Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Chú trọng thực chất, chất lượng khi triển khai chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Ngày 9/9, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến thăm và làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tiết tiếng Việt - Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới của cô - trò Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình)
Tiết tiếng Việt - Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới của cô - trò Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình)

Cô - trò cùng đổi mới

Trực tiếp thăm và dự giờ của giáo viên lớp 1 - Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình), Thứ trưởng ghi nhận, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã có tâm thế sẵn sàng đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên đã chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học...

Điều đó cho thấy, Trường Tiểu học Đông La nói riêng và ngành Giáo dục Thái Bình nói chung đã có bước chuẩn bị chu đáo để triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Hiệu trưởng Trần Thị Hiền cho hay: Năm học 2020 - 2021, nhà trường tiếp nhận gần 200 học sinh lớp 1 và được chia thành 6 lớp. Nhà trường đã chọn cử những giáo viên tâm huyết, trách nhiệm và có nghiệp vụ sư phạm tốt tham gia dạy lớp 1. Hiện giáo viên và học sinh đã có đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng dạy – học.

Trước khi bước vào năm học mới, toàn bộ giáo viên lớp 1 đã được tập huấn kỹ Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

“Qua thực tế một số buổi triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 cho thấy, giáo viên và học sinh hứng thú và bắt nhịp với phương pháp dạy – học mới.

Trên cơ sở đó, chúng tôi tự tin, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 sẽ được thực hiện thành công trong năm học này” – bà Hiền nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác dự giờ tiết Toán - lớp 1, Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình)
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác dự giờ tiết Toán - lớp 1, Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình)

Ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, để chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy – học.

Cụ thể, đã khởi công, hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1.400 phòng học, 145 phòng học bộ môn, 276 công trình phụ trợ; tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh đã sắm hơn 4.200 máy tính, 148 máy chiếu, 110 phòng học ngoại ngữ, trên 16.200 bộ bàn ghế, 711 bộ thiết bị tối thiểu và trên 10.000 trang thiết bị dạy học khác, với tổng kinh phí trên 216 triệu đồng.

“Đến nay, 100% các trường học của Thái Bình đủ điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – ông Nguyễn Viết Hiển khẳng định.

Học sinh lớp 1 A, Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) trong giờ học tiếng Việt
Học sinh lớp 1 A, Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) trong giờ học tiếng Việt

Chú trọng đổi mới tư duy, nhận thức

Ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở GD&ĐT Thái Bình trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là đối với lớp 1, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ gợi mở: Thái Bình nên quy hoạch phát triển mạng lưới trường học. Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc và nâng cao hơn nữa chất lượng phổ cập giáo dục.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT chú trọng đổi mới tư duy, trong đó nhấn mạnh chuyển từ thế mạnh phát triển quy mô sang chú trọng phát triển chất lượng. Do đó, tỉnh cần xây dựng một nền giáo dục thực sự chất lượng. Trước mắt, ưu tiên những gì tốt nhất (từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ giáo viên) cho lớp 1.

Thứ trưởng lưu ý, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, đội ngũ thanh kiểm tra phải là những người hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông mới để có nhận định đúng và trúng. Theo đó, cần tổ chức tập huấn đầy đủ và quán triệt đến các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT Thái Bình
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT Thái Bình

Nhắc lại 4 yêu cầu cần đổi mới đã được hướng dẫn tại Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH  của Bộ GD&ĐT, đó là: Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; Tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục – Thứ trưởng cho rằng, Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH chính là bước đệm để chuẩn bị thực Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các khối lớp còn lại. Vì thế, ngành Giáo dục cần tiếp tục phát huy và thực hiện tốt các nội dung đã được hướng dẫn tại văn bản này.

Bên cạnh đó, cần chăm lo đội ngũ giáo viên, hỗ trợ và tạo động lực để giáo viên phát triển năng lực nghề nghệp. Hướng dẫn cơ sở giáo dục tổ chức các chuyên đề về nghiệp vụ, biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng.

Nhấn mạnh việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, Thứ trưởng đề nghị, đã là trường chuẩn thì phải thực chất, chuẩn từ bảo vệ, chị lao công cho đến đội ngũ giáo viên và Ban giám hiệu. Việc mua sắm thiết bị phải thiết thực, hiệu quả; tránh tình trạng “Thiết bị đến trường nhưng không tới lớp”.

Cùng với đó, tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để nhà trường và đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt, phát huy được năng lực, sở trưởng của mỗi thầy, cô giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.