Theo đó, các tiêu chí đưa ra là: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Với tiêu chí đầu tiên, yêu cầu nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa; phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử, địa lý của các địa phương tỉnh Thái Bình;
Cấu trúc sách giáo khoa rõ ràng, cụ thể, dễ phân biệt các phần bằng các logo, biểu tượng gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ với học sinh tiểu học; tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế của địa phương;
Chất lượng sách giáo khoa đảm bảo, phù hợp lứa tuổi học sinh (màu sắc, kênh hình, kênh chữ, giấy in,...); giá thành sách giáo khoa hợp lý, sử dụng được nhiều năm, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, thuận lợi cho phụ huynh hướng dẫn, giúp đỡ con em học tập.
Tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo đục phổ thông được cụ thể hóa thành các yêu cầu như sau:
Thứ nhất: Nội dung sách giáo khoa bảo đảm tính khả thi, phù hợp với cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Nội dung sách giáo khoa có thể triển khai hiệu quả với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có của nhà trường, đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày.
Cấu trúc, nội dung sách giáo khoa có tính mở, bảo đảm được việc dạy học tích cực, phân hóa, tích hợp; tạo điều kiện để nhà trường, giáo viên chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục 2 buổi/ngày.
Nội dung sách giáo khoa bảo đảm triển khai khả thi, phù hợp với năng lực chung của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong trường.
Thứ 2, phù hợp với sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Theo đó, sách giáo khoa được trình bày hấp đẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, tính thẩm mỹ cao, gây hứng thú với học sinh.
Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học với các hoạt động học tập phong phú, được chỉ dẫn rõ ràng, giúp học sinh xác đinh được mục tiêu học tập, đáp ứng các yêu cầu cần đạt.
Nội dung sách giáo khoa theo hướng mở, phân chia theo các mạch chủ đề/bài học nhằm phát triển đầy đủ phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học; có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng nhận thức và phương pháp học tập của các nhóm đối tượng học sinh.
Các hoạt động giáo dục gắn liền với đời sống thực tiễn hiện nay, được thiết kế và tổ chức theo hướng mở nhằm tăng cường rèn luyện các phẩm chất, năng lực, tính sáng tạo cho học sinh.
Hệ thống câu hỏi, bài tập có tính phân hóa giúp học sinh có khả năng tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức, ôn tập, củng cố, vận dụng vào thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết trong cuộc sống.
Thứ 3, tạo đỉều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo đó, các bài học/chủ đề trong sách giáo khoa được thiết kế, trình bày với đa dạng các hoạt động, thuận lợi cho giáo viên linh hoạt trong việc lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực.
Sách giáo khoa có các nội dung, chủ đề kiến thức liên môn, giáo dục tích hợp giúp giáo viên thực hiện các hoạt động dạy học gắn kết với thực tiễn cuộc sống.
Nội dung sách giáo khoa thể hiện rõ, đủ các yêu cầu về mức độ cần đạt; bảo đảm mục tiêu phân hóa, tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thứ 4, thuận tiện trong việc bồi dưỡng, giáo viên tự bồi dưỡng. Cụ thể, tác giả sách giáo khoa là các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học có uy tín, có điều kiện cùng đồng hành với các cơ sở giáo dục trong suốt quá trình bồi dưỡng giáo viên.
Có tài liệu thuyết minh, tài liệu bồi dưỡng, sách hướng dẫn giáo viên đi kèm với sách giáo khoa. Có nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung đa dạng, phong phú, hữu ích.
Mỗi tiêu chí được định lượng bằng điểm số cụ thể. Căn cứ tổng điểm, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đề xuất phương án lựa chọn.