Chủ động nhân lực và vật lực
Năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) có hơn 900 học sinh. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Long cho biết, trường có 203 học sinh lớp 1; 211 học sinh lớp 2 và 175 học sinh lớp 3 sẽ học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Công tác chuẩn bị cho năm học và ngày khai giảng năm mới đã hoàn tất.
“Chúng tôi tiến hành vệ sinh khuôn viên sư phạm, sửa chữa, thay thế những thiết bị hư hỏng, sẵn sàng đón thầy – trò bước vào năm học mới với khí thế mới” – thầy Long bày tỏ, đồng thời cho hay: Đội ngũ giáo viên của trường đã chủ động đổi mới phương pháp dạy – học để đạt được mục tiêu chất lượng mà nhà trường đề ra. Riêng bộ môn Tiếng Anh đã được Phòng GD&ĐT tăng cường giáo viên THCS trên địa bàn xuống dạy cho học sinh lớp 3 của trường.
Cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) - khẳng định, nhà trường đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng cũng như năm học mới. Riêng ngày khai giảng sẽ thực hiện theo kế hoạch chung vào ngày 5/9. “Chúng tôi sẽ cắt giảm những thủ tục không cần thiết, thay vào đó tăng cường các hoạt động giao lưu, văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi và “nạp” thêm năng lượng tích cực cho thầy – trò trước khi bước vào buổi học đầu tiên” – cô Thu cho hay.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: NVCC |
Năm học 2022 - 2023, Trường THCS & THPT Bá Thước có hơn 800 học sinh. Trường sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, 7, 10 cho hơn 300 học sinh. “Tất cả đã sẵn sàng cả về nhân lực và vật lực” – cô Thu khẳng định, đồng thời viện dẫn: Khắc phục tình trạng thiếu phòng học, nhà trường đã tận dụng các phòng chức năng, hành chính để chuyển thành 5 phòng học khang trang, sạch sẽ. Qua đó, có thể đáp ứng yêu cầu dạy – học của thầy – trò trong năm học mới.
Năm học mới, Trường THCS Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) có 627 học sinh. Cô Hiệu trưởng Đặng Thị Chi cho hay: Công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai giảng (5/9). Theo đó, trường sửa chữa 10 phòng học và khu nhà vệ sinh dành cho học sinh. Ban giám hiệu đồng thời quán triệt tới 100% giáo viên về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Với giáo viên được phân công dạy lớp 6 - 7, nhà trường đặc biệt đề cao tinh thần tự học, tự trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng dạy - học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất; từ đó chuẩn bị tốt cho việc soạn giảng cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục trên lớp và ngoại khóa. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức các chuyên đề dạy học tích cực, giúp giáo viên làm chủ phương pháp và kỹ thuật để tổ chức các hoạt động dạy - học nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh đạt hiệu quả” – cô Chi nhấn mạnh.
Học sinh Trường THCS Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Ảnh: NVCC |
Không để bị động
“Đội ngũ giáo viên của trường có nhận thức đúng đắn về việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nên chúng tôi không gặp khó khăn khi triển khai. Nhà trường tiếp tục duy trì công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng trong năm học theo hướng linh hoạt: Sinh hoạt tổ, nhóm, khối lớp; dự giờ các lớp và tham gia khóa bồi dưỡng do ngành Giáo dục địa phương tổ chức” – cô Chi khẳng định.
Ngoài thực hiện đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng phát triển năng lực học sinh, Trường THCS Tam Thanh còn tập trung bồi dưỡng giáo viên dạy học trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhằm sẵn sàng ứng phó và thích ứng linh hoạt khi cần thiết.
Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận - cho biết: Kết thúc năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục đồng thời bắt tay triển khai công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023. “Chúng tôi xác định, chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện cho năm học mới. Trong ngày khai giảng, các trường cần tăng cường phần hội thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi… nhằm tạo tâm thế tự tin cho thầy - trò trước khi bước vào giảng dạy” – ông Thái nhấn mạnh.
“Ngoài ra, sở chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường học tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị khắc phục khó khăn, chuẩn bị thật tốt và chu đáo về cơ sở vật chất, nhân sự… Trong đó, ngành đặc biệt quan tâm đến các trường vùng khó, vùng đảo để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Các em được tiếp cận giáo dục bình đẳng” – ông Thái nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch sửa chữa hoặc mua sắm, bổ sung thay thế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, do ảnh hưởng dịch bệnh, năm học 2021 - 2022 kéo dài đến đầu tháng 6/2022 mới kết thúc nên thời gian chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023 cũng ít hơn so với mọi năm. Do đó, công tác chuẩn bị, nhất là về cơ sở vật chất càng được Sở GD&ĐT Quảng Ngãi quan tâm, chú trọng và yêu cầu các trường, địa phương sát sao, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp phòng học, các công trình phụ…
Ngoài lớp 1, 2 và 6 đã học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ 2 năm học trước; năm học 2022 - 2023 học sinh lớp 3, 7 và 10 sẽ chính thức học theo chương trình này. Do đó, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi quan tâm, chú trọng công tác tập huấn chương trình cho cán bộ chủ chốt và giáo viên các trường. Đến nay, việc này đã hoàn thành, giáo viên yên tâm, tin tưởng và sẵn sàng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, tập huấn về công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với học sinh.
“Chúng tôi đã tổ chức cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các mô-đun về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh” – cô Đặng Thị Chi nói.