Thủ tướng Đức muốn nối lại liên lạc với Tổng thống Putin

GD&TĐ -Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn nối lại liên lạc với Tổng thống Putin trong bối cảnh đối mặt loạt khó khăn nội bộ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn điện đàm với Tổng thống Nga Putin.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn điện đàm với Tổng thống Nga Putin.

Đài RT của Nga dẫn các nguồn tin từ báo Die Zeit của Đức cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang mong muốn nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong quan điểm mới, ông Scholz đã ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột Ukraine, bao gồm cả việc mời Moscow tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình.

Thủ tướng Đức hy vọng cuộc điện đàm giữa hai bên sẽ diễn ra trước cuộc họp G20 tại Rio de Janeiro, Brazil vào giữa tháng 11.

Tờ Die Zeit cho biết, phía Đức hiện vẫn chưa gửi đi yêu cầu liên lạc.

Lần gần nhất hai chính trị gia này có sự trao đổi là cách đây 2 năm, dưới sự yêu cầu của Berlin, theo thông tin từ Điện Kremlin.

Trong cuộc gọi kéo dài một giờ đồng hồ đó, Tổng thống Putin đã giải thích về mặt logic đằng sau hoạt động quân sự của Nga chống lại Kiev.

Ông đã tuyên bố rằng chính sách vũ trang và huấn luyện quân đội Ukraine của phương Tây là "phá hoại". Khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz đã thúc giục ông Putin rút quân khỏi Ukraine.

Vào tháng 5/2023, Thủ tướng Đức cũng đã bày tỏ việc cần nối lại liên lạc với nhà lãnh đạo Nga.

Ông Scholz nói với tờ báo Koelner Stadt-Anzeiger: “Cuộc gọi điện thoại cuối cùng của tôi đã diễn ra cách đây một thời gian. Nhưng tôi dự định sẽ nói chuyện lại với ông Putin vào thời điểm thích hợp."

Hồi tháng 10/2022, ông Scholz nói với đài phát thanh Deutschlandfunk rằng, giọng điệu trong các cuộc trò chuyện của ông với Tổng thống Putin "luôn thân thiện, ngay cả khi chúng tôi có quan điểm rất khác nhau về vấn đề này".

Ông đồng thời cảnh báo rằng "không ai nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng gì" rằng điều này sẽ mang đến kết quả cho cuộc xung đột Ukraine.

Đến năm nay, Đức cũng tham gia vào cuộc họp có quy mô quốc tế mà Thụy Sĩ tổ chức vào tháng 6. Cuộc họp được tổ chức nhằm giải quyết các hành động thù địch đã không mang lại bất kỳ kết quả cụ thể nào. Nhiều quốc gia tham dự từ chối ủng hộ tuyên bố chung. Trong khi đó, Nga không được mời.

Cho đến tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng hòa bình nên đạt được ở Ukraine càng sớm càng tốt. Ông đề cập đến một hội nghị tìm kiếm giải pháp ngoại giao nên sớm được tổ chức, lần này có sự tham gia của Nga.

Đức là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, đứng đầu châu Âu và đứng thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ.

Đức đã cung cấp hơn 10 tỷ euro (11,19 tỷ đô la) vật tư từ tháng 1 năm 2022 đến tháng 6 năm 2024, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel.

Tuy nhiên, ngân sách năm 2025 được đề xuất của Berlin nhằm mục đích cắt giảm 50% viện trợ quân sự cho Kiev, Reuters đưa tin hồi tuần trước.

Nền kinh tế Đức đặc biệt bị tổn thương do quyết định từ chối khí đốt tự nhiên của Nga. Nhiên liệu giá rẻ do đối tác Nga cung cấp qua đường ống đã thúc đẩy nền kinh tế hàng đầu EU trong nhiều thập kỷ trước cuộc xung đột ở Ukraine.

Những tháng gần đây, Đức chứng kiến những đợt di dời hoặc đóng cửa nhà máy do giá cả nhiên liệu tăng cao. Tình trạng đình công của công nhân cũng là vấn đề nhức nhối của quốc gia đầu tàu công nghiệp châu Âu.

Cuộc khủng hoảng tị nạn Ukraine tại Đức cũng đang gây ra nhiều tranh cãi.

Chính phủ của Thủ tướng Scholz bị chỉ trích vì có sự ưu ái đặc biệt đối với người tị nạn Ukraine, đến mức một số ý kiến cho rằng họ được đối xử tốt hơn cả những người Đức gặp khó khăn.

Tính đến tháng 7 năm 2024, ước tính có hơn một triệu người tị nạn Ukraine đang cư trú tại Đức.

Ngoài ra, tình hình nội bộ tại Đức cũng đang trở nên căng thẳng. Theo khảo sát của ZDF, khoảng 77% người dân cảm thấy ông Scholz là một nhà lãnh đạo yếu kém, trong khi chỉ 17% có cái nhìn tích cực về khả năng lãnh đạo của ông.

Kết quả này cho thấy mức độ ủng hộ thấp nhất mà ông từng trải qua trong nhiệm kỳ, với 74% người tham gia khảo sát cho rằng Thủ tướng không nên là ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải