Chiều 9/10, tại Hội trường Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023.
Cuộc thi ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh đối với thầy cô, mái trường.
Mỗi năm, Cuộc thi thu hút từ 60.000 đến 80.000 tác phẩm tham gia, điều này thêm khẳng định vị thế, vai trò vô cùng quan trọng của những người làm công tác giáo dục và trở thành nguồn cảm hứng bất tận với người cầm bút.
Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, những tình cảm yêu thương, trân quý dành cho nghề giáo luôn là nguồn động viên to lớn, tạo động lực cho ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” nhiều vinh quang, nhưng cũng đầy thử thách.
“Nghề dạy chữ, dạy người” là nghề cao quý, không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn dạy bằng cả nhân cách, trí tuệ của mình”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục; do đó các thầy, cô phải có đủ đức, đủ tài, trở thành tấm gương tốt và được xã hội tôn vinh.
Đây cũng là điều mà nhiều tác giả đã gửi gắm, chia sẻ trong các tác phẩm của mình và những giá trị tốt đẹp đó qua mỗi năm tổ chức Cuộc thi đều được lan tỏa, có giá trị giáo dục sâu sắc.
Nhà trường, các thầy giáo, cô giáo mang trọng trách rất lớn trong việc đào tạo ra những con người phát triển toàn diện cả về Đức - Trí - Thể - Mỹ và trở thành công dân toàn cầu.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ phát động Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2023. |
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay, khi giáo dục của nước ta đang đứng trước những yêu cầu mới lại càng đặt ra đòi hỏi cao hơn về năng lực, phẩm chất và nhân cách nhà giáo. Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội.
“Sự đón nhận, hưởng ứng đối với Cuộc thi cho thấy, mái trường và các thầy, cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tạo hiệu ứng xã hội tích cực với cái nhìn bao quát hơn đối với những hi sinh lặng thầm của các nhà giáo, đặc biệt bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.