Cùng dự sự kiện có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành.
Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng có chiều dài 24,6 km, rộng 25 m, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, tổng vốn đầu tư 6.416 tỉ đồng.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công-tư (PPP), được coi là một hình mẫu về cách làm trong phát triển hạ tầng giao thông.
Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,4 km được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức vốn 7.661 tỷ đồng. Công trình do chính người Việt Nam tự đầu tư, thiết kế, tổ chức thi công với kỹ thuật phức tạp, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Sau khi đưa vào hoạt động, cao tốc Hạ Long-Hải Phòng sẽ nối với cao tốc Hải Phòng-Hà Nội, giúp rút ngắn quãng đường từ TP. Hạ Long đi Hà Nội từ 180 km hiện nay xuống còn 130 km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ; rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75 km hiện nay xuống còn 25 km.
Tuyên bố khánh thành, thông xe, đưa vào vận hành công trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đột phá đáng tự hào hơn cả là việc hình thành một cây cầu “Made in Việt Nam” - cầu Bạch Đằng - một minh chứng cụ thể và rõ ràng về tinh thần tự lực, tự cường, về khả năng làm chủ công nghệ và thi công cầu đường của người Việt Nam. Người Việt Nam tự đầu tư, tự thiết kế, thi công với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Cầu Bạch Đằng kiến trúc cầu rất độc đáo, đặc sắc do những nhịp cầu tạo thành 3 chữ H rất có ý nghĩa Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long.
Một đột phá, theo Thủ tướng, là cao tốc Hạ Long-Hải Phòng không chỉ phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mà còn thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển 3 chữ H: Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long, mở thêm không gian và cơ hội phát triển kinh tế-xã hội lớn cho toàn khu vực.
Công trình cũng tạo đột phá về mặt thời gian, tài nguyên quý nhất. Thủ tướng cho rằng, rất nhiều người dân, doanh nghiệp, du khách sẽ hài lòng khi biết rằng thời gian đi Hạ Long-Hải Phòng hiện rút xuống chỉ còn 30 phút thay vì 2 tiếng như trước đây, đồng thời tuyến Hạ Long-Hà Nội nay chỉ mất 1 tiếng 30 phút thay vì 3-4 giờ đồng hồ.
Thủ tướng cũng cho rằng cây cầu có sự đột phá bởi tư duy năng động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo địa phương với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Đó là một sự táo bạo, sự đột phá cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cây cầu là kết quả của sự đột phá bởi tư duy năng động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo địa phương với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thời kỳ. Ảnh: VGP |
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động đã làm việc ngày đêm trên công trường và cảm ơn những hộ gia đình trong vùng dự án đã dành mặt bằng cho dự án.
“Tôi yêu cầu chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống của nhân dân. Tôi đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại để tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng thực sự là con đường cao tốc đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Ảnh VGP |
Tuyến đường cao tốc và cây cầu hiện đại này là một sự đầu tư lớn về nguồn lực, công sức, trí tuệ của đất nước, từ các nhà đầu tư đến nhân dân, chính quyền và các đơn vị triển khai. Nhiệm vụ quan trọng của chúng ta tiếp theo là làm sao cho sự đầu tư này thực sự có hiệu quả. Để tuyến đường thực sự có hiệu quả thì nó phải thu hút được nhiều hành khách, hàng hóa vận chuyển qua đó. Điều này phụ thuộc then chốt vào sự cất cánh kinh tế và du lịch của tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng trong thời gian tới, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết năm 2018, Việt Nam sẽ hoàn thành toàn diện vượt mức 12 chỉ tiêu kế hoạch nhà nước. Đời sống nhân dân được cải thiện trong đó có sự đóng góp trực tiếp của hai địa phương trọng điểm là Quảng Ninh, Hải Phòng.
Đường dẫn lên cầu Bạch Đằng. Ảnh VGP |
Thủ tướng đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng tiếp tục đổi mới cách thức thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, chất lượng cao hơn để khu vực này trở thành một trung tâm du lịch, chế tạo và sáng tạo hàng đầu của đất nước.
“Điều này không dễ nhưng đây là một mục tiêu chính của Chính phủ, của chính quyền, các nhà đầu tư và nhân dân. Đây là mục tiêu của cây cầu và tuyến đường này, mong các đồng chí hết sức đầu tư trí tuệ, sức lực, đưa giấc mơ chung này của chúng ta thành hiện thực”, Thủ tướng nói.