Trong bức tường thành vững chắc của những Long lánh đáy nước in trời, Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, hay Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, gần hơn nữa là Gió thổi mùa thu hương cốm mới, ta vẫn nhận ra một Sang thu nhẹ nhàng, e ấp mà không kém phần mới mẻ, độc đáo của một hồn thơ đắm say, nhạy cảm và tinh tế - Hữu Thỉnh.
Trải qua một lớp bụi thời gian khá dài, từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Sang thu đã chứng tỏ giá trị riêng của mình khiến thi phẩm vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian với văn học nghệ thuật.
Trước hết, cái mê đắm hồn người của Sang thu theo tôi đó là sự mới mẻ trong hình ảnh thơ và sự tự nhiên trong cảm xúc thơ. Sang thu, như lời tâm sự của tác giả, là những vần thơ chẳng cần đến giấy bút, nó chợt hiển hiện trong dòng cảm xúc của thi nhân từ vườn ổi. Hình ảnh hương ổi mới mẻ này đã đưa hương đồng gió nội của làng quê đồng bằng Bắc Bộ vào thơ một cách thật dung dị, tự nhiên.
Đâu chỉ mới mẻ trong hình ảnh, hãy xem cái cách mà thi nhân lan tỏa cảm xúc bằng con chữ, cũng rất đỗi tự nhiên. Sau những cảm nhận về tín hiệu thu sang mơ hồ phảng phất, sau những phút giây chăm chú dõi theo bước chân của mùa, sau khi căng hết cả thị giác, thính giác, khứu giác và cả xúc giác để thả hồn theo bước chân mê hoặc của mùa thu, thi sĩ chợt thảng thốt: Hình như thu đã về.
Một cảm xúc được “dẫn dắt” tự nhiên, bởi cái hình như ấy nó cũng có tiền đề từ trước. Nào là hương ổi nồng nàn quấn quyện trong gió, nào làn gió se khe khẽ gọi heo may, rồi kia nữa, nhưng giọt sương chùng chình dùng dằng lưu luyến, giăng mắc díu dan nơi cành cây ngọn lá... Một không gian mê đắm sắc thu! Mà bởi quá yêu chăng, nên thi sĩ còn chưa tin.
Thứ hai, cái hay mà tôi tâm đắc nhất trong bài thơ nhỏ xinh vẻn vẹn 60 chữ này là ở những cử động, chuyển động trong bài thơ. Thực ra cả bài thơ là những chuyển động khẽ khàng tinh vi trong bước chân của mùa. Bài thơ có nhiều từ ngữ miêu tả chuyển động hay, đắt, đầy sức gợi. Trong cái chùng chình, ta chợt liên tưởng tới một sáng mùa thu bảng lảng sương, sương rơi rớt trên cành cây, không gian dịu nhẹ, mềm mại hơi sương.
Nhưng riêng từ chùng chình ấy, cũng gợi một cảm thức mùa. Giọt sương như còn bịn rịn, luyến lưu, chưa muốn chia tay mùa hạ, nó hãy còn ngập ngừng, bối rối trước lời mời gọi của mùa thu. Sông thu của Hữu Thỉnh không tĩnh lặng hoàn toàn mà thong thả lững lờ trôi, điềm nhiên, thâm trầm. Khác với sông, cánh chim trên trời lại vội vã. Chim di cư về phương Nam tránh rét rồi ư? Hay bởi hoàng hôn mùa thu buông xuống nhanh hơn mùa hạ, nên khi lũ chim chợt hốt hoảng nhận ra thì gấp gáp về kịp tổ khi chiều buông?
Nhưng ở đây từ ngữ thể hiện khả năng quan sát những chuyển động hết sức tinh tế của Hữu Thỉnh lại chính ở từ bắt đầu. “Bắt đầu” có nghĩa là mới thay đổi (khác so với trước đó) thôi. Hôm qua có thể cánh chim còn chậm rãi, hôm nay chợt thấy vội vã hơn. Hữu Thỉnh đã nhận ra đổi thay trong sự vận động của cánh chim bằng một con mắt quan sát rất tinh tường và một tâm hồn nhạy cảm về bước đi của thời gian.
Nhưng có một chuyển động ngầm nữa trong bài thơ, đó là sự chuyển động của cảm xúc, của tứ thơ. Cả bài thơ là mạch vận động của một tâm hồn thi sĩ đang nắm bắt từng bước đi uyển chuyển của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa: Từ khi nhận ra thu còn mơ hồ, đến lúc thấy thu rõ rệt hơn, từ khi thu ở khu vườn con ngõ, đến thu của bao la đất trời nơi dòng sông và bầu trời, từ thu trong cảm nhận, đến thu của suy nghĩ, chiêm nghiệm ở khổ cuối cùng. Cả bài thơ, toát lên sự chuyển động từ chính cái nhan đề đầy tính vận động: Sang thu. Cấu trúc bài thơ tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong thơ ca cổ điển, thật khiến ta không khỏi thích thú!
Và cuối cùng, điều làm nên sự thâm trầm sâu sắc cho Sang thu nằm ở thông điệp mà nó gửi gắm. Đến khổ cuối, với nhiều hình ảnh thơ ẩn dụ, ta hiểu bài thơ không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên đất trời lúc sang thu. Và nếu để ý đến phần tác giả chú thích khi bài thơ kết thúc: Thu 1977, cùng lời tâm sự của thi sĩ - một người lính: “Sang thu của tôi là mùa thu của những người vượt qua bão tố chiến tranh”, ta hiểu bài thơ là niềm xúc cảm của người lính được tận hưởng những mùa thu hòa bình đầu tiên của đất nước.
Mọi biến đổi của thiên nhiên đất trời lúc giao mùa đều quen thuộc, gần gũi, nhưng tác giả nhận ra nó trong cả một niềm khám phá bất ngờ thú vị! Phải chăng, mùa thu hòa bình mới cho phép ta có những giây phút bâng khuâng đứng giữa đất trời mà lắng nghe thổn thức tiếng thu? Vẫn là hương ổi, là gió se, là giọt sương, dòng sông, hàng cây, những cảnh quê đơn sơ mộc mạc, nhưng có phải chiến tranh đã tước mất ở người lính sự thụ hưởng bình dị mà ngọt ngào trong hương đồng gió nội ấy, khiến chúng chỉ là kí ức của anh?
Để rồi giữa mùa thu hòa bình hôm nay, anh thảng thốt nhận ra một mùa thu bình dị, đời thường mà bâng khuâng xuyến xao quá. Mùa thu hòa bình thật đẹp, thật quý. Có lẽ, chỉ ai trải qua những cuộc chiến khốc liệt, từ cõi chết trở về, mới đủ cái ngân rung cảm xúc như thế khi đón nhận hòa bình, run rẩy hạnh phúc được sống một đời sống bình thường, được tự do đón nhận và hòa mình vào thiên nhiên, được hưởng cái hạnh phúc đơn sơ, giản dị giữa hương đồng gió nội, giữa quê hương đất nước của mình!