Hành trình đoạt giải Khoa học kỹ thuật quốc tế 2022 của hai nam sinh '10X'

GD&TĐ - Dự án của Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo đã được trao học bổng Arizona State University ISEF Scholarship lên tới 33.000 USD/năm.

Phạm Nguyễn Quang Huy (trái) và Phạm Nguyễn Gia Bảo là đồng tác giả của Dự án “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên”.
Phạm Nguyễn Quang Huy (trái) và Phạm Nguyễn Gia Bảo là đồng tác giả của Dự án “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên”.

Infographic thành tích của học sinh Việt Nam tại Intel ISEF 2022

Thành quả ngọt ngào

Hội thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) 2022 được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại Hoa Kỳ từ ngày 4 đến 13/5. Việt Nam có 7 dự án tham dự và có 2 dự án đạt Giải Đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

Trong đó, dự án "Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên" của hai em Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) được trao học bổng Arizona State University ISEF Scholarship lên tới 33.000 USD/năm.

Nói về kết quả đáng tự hào này, cả hai em Quang Huy (SN 2004) và Gia Bảo (SN 2006) đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi. Huy tâm sự, để đạt được kết quả tuyệt vời này, chúng em vô cùng biết ơn sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tâm, nhiệt tình của các thầy cô trong trường trong thời gian qua. Trải qua mỗi vòng thi từ cấp trường lên đến cấp quốc gia, ban giám khảo lại có những góp ý quý báu nên nhóm của em dần dần đã rút ra được kinh nghiệm quý báu.

Lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) khen thưởng cho hai em Gia Bảo và Quang Huy sau thành tích đạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia hồi tháng 3/2022.

Lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) khen thưởng cho hai em Gia Bảo và Quang Huy sau thành tích đạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia hồi tháng 3/2022.

Phạm Nguyễn Gia Bảo cho rằng, hiện nay thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa của người dân vẫn còn rất phổ biến, trong đó có đối tượng thanh niên. Thanh niên là lực lượng xung kích cần phải tiên phong thay đổi, tuyên truyền và lan tỏa hành vi tiêu dùng có trách nhiệm để bảo vệ môi trường (BVMT). Các em đã cùng nhau tìm hiểu về thực trạng, nhận diện các yếu tố thúc đẩy hành vi tiêu dùng gắn với BVMT của thanh niên.

Theo các số liệu nhóm tác giả thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, lượng rác thải của người tiêu dùng thải ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới những năm gần đây là rất lớn và đang có xu hướng gia tăng. Do đó, càng phải có thật nhiều giải pháp để thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa thì môi trường sống của con người mới được bảo vệ. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu để góp phần chung tay bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở phân tích thực trạng cũng như các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng của thanh niên, hai nam sinh đã đề xuất các giải pháp cụ thể gồm: Thực hiện các chuyên đề sinh hoạt Đoàn giữa các chi đoàn về chủ đề tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường; tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ thông tin; xây dựng các kênh truyền thông như fanpage trên mạng xã hội Facebook;

Thành lập câu lạc bộ tiêu dùng hay làm các sản phẩm handmade, đồ tái chế từ vỏ nhựa; thay đổi thói quen tiêu dùng bằng cách tuyên truyền thông qua các bài viết trên mạng xã hội vì có nhiều người sử dụng. Sắp tới, nhóm sẽ tìm hiểu thêm các giải pháp thực tiễn nhằm lan tỏa đề tài của mình để mọi người cùng biết để có hành động đúng đắn, thúc đẩy hình thành thói quen tiêu dùng có trách nhiệm BVMT.

Tính lan tỏa của đề tài

Thầy Trần Văn Huy và hai em Gia Bảo (bìa phải) và Quang Huy.

Thầy Trần Văn Huy và hai em Gia Bảo (bìa phải) và Quang Huy.

Cũng theo hai nam sinh '10X', để chứng minh lượng kiến thức mình đưa vào thực tế là đúng, nhóm đã cùng các thầy cô tìm ra giải pháp như thay đổi cấu trúc và nội dung đề tài cho rõ ý hơn, nêu thông điệp muốn truyền tải thông qua đề tài. Đây là vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ hết tính thời sự nên các em vẫn quyết tâm triển khai.

"Em đã cùng với anh Huy tập trung nghiên cứu và thực hiện nhiều bước như điều tra xã hội học, làm các thuật toán thống kê, thiết kế đồ họa PowerPoint và áp dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau. Nhờ đó, em đã có những trải nghiệm quý giá và khám phá khả năng của chính bản thân mình. Em đã học được kỹ năng thuyết trình, cách thức triển khai và thực hiện các giải pháp liên quan” – Phạm Nguyễn Gia Bảo tâm sự.

Đồ họa: An Nhiên.

Đồ họa: An Nhiên.

Là giáo viên trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu, thầy Trần Văn Huy đánh giá, qua thời gian làm việc kéo dài trong nhiều tháng và việc thu thập số liệu đã thấy các em có sự tiến bộ vượt bậc. Trải qua nhiều vòng thi từ cấp trường lên tới thành phố hay cấp quốc gia, tiếp xúc với nhiều ban giám khảo khác nhau nên các em đã được cọ xát, học hỏi và có sự thay đổi để tự hoàn thiện đề tài của mình.

Trong đó, từ kỹ năng làm báo cáo bằng Powerpoint hay điều tra số liệu xã hội học, tìm nguồn tài liệu uy tín để lấy con số thống kê cũng rất rõ ràng và có sự sắp xếp bố cục hợp lý. Các số liệu đòi hỏi độ chính xác cao và tôn trọng bản quyền của tác giả. Vận dụng nhiều kiến thức khác nhau như Toán, Tin học, thống kê, Sinh học, Hóa học, Vật lý, vẽ biểu đồ… vận dụng tối đa những điều đang có để giải quyết vấn đề mình mong muốn tìm hiểu.

Theo thầy Huy, trong quá trình nghiên cứu, đi lại cũng gặp ảnh hưởng do dịch Covid-19. Học sinh đã lên kế hoạch trước rồi tranh thủ gặp được các bạn để phỏng vấn một số câu hỏi liên quan rồi lồng vào phần trình bày. Đề tài bắt đầu từ đầu năm nên các em phải đầu tư thời gian đọc tài liệu, suy nghĩ về các ý tưởng liên quan để trình bày và tìm giải pháp. Hơn nữa, cả hai em cũng phải cân đối thời gian cho cả việc học online chính khóa cũng như học trên lớp để đảm bảo chương trình.

"Ngoài ra, học sinh cũng được trang bị kỹ năng về công nghệ thông tin ngay từ khi vào lớp 10. Đó cũng là thế mạnh để các em phát huy khả năng liên quan đến công nghệ. Đây chỉ là thành công bước đầu, các em sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa để chinh phục những đỉnh cao hơn trong sự nghiệp của mình sau này. Hiện Gia Bảo đang học lớp 11 tại trường, còn Quang Huy đã đi du học nước ngoài”, thầy Trần Văn Huy chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.