Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh điều này khi trao đổi về một số nội dung liên quan đếnThông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ mới ban hành (Thông tư 18).
Nhiều tạp chí trong nước rất có giá trị
Đặt vấn đề: “Khoa học là không biên giới” và chỉ có công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học rộng lớn thì mới nâng được chất lượng tiến sĩ; Thứ trưởng nhấn mạnh: Trao đổi học thuật trên các diễn đàn khoa học rộng lớn và có uy tín, bao gồm cả việc công bố kết quả nghiên cứu, là một yêu cầu cốt lõi của nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học.
Nghiên cứu sinh là những người “học nghiên cứu” và “học qua nghiên cứu”, nên bắt buộc tham gia hoạt động này ở các mức độ, hình thức và tính chất khác nhau tùy theo lĩnh vực đào tạo và đề tài nghiên cứu.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng cần được nhìn nhận toàn diện hơn từ cách tiếp cận hệ thống, phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào, điều kiện bảo đảm chất lượng, quy trình tổ chức và quản lý đào tạo, cho đến yêu cầu đầu ra, các tiêu chuẩn cũng như quy trình đánh giá, bảo đảm chất lượng. Số lượng và chất lượng các công bố khoa học là một trong những chỉ số đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra (yêu cầu tối thiểu về năng lực, phẩm chất của người tốt nghiệp).
Nhận xét về các tạp chí khoa học trong nước, Thứ trưởng trao đổi: Cũng như nhiều lĩnh vực khác, chúng ta thừa nhận chất lượng các sản phẩm khoa học trong nước nói chung và chất lượng bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước nói riêng còn nhiều hạn chế, điều này phản ánh phần nào trình độ khoa học và công nghệ của đất nước.
Tuy nhiên, phải khẳng định có nhiều tạp chí trong nước rất có giá trị. Trong những tạp chí chưa có uy tín cao cũng có những bài báo có giá trị. Chất lượng tạp chí phụ thuộc một phần vào các nhà quản lý, nhưng yếu tố quyết định là sự tham gia và đóng góp tích cực, nghiêm túc của cộng đồng nhà khoa học trong lĩnh vực chuyên môn.
Những yếu kém cần phải thẳng thắn nhìn nhận và từng bước khắc phục. Nhưng trước hết các cơ quan quản lý cần đặt cả niềm tin và trách nhiệm cho các nhà khoa học trong nước. Có như thế mới phát huy được nội lực và phát triển bền vững.
Tăng chất và lượng
Cũng theo Thứ trưởng, tốc độ tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là 5 năm gần đây là tín hiệu đáng mừng. Điều đó không những thể hiện sự quan tâm của các nhà khoa học và các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước về uy tín và thứ hạng quốc tế, mà phần nào phản ánh sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước ta.
Kết quả này có được là nhờ những chính sách đầu tư, khuyến khích của Nhà nước và của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, quan trọng hơn đó là sự đóng góp của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giảng viên đại học.
Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ GD&ĐT (Thông tư 08) đã tạo ra sức ép lớn đối với nghiên cứu sinh và người hướng dẫn trong việc phải có công bố quốc tế. Điều này chắc chắn góp phần gia tăng số lượng công bố quốc tế. Nhưng chưa thấy một kết quả nghiên cứu nghiêm túc nào chỉ ra quan hệ trực tiếp giữa tác động của việc này với tốc độ tăng mạnh số lượng công bố quốc tế của cả nước.
Từ khi Thông tư 08 có hiệu lực, cho đến nay mới được 4 khóa tuyển sinh, số lượng tốt nghiệp chưa được 100 tiến sĩ, đóng góp một tỉ lệ không đáng kể so với trên 20 nghìn bài báo quốc tế của cả nước (nằm trong danh mục Scopus).
Thứ trưởng nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của đào tạo tiến sĩ đó là thúc đẩy nghiên cứu, vì ở trường đại học nào, nghiên cứu sinh phải là lực lượng nghiên cứu quan trọng, nếu không nói là chủ chốt.
Ngược lại, cần có chính sách khuyến khích mạnh hơn, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu thì mới tăng được số lượng và chất lượng đào tạo tiến sĩ. Trong khi quy mô đào tạo tiến sĩ của chúng ta hiện nay rất thấp so với khu vực và thế giới. Vì thế, việc tăng cả chất lượng và số lượng đào tạo là cần thiết. Thông tư 18 sẽ đóng góp một phần để thúc đẩy việc này.
Ngoài việc gia tăng số lượng công bố quốc tế, chúng ta cũng cần quan tâm tới nâng cao chất lượng công bố trong nước và ở nước ngoài, cũng như tăng số lượng các phát minh, sáng chế. Bên cạnh đóng góp giá trị học thuật, còn là tác động xã hội và ứng dụng thực tiễn để giải quyết những vấn đề thách thức của đất nước và thế giới.
Nghiêm túc lắng nghe
Yếu tố cốt lõi của tự chủ đại học là tự chủ học thuật. Theo đó các cơ sở giáo dục đại học với nòng cốt là đội ngũ các nhà khoa học được trao quyền và trách nhiệm quyết định tiêu chuẩn, chính sách chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu.
Trước ý kiến cho rằng: Thông tư 08 “Thắt chặt đào tạo tiến sĩ” và Thông tư 18 chỉ đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Thứ trưởng trao đổi: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 với chính sách chủ đạo là tự chủ đại học. Theo đó, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật phải được sửa đổi, bổ sung theo cách tiếp cận mới.
Trước đây, đối với đào tạo tiến sĩ, ngoài 2 đại học quốc gia thì cả nước áp dụng một quy chế duy nhất với những yêu cầu, tiêu chí chung cho tất cả các trường, các lĩnh vực và ngành đào tạo. Nay quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới chỉ đưa ra những nguyên tắc và yêu cầu chung, tối thiểu, mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xây dựng, ban hành và công bố công khai quy chế riêng của mình.
Bên cạnh các quy chế đào tạo, Bộ GD&ĐT đã ban hành một thông tư khác (Thông tư 17) làm cơ sở xây dựng một bộ chuẩn chương trình đào tạo cho tất cả lĩnh vực và ngành đào tạo.
Trong thời gian 2 - 3 năm tới, các hội đồng khối ngành với sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia có uy tín sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng cho các ngành, nhóm ngành thuộc 24 lĩnh vực đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định và phê duyệt các chuẩn này để tất cả cơ sở đào tạo thực hiện.
Như vậy, với cách tiếp cận mới, trên cơ sở các yêu cầu tối thiểu mà Bộ GD&ĐT quy định, các cơ sở đào tạo, cộng đồng khoa học sẽ quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường mình, lĩnh vực và ngành của mình.
Khẳng định, Bộ GD&ĐT luôn nghiêm túc lắng nghe một cách đầy đủ, toàn diện ý kiến của cộng đồng khoa học và các chuyên gia; Thứ trưởng nhấn mạnh: Bộ sẽ tiếp tục trao đổi với các nhà khoa học để có một cái nhìn tổng thể hơn, khách quan hơn; Từ đó sẽ nghiên cứu tiếp thu theo một hình thức phù hợp, nhất là những giải pháp, sáng kiến rất hay để triển khai một cách hiệu quả quy chế đã ban hành.
Trên cơ sở tiếp cận tự chủ đại học, kiên định chính sách thúc đẩy đào tạo tiến sĩ gắn với nghiên cứu, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm chất lượng, trong đó có yêu cầu công khai minh bạch; Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu đề xuất những chính sách phù hợp hơn trong tuyển dụng và sử dụng người có trình độ tiến sĩ, nhất là trong các cơ sở giáo dục đại học.
“Chúng tôi tin rằng, sự đóng góp của các nhà khoa học sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng văn hóa chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu ở nước ta” – Thứ trưởng bày tỏ.