Linh hoạt dạy và học theo thực tế
Sáng 14/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có cuộc làm việc với tỉnh Nam Định về đánh giá việc tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng dịch trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tham dự có ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ban ngành liên quan.
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời theo từng lĩnh vực và từng cấp học thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Mạng lưới cơ sở giáo dục (CSGD) của tỉnh cơ bản duy trì ổn định với 230 trường mầm non, trong đó có 4 trường ngoài công lập; 226 trường tiểu học (có 1 trường giáo dục học sinh khuyết tật); 226 trường THCS; 57 trường THPT, trong đó có 12 trường ngoài công lập; 2 trung tâm GDTX cấp tỉnh; 1 trung tâm KTTHHNDN; 11 trung tâm GDNN-GDTX; 1 trường Cao đẳng Sư phạm; 50 trung tâm ngoại ngữ và ngoại ngữ - tin học; 11 trung tâm giáo dục kỹ năng sống; 226 trung tâm học tập cộng đồng xã/thị trấn.
Các CSGD đã tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), tạo sự đồng thuận của nhân dân để triển khai thực hiện nhiệm vụ; xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục theo hướng linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh Covid-19 nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Các CSGD mầm non đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sau sửa đổi, bổ sung theo quy định. Tiếp tục thực hiện các chuyên đề “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo hành trẻ trong các CSGD mầm non”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, thực hiện nghiêm túc các nội dung giáo dục tích hợp. Các CSGD tranh thủ “thời gian vàng” lựa chọn nội dung, tổ chức các hoạt động giáo dục cốt lõi, phù hợp với khả năng của trẻ.
Các CSGD đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung để phối hợp, hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà khi trẻ em không tới trường. Triển khai xây dựng các video, audio (1.202 video, audio), các bài viết hướng dẫn cha mẹ trẻ cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Toàn tỉnh huy động: 15.546 trẻ nhà trẻ ra lớp, đạt 23,2% dân số độ tuổi; 79.208 trẻ mẫu giáo ra lớp, đạt 87,39% dân số độ tuổi. Riêng mẫu giáo 5-6 tuổi huy động 29.290 trẻ đạt 97,7% dân số độ tuổi.
Đối với giáo dục phổ thông, GDTX: Các CSGD tận dụng “thời gian vàng” khi dịch bệnh được kiểm soát để tổ chức giảng dạy những nội dung trọng tâm, cốt lõi; chuẩn bị các điều kiện (cơ sở vật chất, thiết bị, tập huấn sử dụng phần mềm và kỹ năng dạy học trực tuyến…), xây dựng các kịch bản sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học trực tiếp/trực tuyến.
Việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến, các CSGD đã thực hiện nghiêm túc từ khâu xây dựng thời khóa biểu, quy định về thời gian, thời lượng, địa điểm, trang phục của giáo viên, học sinh, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ học sinh khi cần thiết… tiến hành kiểm tra, giám sát, dự giờ các giờ dạy trực tuyến; có nhiều phương án khác nhau để hỗ trợ hoặc khắc phục giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến. Đến nay, cơ bản các CSGD đã kết hợp hài hoà, linh hoạt và tương đối hiệu quả cả hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến; đảm bảo kết thúc chương trình, kiểm tra, đánh giá học kỳ I theo đúng tiến độ.
Cần sớm đón trẻ mầm non trở lại trường
Cũng theo đại diện ngành Giáo dục tỉnh Nam Định, trong thời gian qua, đơn vị này đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xây dựng phương án, kịch bản tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá, kế hoạch năm học thích ứng với từng tình huống dịch bệnh.
Giải pháp mà địa phương này đã và đang thực hiện gồm rà soát lại chương trình cốt lõi, tạm hoãn những hoạt động chưa cấp bách để tận dụng thời gian vàng tổ chức dạy những nội dung trọng tâm, kiến thức nền tảng. Lựa chọn nền tảng công nghệ để sẵn sàng chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến.
Tổ chức tập huấn cho giáo viên, hướng dẫn học sinh học trực tuyến, hướng dẫn phụ huynh hợp tác hỗ trợ học sinh trong quá trình học trực tuyến. Kết hợp hài hòa dạy trực tiếp và trực tuyến theo phương án nhà trường tổ chức song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến theo khối lớp hoặc theo từng lớp.
Ông Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid–19, nhưng với nỗ lực vượt khó, ngành giáo dục Nam Định cũng đã thực hiện tốt được chương trình và kế hoạch năm học. Các cơ sở GDMN đã xây dựng kế hoạch giáo dục, lựa chọn nội dung, phối hợp, hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ em tại gia đình.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình GDMN theo các kịch bản phù hợp với điều kiện và bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng độ tuổi dựa vào mục tiêu giáo dục của chương trình GDMN.
Với giáo dục phổ thông, tại các đơn vị triển khai dạy học trực tuyến, trong học kỳ I năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý chất lượng dạy học, đồng thời tiến hành dự giờ một số tiết dạy trực tuyến. Phần lớn các tiết dạy đảm bảo yêu cầu về mục tiêu cần đạt, giáo viên sử dụng tốt phần mềm và thiết bị, học sinh tương tác tốt với giáo viên; do đó việc học tập được đảm bảo đúng tiến độ chương trình.
Đối với những trường hợp học sinh gặp khó khăn về thiết bị, các trường đều có phương án khắc phục phù hợp với thực tiễn giúp việc học của học sinh không bị gián đoạn. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến được các trường triển khai linh hoạt tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Những trường không thuộc vùng phong tỏa được mở cửa, tổ chức dạy học trực tiếp cho những học sinh có thể đến trường, dạy trực tuyến cho những học sinh không thể đến trường. Đối với các trường thực hiện dạy học trực tiếp đều đảm bảo các yêu cầu công tác phòng chống dịch.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết 53/63 tỉnh đã có 100% học sinh đến trường. Thứ trưởng yêu cầu tỉnh Nam Định cần sớm nghiên cứu để sớm có phương án cho học sinh mầm non trên địa bàn TP Nam Định có thể trở lại trường học trực tiếp như các huyện còn lại trên địa bàn một cách an toàn, hiệu quả nhất.