Thủ khoa tốt nghiệp chia sẻ kinh nghiệm học và thi môn Lịch sử

GD&TĐ - Là thủ khoa tốt nghiệp của Học viện báo chí và tuyên truyền  - Vũ Thị Hạnh - Khoa Lịch Sử - chia sẻ những kinh nghiệm để học và làm bài thi đạt hiệu quả cho môn học này.

Thủ khoa tốt nghiệp chia sẻ kinh nghiệm học và thi môn Lịch sử

Cần hiểu đúng vai trò môn Sử

Học và nắm chắc lịch sử là một việc vô cùng quan trọng, đặc biệt là với một nước mà lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước như Việt Nam thì việc học tốt môn Lịch sử là một yêu cầu cần thiết.

Lịch sử là một môn học xã hội nó được hiểu đơn giản là các sự kiện diễn ra theo trình tự thời gian.

Nó sẽ giúp học sinh hiểu biết về quá khứ, cội nguồn của dân tộc, giáo dục cho học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.

Đặc biệt là trong giai đoạn nước ta đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu không nắm chắc lịch sử đất nước, không hiểu rõ cội nguồn thì chúng ta dễ bị đánh mất mình và hòa tan trong quá trình hòa nhập.

Bồi đắp tình yêu môn Sử mỗi ngày

Để học tốt môn Lịch sử thì mỗi học sinh, sinh viên cần phải có một tình yêu và đam mê học Sử.

Lịch sử là một môn học xã hội đòi hỏi nhớ lâu chứ nó không như các môn học tự nhiên nên mỗi người học cần phải chăm chỉ, cần cù bởi để học tốt Lịch sử là một quá trình.

Cùng một ngày có rất nhiều sự kiện xảy ra nên cần có sự ghi chép tỉ mỉ, chính xác. Cần có thái độ tôn trọng sự thật, ham học hỏi.

Mặt khác người học nên sưu tầm và đọc nhiều sách, truyện về lịch sử để không chỉ hiểu mà mà còn bồi đắp tình yêu với môn học tưởng như là khó này.

Đối với mỗi một sự kiện lịch sử diễn ra yêu cầu người học không chỉ nhớ nội dung sự kiện ấy diễn ra như thế nào mà cần phải hiểu bản chất, đánh giá được sự kiện đó mà từ đó có thể so sánh nó với các sự kiện tương đồng đã diễn ra trước hoặc sự kiện diễn ra sau nó.

Để làm bài thi Sử đạt hiệu quả cao

Bài thi môn Lịch sử để đạt điểm cao cũng nên trình bày theo 3 phần mở bài, thân bài kết bài như một bài văn, trong bài viết sử cần trình bày quan điểm của người học về nội dung vấn đề được nêu ra.

Như thế bài thi có logic và sức thuyết phục cao, người đọc không cảm thấy khô khan và nghĩ đơn giản như đang đọc sách sử mà nó phải có chất văn trong đó.

Nếu trong bài thi mà không nhớ chính xác đầy đủ ngày, tháng năm sự kiện diễn ra thì có thể chỉ nói tháng, năm; nếu quên cả tháng diễn ra sự kiện thì có thể ghi chung là khoảng đầu năm, giữa năm hay cuối năm.

Đồng thời nên có một cuốn sổ tay lịch sử ghi chép lại các sự kiện quan trọng qua các giai đoạn.

Cần ghi chép ngắn gọn, tóm tắt về sự kiện diễn ra, mỗi lần ghi lại cũng là thêm một lần ghi nhớ. Và khi nhìn vào dấu mốc trong sổ có thể nhớ lại ngay.

Ngoài ra, để rèn luyện trí nhớ giúp học tốt Sử thì mỗi ngày nên tìm hiểu và hình dung lại xem ngày này, tháng này của những năm trước đã diễn ra sự kiện gì.

Học Sử hiện nay không đòi hỏi người học phải nắm kiến thức nhiều mà nó đang đổi mới theo hướng để người học có những sáng tạo khi viết về vấn đề, sự kiện ấy. Cũng giống như là học đến đâu phải hiểu sâu đến đó.

Điều đó đòi hỏi người học không phải cứ nắm chắc các sự kiện lịch sử theo cách học tủ, học vẹt là được mà mà cần phải tìm hiểu cả các kiến thức xã hội để bài viết Sử sinh động và có sức hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, việc theo dõi một số chương trình, cuộc thi tìm hiểu về Lịch sử trên tivi cũng là một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Lịch sử.

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều chương trình tuyên truyền về Lịch sử dân tộc, hay những ngày lễ kỉ niệm quan trọng, cũng cần tìm hiểu kĩ xem những ngày lễ đó có nguồn gốc cụ thể và diễn biến như thế nào.

Một điều quan trọng là bản thân mỗi người luôn tâm niệm không có môn học nào là khó mà cái chính là ở bản thân mỗi người học đã học nó với thái độ như thế nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ