Tái khởi động nhiều “siêu” dự án
Năm 2017, TPHCM có kế hoạch khởi công xây cầu Nguyễn Khoái, kết nối Quận 7 với Quận 4, Quận 1 nhằm giúp giảm áp lực giao thông từ khu Nam vào trung tâm thành phố.
Dự án được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư có tổng chiều dài khoảng 1 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.250 tỉ đồng, sau đó tăng lên hơn 2.800 tỉ đồng do điều chỉnh quy mô. Đến nay, sau 7 năm, dự án vẫn chưa được triển khai do thành phố chưa cân đối được nguồn vốn, phải bố trí vốn cho các dự án cấp bách hơn.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hệ thống đường bộ (gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ) trên địa bàn rất cần đầu tư theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu lưu thông, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, nhiều dự án bị vướng mắc quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): “Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT xây dựng - chuyển giao”.
Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với nhiều cơ chế đặc thù được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của TPHCM .
Cụ thể, Nghị quyết 98 cho phép thành phố được áp dụng hợp đồng BT với dự án mới. Việc này có khả năng thu hút được nhiều nhà đầu tư. Chưa kể, việc áp dụng hình thức hợp đồng BT thanh toán trả chậm bằng vốn ngân sách có nhiều thuận lợi, phù hợp với việc triển khai các dự án giao thông so với các hình thức hợp đồng khác.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, Dự án Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái có thể áp dụng hình thức hợp đồng BT để triển khai đầu tư ngay trong giai đoạn 2023 - 2025.
Ngoài dự án nêu trên, còn có thể có dự án lớn khác như: Xây dựng cầu Cần Giờ, tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỉ đồng; Nâng cấp mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2), tổng mức đầu tư dự kiến 1.124 tỉ đồng; Mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương (đoạn Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm), tổng mức đầu tư dự kiến 2.351 tỉ đồng.
Ngoài ra, Dự án Mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt Sĩ (tổng mức đầu tư dự kiến 3.196 tỉ đồng); Dự án Xây dựng nút giao thông Ngã tư Bốn Xã (tổng mức đầu tư dự kiến 1.727 tỉ đồng) cũng có thể được khởi động nhờ áp dụng cơ chế mới từ Nghị quyết 98.
Trên thực tế, trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực, TPHCM đã triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, chủ yếu là các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.
Nhiều dự án được thực hiện thành công như: Xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ; Xây dựng đường D3 kết nối và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; Xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (thanh toán bằng quỹ đất); Dự án cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 (thanh toán bằng tiền).
Cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son), một dự án được thực hiện thành công theo hợp đồng BT. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thu hút nhà đầu tư
Ngoài việc cho phép áp dụng hợp đồng BT với dự án mới, Nghị quyết 98 trao cho TPHCM quyền chủ động áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Các dự án được xem xét triển khai theo loại hợp đồng trên gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu), tổng mức đầu tư dự kiến 9.916 tỉ đồng; Xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh), tổng mức đầu tư dự kiến 6.218 tỉ đồng; Xây dựng đường trên cao số 5 (đoạn từ Nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương), tổng mức đầu tư dự kiến 15.405 tỉ đồng.
Thực tế nhiều năm qua, các tuyến đường trục chính đô thị, cửa ngõ, kết nối với các tỉnh lân cận và các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn đã được đầu tư và đang khai thác.
Tuy nhiên, quy mô hiện hữu chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông và chưa được mở rộng theo lộ giới quy hoạch. Về nguồn lực đầu tư, nguồn vốn ngân sách thành phố còn hạn chế.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được thành phố thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là hơn 52.700 tỉ đồng, song con số này chỉ đạt 19,8% so với tổng nhu cầu vốn. Với cơ chế này, TPHCM có thể huy động nhà đầu tư làm các công trình mà nhiều năm qua ngân sách chưa thể cân đối.
Tại hội thảo “Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM” vừa diễn ra, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, theo nội dung đột phá chiến lược để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 266.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 92.000 tỉ đồng, vốn đầu tư theo hình thức PPP là 174.000 tỉ đồng.
Với cơ chế đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT, TPHCM sẽ tập trung cho các tuyến giao thông chính ở đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22.
Quy mô đầu tư được mở rộng thông qua việc thu hút được vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân. Việc áp dụng hình thức sẽ giúp kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.
Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TPHCM khóa X đã thông qua dự thảo Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết quy định 14 nhiệm vụ, trong đó có quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa; ban hành danh mục dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.