Thử làm sinh viên trước khi chọn trường

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH khởi động chương trình tư vấn tuyển sinh 2025 bằng các ngày hội, cho học sinh THPT tham quan trực tiếp khuôn viên và cơ sở vật chất.

Học sinh trải nghiệm ngành học tại ngày hội tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp - Ngày Mở lần thứ 18 do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức. Ảnh: V.T
Học sinh trải nghiệm ngành học tại ngày hội tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp - Ngày Mở lần thứ 18 do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức. Ảnh: V.T

Đây là cơ hội để các em hiểu rõ hơn môi trường học tập, đưa ra quyết định chính xác về việc xét tuyển đại học.

Một ngày làm sinh viên

Đầu tháng 1/2025, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức chương trình “One Day As A Ulawer” - một ngày làm sinh viên, thu hút hơn 400 học sinh THPT. Dù phải dậy lúc 4 giờ sáng để di chuyển từ Đồng Nai lên TPHCM tham gia chương trình, Hồng Phượng - học sinh Trường THPT Tri Thức (Đồng Nai), chia sẻ:

“Em đã tìm hiểu và đặt nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Luật TPHCM. Hôm nay, em muốn tìm hiểu thêm về ngành Luật Thương mại quốc tế với mong muốn sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong lĩnh vực pháp lý tại các tập đoàn đa quốc gia hoặc tư vấn giải quyết tranh chấp về hợp đồng thương mại quốc tế”.

Giải đáp thắc mắc của học sinh về cơ hội việc làm và cách chuẩn bị cho công việc tương lai, ông Nguyễn Thành An - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường, cho biết: “Các em cần hiểu rõ bản thân, xác định nhu cầu cá nhân để hoạch định tương lai và chọn ngành học phù hợp. Trong quá trình học, ngoài kiến thức chuyên môn, việc trang bị kỹ năng mềm rất quan trọng”.

Theo ông An, kiến thức chuyên môn chỉ chiếm khoảng 40%, trong khi các kỹ năng mềm (như khả năng thích ứng với môi trường làm việc, làm việc nhóm, tư duy phản biện) cùng kỹ năng tin học và ngoại ngữ, quyết định đến 60% thành công trong việc tìm kiếm việc làm. Xây dựng thương hiệu cá nhân cũng là yếu tố quan trọng giúp các em tiếp cận cơ hội nghề nghiệp như mong muốn.

Chương trình trải nghiệm một ngày làm sinh viên không chỉ giúp Hồng Phượng và các bạn tìm hiểu về ngành học yêu thích mà còn định hướng phát triển kỹ năng toàn diện, sẵn sàng bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh.

PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết: Đây là hoạt động thường niên của trường, tạo điều kiện cho học sinh THPT trực tiếp trải nghiệm môi trường học tập tại trường. Dự kiến, nhà trường mở rộng quy mô đào tạo, tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 4.000 sinh viên và mở thêm ngành học mới như Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng.

Mới đây, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) tổ chức chương trình ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp - Ngày Mở lần thứ 18, thu hút hơn 10.000 học sinh từ khoảng 150 trường THPT trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận. Các hoạt động tại ngày hội bao gồm tư vấn nghề nghiệp, thông tin tuyển sinh và trải nghiệm môi trường học tập. Ngoài hoạt động thông tin, học sinh còn tham gia cuộc thi “Robot cứu hỏa điều khiển từ xa”, nhằm phát huy khả năng sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) cũng vừa đón tiếp gần 500 học sinh đến từ các trường THPT Lạc Long Quân, THPT An Thới (Bến Tre) và THPT Vàm Đình (Cà Mau). Các em có cơ hội giao lưu, tham quan cơ sở vật chất và gặp gỡ các chuyên gia các khoa: Sinh học, Môi trường, Công nghệ Hóa học và Viện Quốc tế HUIT. Đây là dịp để học sinh hiểu rõ hơn về môi trường đại học và cơ hội nghề nghiệp sau này.

thu-lam-sinh-vien-truoc-khi-chon-truong-2.jpg
Học sinh THPT được trực tiếp tìm hiểu về trường, môi trường học tập tại chương trình “One Day As A Ulawer”, Trường Đại học Luật TPHCM. Ảnh: T.A

Trải nghiệm thực tế cho lựa chọn nghề nghiệp

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, học sinh THPT tham quan và tìm hiểu cơ sở vật chất các trường đại học trước khi chọn ngành nghề mang lại nhiều lợi ích quan trọng.

Đầu tiên, học sinh và phụ huynh có thể tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm, khu ký túc xá, thư viện… Điều này giúp các em đánh giá thực tế hơn thay vì chỉ dựa vào hình ảnh hoặc thông tin trên mạng xã hội, mà đôi khi có thể không chính xác. “Mục sở thị” giúp học sinh và phụ huynh cảm thấy an tâm hơn về môi trường học tập của trường đại học.

Phụ huynh có thể yên tâm khi thấy cơ sở vật chất hiện đại, môi trường học tập khang trang. Học sinh cũng được trải nghiệm không khí học tập, đặc biệt là văn hóa của trường, đồng thời nhận tư vấn trực tiếp từ giảng viên và sinh viên, từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành nghề mình sẽ chọn.

“Quan trọng nhất, những chuyến tham quan này còn tạo cơ hội để học sinh và phụ huynh tương tác trực tiếp với giảng viên, sinh viên của trường, từ đó tạo mối liên kết gần gũi và sự gắn bó trong tương lai, thậm chí học sinh có thể hỏi thêm về việc học, sinh hoạt hay vui chơi giải trí ở bậc đại học”, ông Sơn cho biết.

Theo đó, các trường đại học có thể tạo ấn tượng bằng cách chia sẻ câu chuyện thành công từ cựu sinh viên, tổ chức các buổi giao lưu với sinh viên đang học, giúp phụ huynh và học sinh cảm nhận sự chân thật, thân thiện của nhà trường. Đồng thời, trường còn tổ chức các buổi hướng nghiệp chi tiết theo từng ngành, giúp học sinh hiểu rõ hơn về cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, từ đó tạo động lực để các em quyết định chọn trường.

Với góc nhìn một phụ huynh, bà Trần Thị Hà An (Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi tin rằng qua trải nghiệm thực tế này, con sẽ tự tin và hiểu rõ hơn về ngành học mình lựa chọn, cũng như cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Việc con được tham quan, tìm hiểu trước không chỉ giúp giảm bớt lo lắng, mà còn khiến tôi yên tâm hơn về sự chuẩn bị chu đáo của con cho một chặng đường mới”.

“Là học sinh lớp 12, em thấy được tham quan các trường đại học trước khi chọn ngành nghề thực sự hữu ích. Đến trực tiếp các trường, em không chỉ nhìn thấy cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm mà còn có cơ hội nghe thầy cô chia sẻ về chương trình học, cách thức đào tạo và những yêu cầu cụ thể từng ngành nghề”, Nguyễn Ngọc Huy (học sinh THPT tại quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.