Lớp học “di động”
Hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các nhà trường phổ thông trên địa bàn TPHCM lồng ghép, tích hợp vào hoạt động giảng dạy chính khóa các môn học. Đồng thời thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, trải nghiệm sáng tạo… mang đến cho học sinh nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn.
Ngày 14/7/2022, Trường THPT Trần Nhân Tông (Bình Tân) đã tổ chức chuyến City Tour - một ngày khám phá TPHCM cho học sinh trong trường. Chuyến hành trình không những mang lại trải nghiệm về địa lý, văn hoá cho học sinh mà còn giúp các em cùng nhau ôn lại kiến thức lịch sử.
Học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông tham quan Dinh Độc lập. |
Các em đã được đến tham quan và học tập tại các địa điểm gồm: Dinh Độc lập, đường sách TPHCM, Bưu điện TPHCM, …Tại mỗi địa điểm, học sinh tham quan và sẽ thu thập thông tin kèm hình ảnh tư liệu để hoàn thành bài thu hoạch. Đây là nội dung quan trọng trong mỗi hành trình học tập trải nghiệm của nhà trường trong suốt năm học.
Em Nguyễn Hoàng Thúy An học sinh lớp 10A1 cảm nhận: “Khép lại hành trình khám phá TPHCM, em và các bạn đã thu thập cho mình nhiều kiến thức bổ ích, hiểu rõ hơn về sự phát triển của TPHCM qua từng giai đoạn lịch sử, cũng như tìm hiểu những nét văn hóa nơi mình đang sống. Những hoạt động này cũng giúp các bạn trong lớp đoàn kết hơn, có không gian riêng ngoài nhà trường"
Theo thầy Đinh Đức Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên hiệu quả. Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động ngoại khoá, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.
“Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh. Đặc biệt, hoạt động giáo dục lịch sử qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử luôn được nhà trường đẩy mạnh.
Đến thực tế, được chứng kiến những tư liệu lịch sử sẽ giúp học sinh thích thú và sẽ nhớ rất lâu. Môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp”, thầy Thịnh chia sẻ.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu tham gia chương trình Rung chuông vàng. |
Linh hoạt với từng hoàn cảnh
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3) luôn xác định công tác giáo dục đạo đức, lối sống là tạo một môi trường thân thiện để học sinh trau dồi kiến thức, sống có niềm tin, lý tưởng và trách nhiệm.
Cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, ý thức công dân cho học sinh, từ việc dạy học các môn văn hóa và thông qua các hoạt động tuyên truyền trên Website, Facebook của trường và các hội thi, buổi sinh hoạt tập thể.
Đặc biệt, năm học 2021-2022 vừa qua, trước tác động của đại dịch Covid-19, việc học tập, rèn luyện trực tiếp của học sinh trên địa bàn TPHCM gặp nhiều khó khăn do phải liên tục thay đổi hình thức học tập để thích nghi với “bình thường mới”. Song, với sự linh hoạt, sáng tạo Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đã có nhiều cách làm hay để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Theo đó, trường đã tận dụng Website nội bộ, Facebook để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc kết nối, phối hợp với gia đình, nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh để giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá, ma túy, tệ nạn xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19...Gắn dạy học và các hoạt động khác là cách giáo dục đạo đức lối sống tốt nhất. Chỉ khi các em thấy hấp dẫn trong các hoạt động ở nhà trường sẽ tránh xa tệ nạn xã hội.
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu tổ chức diễn đàn “Kỹ năng Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”. |
“Quá trình học trực tiếp tại trường bên cạnh bài giảng, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu còn được trải nghiệm lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống qua các chuyến đi thực tế “về nguồn” như: Tham quan các bảo tàng trên địa bàn TPHCM, Viếng Đền Hùng, tham quan khu di tích lịch sử… Qua những chuyến đi trải nghiệm đó các em được biết rõ hơn về truyền thống hào hùng của ông cha ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc…”, cô Minh chia sẻ.
Hàng năm, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đều tổ chức diễn đàn “Kỹ năng Xây dựng tình bạn đẹp-Nói không với bạo lực học đường”. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo môi trường để học sinh được rèn luyện, trưởng thành và trau dồi kỹ năng sống; giáo dục cho các em giá trị tốt đẹp trong việc xây dựng tình bạn đẹp, tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường. Từ đó góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.