Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Mong thầy cô sáng tạo, chủ động trong giảng dạy

GD&TĐ -Chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2022-2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ mong các thầy cô giáo phát huy tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong giảng dạy...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Những điểm sáng

- Theo Thứ trưởng, năm học 2021-2022 vừa qua, trong bức tranh chung của ngành giáo dục nổi lên những điểm sáng nào?

Năm 2021, có 5 cơ sở GDĐH lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.

- Năm học 2021- 2022 đến khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội; trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp đối với trẻ em mầm non.

Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tặng hoa chúc mừng 5 học sinh đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Vật lý quốc tế năm 2022.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tặng hoa chúc mừng 5 học sinh đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Vật lý quốc tế năm 2022.

Cùng với đó, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.

Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.

Một trong những điểm sáng của năm học 2021 – 2022 là tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, bảo đảm nghiêm túc và an toàn. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021 và 2021 - 2022 đã không đưa vào đề thi năm nay.

Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy, đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

6/6 học sinh Việt Nam đều đoạt giải tại cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022 (IMO 2022) tổ chức tại Na Uy.
6/6 học sinh Việt Nam đều đoạt giải tại cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022 (IMO 2022) tổ chức tại Na Uy.

Ngoài ra, điểm nhấn trong năm học vừa qua là chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022 là 38/39 em đạt giải, với 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen; trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; đồng thời, khẳng định chất lượng GDPT, ngay cả trong 3 năm học chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hướng đi đúng của Bộ GD&ĐT trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Đặc biệt, tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở GDĐH, nhất là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học… Chất lượng GDĐH có những cải thiện rõ rệt.

Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở GDĐH, nhất là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước.

Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở GDĐH, nhất là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước.

Chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên

- Năm học mới 2022-2023 tiếp tục được cho là sẽ có nhiều thách thức. Ngành Giáo dục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm nào nhằm vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, thưa Thứ trưởng?

- Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Theo đó, ngành Giáo dục xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của năm học này là: Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên;

Đồng thời, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên; Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học;

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Cô - trò Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền
Cô - trò Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền

- Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai chương trình GDPT 2018 và là năm đầu tiên được triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Công tác chuẩn bị được Bộ triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Việc thực nghiệm, tập huấn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa cần được làm tốt hơn. Việc chọn sách giáo khoa phải căn cứ vào tiếng nói chuyên môn của giáo viên và các trường học, phấn đấu không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa.

- Sau khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6; Bộ GD&ĐT đã có những đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai ở những lớp tiếp theo. Thực tế, hầu hết các địa phương đều dồn nhiều nguồn lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho những năm đầu tiên thực hiện lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; ngoài việc triển khai theo kế hoạch đã có, các địa phương, cơ sở giáo dục cần có sự dự báo và chuẩn bị các khó khăn, thử thách đón đợi phía trước để chủ động ứng phó với nhiều giải pháp linh hoạt.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các trường tiểu học tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh… để phục hồi, duy trì hoạt động.

Tính đến nay, đã có 349 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn với số tiền gần 28,6 tỷ đồng. Đã có trên 17.300 học sinh, sinh viên được vay với tổng số tiền là hơn 237,7 tỷ đồng để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục - đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Đến nay, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy, giáo dục học sinh.

Cụ thể, đã hoàn thành các khóa bồi dưỡng đại trà cho hơn 641.200 giáo viên và trên 48.400 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; hoàn thành bồi dưỡng 6 mô-đun ưu tiên cho hơn 30.000 giáo viên và trên 3.800 cán bộ quản lý cốt cán. 63/63 sở GD&ĐT xây dựng được đội ngũ cốt cán có trình độ, được bồi dưỡng 6 mô-đun cốt lõi, đủ về số lượng, đại diện các môn học.

Qua đó, đáp ứng cơ cấu vùng miền, giáo viên cốt cán được trang bị năng lực triển khai Chương trình GDPT 2018, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp một cách có hiệu quả.

Liên quan đến biên soạn sách giáo khoa, thực tế cho thấy, chất lượng bản thảo là yếu tố quan trọng, bởi nếu không có bản thảo tốt, sẽ không có sản phẩm tốt. Sắp tới, cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn sách giáo khoa, nhằm bảo đảm chất lượng bản thảo.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

- Thưa Thứ trưởng, năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục có xây dựng phương án án dạy – học trực tuyến nhằm chủ động thích ứng với những tình huống bất ngờ, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục?

- Còn nhớ, năm 2021 – 2022, cùng với cả nước, toàn ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm các hoạt động giáo dục, đào tạo không bị “đứt gãy”. Hiện, ngành Giáo dục đã xây dựng kho bài giảng điện tử phục vụ dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.

Đến nay, kho học liệu số đặt tại địa chỉ igiaoduc.vn đã tiếp nhận gần 42.000 bài giảng; trong đó có gần 26.400 bài giảng E-learning và trên 15.200 video bài giảng. Số bài giảng thuộc Chương trình GDPT 2018 chiếm tỷ lệ 37% .

Bộ GD&ĐT cũng chủ động xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ năng dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và tổ chức tập huấn cho gần 9.000 giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình đối với GDPT. Đến nay, phần lớn giáo viên đã quen và tiếp cận được cách thiết kế, biên soạn bài giảng điện tử để làm phong phú thêm phương pháp và nội dung giảng dạy.

- Nhân dịp năm học mới, Thứ trưởng có nhắn nhủ gì đến các thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên trên cả nước?

- Bên cạnh những thuận lợi, dự báo năm học 2022-2023 ngành Giáo dục vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Vì vậy, thầy – trò trên cả nước cần chủ động, linh hoạt để thích ứng với mọi tình huống bất thường có thể xảy ra, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh đến giáo dục.

Thời gian qua, các thầy cô đã rất tâm huyết, năng động, không ngại khó, thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến. Tôi mong, các thầy cô tiếp tục phát huy tối đa tinh thần này, trên hết là tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy để đạt được mục tiêu về chất lượng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tôi cũng mong mỗi học sinh tìm thấy niềm vui trong việc học tập và rèn luyện để mỗi ngày đến trường là một ngày vui và ngày hôm nay sẽ tiến bộ hơn ngày hôm qua. Mong các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành cùng thầy, cô, nhà trường để năm học mới gặt hái được nhiều thắng lợi mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.