Tư vấn, hướng nghiệp: Trò chủ động - trường đồng hành

GD&TĐ - Các trường THPT ở Nghệ An ngày càng đổi mới trong công tác tư vấn, hướng nghiệp để giúp học sinh lựa chọn phù hợp với đam mê, năng lực và điều kiện...

Nhiều học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã chủ động lựa chọn nghề nghiệp từ sớm. Ảnh: Ngọc Sơn
Nhiều học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã chủ động lựa chọn nghề nghiệp từ sớm. Ảnh: Ngọc Sơn

Sự phát triển đa dạng lĩnh vực kinh tế - xã hội và ra đời các ngành nghề mới cũng đem đến nhiều cơ hội cho học sinh. Song điều này cũng đặt ra thách thức cho giáo viên, nhà trường trong nắm bắt xu thế, tư vấn sớm và đúng đắn để học sinh không chệch hướng.

Học sinh chủ động chọn nghề

Chỉ mới học lớp 11, nhưng Nguyễn Thị Linh Chi - Trường THPT Nghi Lộc 4 (huyện Nghi Lộc) đã xác định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi xuất khẩu lao động. Nói về quyết định của mình, nữ sinh chia sẻ, làng quê em có nhiều người lao động ở nước ngoài nên khi hết lớp 12 em sẽ theo người quen sang đó học nghề, làm việc.

“Em dự định đi xuất khẩu lao động ở châu Âu - nơi có nhiều người chuộng làm nail nên em học nghề trước ở nhà. Nếu có tay nghề cơ bản, khi sang xuất khẩu lao động mình sẽ học việc nhanh hơn, sớm được đi làm hơn”, Linh Chi nói.

Không chỉ riêng Linh Chi, nhiều bạn trong lớp em cũng có ý định học nghề, vì vậy, mục tiêu của các em là tốt nghiệp THPT. Linh Chi chia sẻ: “Hiện nay việc làm hồ sơ đi du học nước ngoài, hay xuất khẩu lao động không dễ dàng. Em và các bạn trong lớp đều cố gắng học tập đều các môn. Có học bạ ‘đẹp’ sẽ là lợi thế để được các trường nghề nước ngoài tuyển sinh”.

Trong khi đó, Trần Khánh Duy - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nghi Lộc 4 cho biết, mình đã hoàn thành phỏng vấn một trường nghề tại Úc và đang chờ visa. Trong thời gian này, em đang tranh thủ học thêm tiếng Anh để không quá bỡ ngỡ và sớm bắt nhịp với môi trường mới.

Cô Nguyễn Thị Hồng có gần 20 năm làm công tác chủ nhiệm tại Trường THPT Nghi Lộc 4 cho biết: “Học sinh hiện nay rất năng động, cá tính và chủ động trong lựa chọn con đường sau tốt nghiệp THPT. Bên cạnh những nghề truyền thống, nhiều học sinh của tôi có lựa chọn mới như nghề làm đẹp, thời trang, làm Youtube, ứng dụng công nghệ…”.

Thực tế nhiều học sinh đã tự kiếm được tiền từ khi còn đang đi học bằng thế mạnh của mình: Chỉnh sửa ảnh cho các bạn; thiết kế logo; lấy lại mật khẩu tài khoản mail hoặc tài khoản mạng xã hội cá nhân bị mất… Tuy nhiên, sự bùng nổ thông tin và nhiều nghề mới lạ cũng là thách thức của công tác hướng nghiệp, khi giáo viên khó nắm bắt hết xu hướng cũng như con đường học sinh chọn để kịp thời tư vấn.

“Có những em đã bị chệch hướng dù ban đầu xuất phát rất thuận lợi. Như trường hợp một học sinh kiếm tiền bằng cách chơi game nhưng sau đó do nhận thức chưa đầy đủ mà sa vào cá độ online trái phép. Là giáo viên, tôi cố gắng khích lệ các em đi theo đam mê, sở thích, năng lực bản thân và điều kiện thực tế gia đình. Nhưng làm việc gì cũng phải xuất phát từ chuyên môn, kiến thức và đúng quy định mới được lâu dài”, cô Hồng cho biết.

Giờ học của cô Nguyễn Thị Hồng và học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4.

Giờ học của cô Nguyễn Thị Hồng và học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4.

Định hướng song hành hỗ trợ

Theo khảo sát của Trường THPT Nghi Lộc 4, những năm gần đây, mỗi khóa học sinh lớp 12 tốt nghiệp chỉ có 40% đăng ký xét tuyển đại học trong nước. Số còn lại học nghề, xuất khẩu lao động và du học. Chính vì vậy, việc tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng được nhà trường triển khai sớm với nhiều điểm khác biệt. Ngay từ năm lớp 10, trong chương trình hướng nghiệp, chủ đề đầu tiên nhà trường chọn cho học sinh là: Em thích nghề gì? Qua đó cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn đúng ngành, đúng nghề cho học sinh.

Cô Võ Thị Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 cho hay, nhà trường chủ động kế hoạch dạy học phù hợp, phát triển năng lực toàn diện. Với học sinh có định hướng học nghề, đi du học hoặc xuất khẩu lao động cần trang bị kiến thức đều các môn, để có kết quả học bạ và tốt nghiệp THPT như mục tiêu. Còn với những em xét tuyển đại học cũng được tăng cường ôn tập, không bị động nếu các em cùng lúc chọn 2 kỳ thi đó là kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi riêng của các trường đại học.

Cao An Thanh - lớp 12A3 Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội cuối tháng 4 vừa qua. Nữ sinh này theo khối A, nhưng bài thi đánh giá năng lực lại yêu cầu kiến thức tổng hợp. Vì vậy, em phải học thêm 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

“Dù mới học thêm 3 môn vào năm lớp 12 nhưng em thấy mình vẫn theo kịp, do mức độ đề ra các năm trước đó đối với các môn xã hội không quá khó. Em cũng được các thầy cô ở trường giúp đỡ trong quá trình ôn tập, dù việc ôn thi đánh giá năng lực chưa có ở trường”, An Thanh nói.

An Thanh chia sẻ mục tiêu của mình là xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, nhưng em thuộc khóa học sinh cuối cùng của Chương trình GDPT 2016, vì vậy không tránh khỏi lo lắng, áp lực. “Sau kỳ thi đánh giá năng lực, em sẽ tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và sử dụng cả 2 phương thức xét tuyển vào đại học, tăng cơ hội trúng tuyển cho mình”, nữ sinh Trường THPT Thái Lão nói.

Mới đây, Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh) tham gia tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp từ Trung học phổ thông”. Nhiều học sinh bày tỏ băn khoăn làm thế nào để biết mình chọn đúng nghề. Thầy Hoàng Minh Lương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trước hết, các em cần biết mình thích gì, đam mê gì và định hướng ngành nghề lựa chọn. Đồng thời học tập, tích lũy kiến thức để xác định được năng lực của mình ở đây.

Việc chọn nghề còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như truyền thống gia đình, điều kiện bản thân, kinh tế xã hội địa phương… Trên cơ sở các tiêu chí đó, để các em đưa ra lựa chọn phù hợp, cân bằng và khả thi trên các tiêu chí sở thích, năng lực, điều kiện thực tế.

Về phía nhà trường từ khi học sinh bước vào lớp 10 đã có khảo sát kết quả học tập THCS và định hướng, phân lớp theo đăng ký nguyện vọng của các em. Quá trình học tập tại trường, bên cạnh trang bị kiến thức, các em sẽ được tham gia nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng, tư vấn và định hướng nghề nghiệp. Qua đó nhà trường, thầy cô đồng hành giúp các em có nhận thức đúng đắn về tương lai của mình.

Cô Võ Thị Thanh Tâm cho biết, học ngành nghề gì và làm thế nào để đạt được mục tiêu của mình cũng là câu hỏi thường gặp của học sinh, nhất là khối 12. Đặc biệt, năm nay là khóa học sinh cuối cùng của Chương trình GDPT 2006 dự thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường đại học cũng có thay đổi, điều chỉnh trong phương án tuyển sinh, chỉ tiêu đối với các hình thức xét tuyển. Điều này khiến không ít học sinh bối rối cần sự định hướng, hỗ trợ của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.