tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số của Hải Phòng ở mức cao so với trung bình cả nước, Thủ tướng mong muốn thành phố “phải có 100.000 doanh nghiệp, mà hiện nay con số mới bằng 1/3”. Phải tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Chú ý phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ, nhất là vận tải đa phương tiện, logistic trong đó có kế hoạch cụ thể khai thác hiệu quả cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện sắp hoàn thành. Phải đặt mục tiêu tăng mạnh lượng hàng qua cảng Hải Phòng.
Hải Phòng cần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú ý quản lý phát triển đô thị trên tinh thần công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng. trong đó lưu ý kiểm soát được các nguồn vốn, không để nợ xấu, quản lý chặt chẽ, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Tăng cường xã hội hóa hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện tốt chính sách an ninh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.