Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ động viên Đội tuyển tham dự ISEF 2023

GD&TĐ - Chiều 12/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ gặp mặt, động viên Đội tuyển tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) 2023.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao quà động viên 13 học sinh tham dự ISEF 2023.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao quà động viên 13 học sinh tham dự ISEF 2023.

Ngày 11/4/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1011/QĐ-BGDĐT thành lập Đoàn cán bộ, học sinh Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 tại Hoa Kỳ. Đoàn gồm 29 thành viên, gồm cán bộ, học sinh, giáo viên hướng dẫn, quan sát viên. Trưởng đoàn là PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chúc mừng 13 học sinh với 7 dự án xuất sắc, được lựa chọn từ 143 dự án tham dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2022-2023 để dự thi quốc tế.

Thứ trưởng cho biết: Bắt đầu tổ chức từ năm 1950, ISEF là hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học. Mỗi năm có khoảng hơn 1500 học sinh trung học từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi gặp mặt.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi gặp mặt.

Hội thi là cơ hội kết nối các nhà khoa học trẻ tương lai trên toàn cầu; cơ hội để học sinh tham gia gặp gỡ các nhà khoa học lớn, các nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel được mời làm ban giám khảo. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đến với Hội thi để tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo.

Tại Việt Nam, năm 2012, Bộ GD&ĐT lần đầu đứng ra cùng một số sở GD&ĐT chọn cử dự án nghiên cứu khoa học tham gia Hội thi. Kết quả, dự án “Xử lí nước mặn thành nước ngọt bằng kĩ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt” của 3 học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam dự thi đã đoạt giải nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí.

Liên tục từ đó đến nay, hằng năm Việt Nam đều cử học sinh tham dự ISEF và năm nào cũng là một trong số các quốc gia có học sinh đoạt giải.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn cán bộ, học sinh Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn cán bộ, học sinh Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Chia sẻ về mục đích tham gia Hội thi ISEF, cũng như Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến việc khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh; góp phần đổi mới phương pháp dạy học; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, trong đó có kỹ năng tự học, độc lập tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, rất phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Thông tin về tính cạnh tranh rất cao (tỷ lệ học sinh có giải chỉ 25%), Thứ trưởng mong muốn các học sinh dự thi chuẩn bị kỹ càng, nỗ lực cao nhất, áp lực vừa đủ để tạo thành động lực dự thi đạt kết quả tốt nhất, phát huy truyền thống Việt Nam tham gia các kỳ ISEF, mang vinh quang về cho đất nước.

Thứ trưởng đồng thời đề nghị cán bộ tham gia Đoàn chuẩn bị chu đáo điều kiện để các học sinh yên tâm dự thi tại Hoa Kỳ.

Sáng cùng ngày, Đoàn cán bộ, học sinh Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 đã đến dâng hương tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 (ISEF 2023) tổ chức từ ngày 13/5 đến 19/5 tại Dallas, Hoa Kỳ.

13 học sinh tham dự ISEF 2023 và 2 học sinh là quan sát viên dâng hương tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

13 học sinh tham dự ISEF 2023 và 2 học sinh là quan sát viên dâng hương tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

7 dự án của Việt Nam dự thi ISEF năm 2023:

Nghiên cứu khả năng bảo hộ chống tia X của nanomelanin điều chế từ túi mực trên tế bào gốc trung mô và nguyên bào sợi (Vũ Đức Mạnh, Nguyễn Trọng Phúc, Trường THPT Lê Hồng Phong - Nam Định).

Nghiên cứu tác dụng giải lo âu, trầm cảm của tinh dầu cành và lá màng tang in vivo và in silico (Nguyễn Thị Mai Anh, Nguyễn Bình Giang - Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội).

Nghiên cứu điều chế hydrogel tiêm tại chỗ từ alginate và cao chiết lá cây Hồng Sim (Rhodomyrtus tomentosa) - định hướng trong chữa lành vết thương (Nguyễn Thành Khoa - Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang).

Nghiên cứu tổng hợp vật liệu Polymer siêu hấp thụ từ tinh bột sắn (Tapioca Starch) và ứng dụng chế tạo chế phẩm Hydrogel chống cháy (Lê Thảo Uyên, Nguyễn Lê Việt Hoàng, Trường THPT chuyên Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang).

I-KROBS - Robot phân phối viên nang I-131 cho bệnh nhân tuyến giáp (Đỗ Trung Kiên, Nguyễn Đức Soát, Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng).

Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở (Lê Minh Đức, Nguyễn Lê Trung Kiên, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Hồ Chí Minh).

CEREPAD - Thiết bị hỗ trợ phục hồi nhóm cơ vận động và một số giác quan cho trẻ bại não thể co cứng (Lê Hoàng Hà Anh, Vũ Đức Dũng, Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.