Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía lãnh đạo tỉnh có đồng chí Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh.
Theo báo cáo đánh giá của tỉnh Điện Biên, tính đến năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 500 trường, 129 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã. Trong đó giáo dục mầm non có 170 trường, trên 2480 lớp, nhóm trẻ với trên 60.740 trẻ đang theo học.
Đặc biệt, ngày 22/4/2019, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định số 338 về phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018 – 2025”. Trên cơ sở đó, tỉnh đã củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục – đào tạo của tỉnh theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tính đến 31/12/2020, tỉnh Điện Biên đã huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt trên 44%, vượt 14,7% so với mục tiêu toàn quốc tại Nghị định số 1677/QĐ-TTg; trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ra lớp đạt 99,6%, vượt 7,2% so với mục tiêu toàn quốc; trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đạt 99,9%. Tỷ lệ trẻ em được học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân là 6,5%; tyr lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi là 7,4%, giảm so với chỉ tiêu giao là 8,6%.
Đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 70%, đảm bảo chỉ tiêu so với Quyết định 1677/QĐ-TTg; 64,5% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; 88,9% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng trở lên 74,3% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên. Tỉnh Điện Biên tiếp tục duy trì phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi (100% số đợn vị cấp xã và cấp huyện duy trì đạt chuẩn).
Công tác giáo dục dân tộc được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách, ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong lĩnh vực đào tạo; quan tâm dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh trong các trường phổ thông theo Nghị định 82/2010 của Chính phủ và tổ chức dạy tiến dân tộc cho cán bộ, giáo viên. Theo đó, toàn tỉnh đã có trên 10.660 cán bộ, công chức, viên chức được cấp chứng chỉ tiếng Thái và tiếng Mông.
Cùng với đó, các mặt công tác giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên, giáo dục thể chất và công tác y tế trường học,... đều đã được chỉ đạo thực hiện theo qui định của Chính phủ, của Bộ đã đề ra; góp phần thúc đẩy công tác giáo dục toàn diện trong hệ thống giáo dục của tỉnh ngày một được nâng cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của tỉnh Điện Biên trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục mầm non, giáo dục dân tộc, giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên, giáo dục thể chất và công tác thi đua khen thưởng.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu giáo dục đề ra trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị, tỉnh Điện Biên cần tiếp tục thực hiện tốt chương trình SGK mới, ngành giáo dục tỉnh cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới công tác quản lý giáo dục, chủ động có kế hoạch, sẵn sàng triển khai chương trình mới; quan tâm bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tạo điều kiện tốt nhất cho các trường phổ thông triển khai chương trình, SGK mới; tạo sự đột phá trong phát triển giáo dục.
Đối với lớp 2 và lớp 6, tăng cường bổ sung đội ngũ nhà giáo; công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, CBQL theo lộ trình của Bộ GD&ĐT; 100% giáo viên lớp 2 và lớp 6 đại trà được tập huấn trực tuyến về nội dung chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu cũng như công tác biên soạn, dạy học Tài liệu GD địa phương theo chương trình GDPT 2018, SGK thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6, công tác truyền thông… cũng cần được chú ý đầu tư đồng bộ.
Ngành giáo dục tỉnh cũng cần phát hiện và khen thưởng kịp thời đối với những thầy, cô giáo thầm lặng hết lòng vì học sinh thân yêu để tôn vinh, nhân rộng; khắc phục tận gốc tình trạng bạo lực học đường, tình trạng tảo hôn…chú trọng quan tâm an toàn trường học…
Cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Bộ GD&ĐT đối với công tác giáo dục mầm non, giáo dục dân tộc, giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng khẳng định, tỉnh Điện Biên sẽ ưu tiên tối đa các điều kiện để ngành giáo dục tỉnh triển khai nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ giáo dục đề ra trong giai đoạn tới, đặc biệt là Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục giành sự quan tâm và tạo điều kiện đối với sự phát triển giáo dục của tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng đề nghị ngành giáo dục, các ngành chức năng của tỉnh tiếp thu tinh thần chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc, qua đó, xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp với từng đơn vị để triển khai hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.