Bộ trưởng Di trú Thụy Điển Johan Forssell hôm 12/9 đã công bố rằng, Thụy Điển sẽ trả cho những người nhập cư tới 34.000 USD để họ trở về nước.
Thông báo của ông Forssell được đưa ra trong bối cảnh chính sách di cư tự do trước đây của quốc gia Bắc Âu này đang có sự đảo ngược rộng rãi.
Theo thông tin chi tiết, những người nhập cư tự nguyện rời khỏi Thụy Điển bắt đầu từ năm 2026 sẽ đủ điều kiện nhận được tới 350.000 kronor Thụy Điển (34.000 USD).
Theo hệ thống trợ cấp được thiết lập vào giữa những năm 1980, Thụy Điển hiện cung cấp cho người di cư tới 10.000 kronor (970 USD) cho mỗi người lớn và 5.000 kronor (485 USD) cho mỗi trẻ em để rời đi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Forssell cho biết chỉ có một người chấp nhận thỏa thuận này vào năm ngoái.
Để có nhiều người rời đi hơn, các quan chức Thụy Điển cho rằng cần tăng số tiền trợ cấp lên.
Đại biểu Ludvig Aspling của đảng Dân chủ Thụy Điển cánh hữu ủng hộ chính phủ trung dung, cho biết nếu khoản tài trợ được tăng lên và nhiều người biết đến hơn, họ sẽ có nhiều khả năng chấp nhận thỏa thuận hơn.
Ông Aspling dự đoán rằng những người thất nghiệp hoặc những người làm công việc lương thấp dựa vào tiền trợ cấp của chính phủ "sẽ quan tâm" đến một lời đề nghị như vậy.
Trả tiền cho người di cư để họ rời đi là một sự thay đổi đột ngột so với năm 2015, khi Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ là Margot Wallstrom tuyên bố đất nước này là "siêu cường nhân đạo" và mở cửa biên giới cho hơn 160.000 người xin tị nạn, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác tính theo đầu người.
Gần một triệu người, chủ yếu từ Trung Đông và Bắc Phi, đã di cư đến Thụy Điển trong những năm kể từ đó. Kể từ cuộc xung đột Ukraine nổ ra vào năm 2022, một lượng người di cư Ukraine cũng đã tới đây. Hơn 42.000 người Ukraine đã tìm được nơi trú ẩn tại Thụy Điển, bao gồm 13.000 trẻ em. Quốc gia này đã cung cấp sự bảo vệ tạm thời về nhà ở, tài chính, tiếp cận việc làm và chăm sóc sức khỏe.
Nhưng cùng với làn sóng nhập cư này là sự gia tăng tội phạm bạo lực, với các vụ giết người và ngộ sát tăng gần gấp đôi từ năm 2012 đến năm 2023, và tội phạm tình dục tăng 56% từ năm 2013 đến năm 2021. Theo cuộc điều tra năm 2017 của tờ báo Dagens Nyheter, 90% thủ phạm xả súng ở Thụy Điển là những người nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã cam kết sẽ hành động chống lại vấn nạn tội phạm di cư ngày càng gia tăng vào năm ngoái sau khi ba người bị sát hại trong vòng 12 giờ do các băng đảng ma túy đối thủ ở Trung Đông đang đấu đá lẫn nhau. Thủ tướng cũng đã hứa sẽ đẩy nhanh việc trục xuất những người di cư bị bắt vì sử dụng hoặc bán ma túy, giao du với tội phạm có tổ chức hoặc “đe dọa các giá trị cơ bản của Thụy Điển.”
Việc trả tiền cho người di cư để họ rời đi sẽ là một trong những động thái thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách di cư của Thụy Điển.
Không chỉ Thụy Điển mà Đan Mạch cũng đã thực hiện chính sách thắt chặt di cư tương tự. Thủ tướng Đan Mạch vào năm 2018 là Anders Fogh Rasmussen thường trích dẫn "Thụy Điển là một ví dụ răn đe" về tình trạng nhập cư ồ ạt đã đi sai hướng.
Các chính phủ Đan Mạch kế tiếp đã tăng cường luật trục xuất, hạ thấp hạn ngạch người tị nạn và thông qua luật cho phép nhà nước tịch thu đồ vật có giá trị từ người nhập cư để bù đắp chi phí chỗ ở của họ. Đan Mạch hiện cung cấp cho người nhập cư khoản trợ cấp lên tới 150.598 krone Đan Mạch (22.330 USD) để rời khỏi đất nước.