Nội dung làm việc về thực hiện công tác thi đua khen thưởng, giáo dục dân tộc, giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục ổn định và phát triển. Công tác giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc sắp xếp, bố trí, nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.
Điện Biên cũng ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên vùng cao. Đồng thời triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của nhà nước tới cán bộ, giáo viên và học sinh.
Các cơ sở giáo dục đã bám sát các quy định của Luật Thi đua Khen thưởng, hoạt động của cụm, khối thi đua đã được kiện toàn, đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả.
Kết quả trong 2 năm học liên tục, Sở GD&ĐT Điện Biên được Bộ đánh giá là một trong các đơn vị có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất, dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” của Cụm thi đua số 4.
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên. Công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến được quan tâm triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT.
Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã quan tâm đổi mới công tác thi đua khen thưởng, chú trọng khen thưởng giáo viên, nhân viên, đối tượng vùng sâu, vùng xa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp được củng cố, kiện toàn theo đúng quy định của Luật thi đua khen thưởng và các văn bản quy định của pháp luật của Chính phủ, của tỉnh.
Hàng năm xét, khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở không quá 15%, trong đó cán bộ quản lý không quá 1/3. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Trong 2 năm, đã lồng ghép 155 cuộc thanh tra lĩnh vực thi đua khen thưởng và 22 cuộc kiểm tra chuyên đề.
Thực hiện tốt công tác xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Qua 2 lần xét tặng năm 2017 và 2020, có 23 Nhà giáo đươc phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, trong đó 4 cán bộ quản lý và 19 giáo viên.
Tích cực triển khai các biện pháp khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục. Đổi mới các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua khen thưởng các cấp đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, dân chủ; khen đúng người, đúng thành tích.
Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của tỉnh. Điển hình như việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, tập huấn về việc đổi mới phương pháp giảng dạy…
Sở cũng phát động phong trào hướng đến học sinh nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn; qua đó phát động các tập thể, cá nhân giúp đỡ, ủng hộ học sinh và các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể xã hội tại địa phương vào cuộc tích cực trong việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục dân tộc, đặc biệt là các chính sách đối với trường PTDTBT và học sinh bán trú đã góp phần huy động nguồn lực, tạo môi trường giáo dục tốt hơn, đồng thời làm tốt công tác huy động trẻ em đến lớp, duy trì sỹ số, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học... Đây là tiền đề để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và làm thay đổi căn bản diện mạo giáo dục dân tộc thiểu số tại tỉnh Điện Biên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên. Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Điện Biên tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực học sinh. Đồng thời tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Thứ trưởng cũng đề nghị Sở GD&ĐT Điện Biên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với học sinh và điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.