Thủ tướng: Kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh. Ảnh minh họa.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh. Ảnh minh họa.

Công điện gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ:

Trước diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua vẫn ở mức cao, Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ; kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn, giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân; nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ sau:

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Cụ thể:

Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ổn định giá cả thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định. Trong đó:

Đối với giá lương thực, thực phẩm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Đối với mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.

Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát

Đối với vật liệu xây dựng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý hiệu quả nguồn cung; xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng, giữ hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình, dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Bộ Xây dựng chỉ đạo các Sở Xây dựng đẩy mạnh công tác theo dõi, cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng; nghiên cứu rút ngắn chu kỳ công bố theo quy định.

Đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, niêm yết giá theo đúng quy định. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các dịp cao điểm, diễn biến giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý.

Đối với thuốc, vật tư y tế: Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức thực hiện bình ổn giá trang thiết bị theo quy định của pháp luật về giá, Nghị quyết số 12/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 30 tháng 12 năm 2021 và Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế; tăng cường rà soát giá thuốc, vật tư y tế kê khai, theo quy định tại Luật Dược; theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.

Đối với mặt hàng sách giáo khoa: Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tiếp tục tiếp nhận, rà soát kê khai giá theo quy định của pháp luật; các đơn vị xuất bản tiếp tục rà soát và triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí nhằm tiếp tục giảm giá, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; chia sẻ với người dân.

Đối với mặt hàng xăng dầu: Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tiếp tục theo dõi tình hình giá thế giới, sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng; Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo chủ động nghiên cứu báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai rà soát để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% đã đề ra.

Đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện công tác quản lý, điều hành giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá; xử lý nghiêm, quyết liệt theo pháp luật các trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Trong thời gian tới, áp lực lạm phát vẫn phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu hiện diễn biến khó lường, giá lương thực, thực phẩm, vậy tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải... đặt ra những thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá từ nay đến cuối năm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra tại Công điện này và các giải pháp của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá từ đầu năm và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ