Thủ khoa khối C chia sẻ bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Nhằm hỗ trợ các bạn học sinh ôn tập hiệu quả, 2 nữ thủ khoa năm 2022 chia sẻ bí quyết đạt điểm cao bài thi Khoa học xã hội.

Thủ khoa khối C chia sẻ bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT

Học lịch sử bằng cách tư duy hình ảnh

Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Thân Thị Thảo Ngân - học sinh trường THPT Chu Văn An trở thành thủ khoa khối C tỉnh Đắc Lắk với tổng 28,5 điểm. Điểm thi từng môn lần lượt: Ngữ văn 9,25 điểm; Lịch sử: 9,75 điểm; Địa lý: 9,5 điểm. Hiện nay, Thảo Ngân đang là sinh viên trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh.

Với thành tích đạt được, Thảo Ngân cho biết trước mỗi kì thi em luôn chuẩn bị tâm thế thoải mái, coi kỳ thi như một mục tiêu không phải đích đến. Nhờ đó, em không bị áp lực về điểm số, tự tin trong mọi kì thi.

Bật mí về bí quyết “vàng” trong ôn thi, Thảo Ngân chia sẻ, ôn thi vốn là hành trình “mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày em đều ôn lại kiến thức đã học trên lớp sau đó dành thời gian ôn tập tổng hợp để khắc sâu kiến thức. Khi có nền tảng kiến thức chắc, bước vào quá trình luyện đề đạt hiệu quả cao.

Thân Thị Thảo Ngân - học sinh trường THPT Chu Văn An

Thân Thị Thảo Ngân - học sinh trường THPT Chu Văn An

Với môn Ngữ Văn, Thảo Ngân cho biết ngoài nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, em đọc thêm nhiều sách để có thể liên hệ tác phẩm này với tác phẩm khác, giúp bài viết văn thêm phần phong phú. Đặc biệt, ghi nhớ những nhận định, câu danh ngôn đưa vào bài để tạo những “điểm sáng”.

Còn với môn Lịch sử, môn mà nhiều bạn học sinh cảm thấy “khô khan” và “sợ hãi”, nữ thủ khoa cho biết, có thể chuyển hóa nỗi sợ hãi thành niềm say mê bằng cách tư duy hình ảnh để so sánh sự kiện của mốc thời gian này với những sự kiện khác cùng thời điểm để có sự liên kết. Đồng thời, ghi những cột mốc lịch sử đáng nhớ ra giấy. Qua đó, giúp việc học sử dễ nhớ và không bị nhàm chán.

Riêng môn Địa lý, bí quyết của Ngân là sau mỗi bài học ở trường sẽ tìm cách liên hệ xem nội dung bài học và Atlat có mối quan hệ như thế nào để vừa rèn kỹ năng sử dụng Atlat vừa tối giản được lượng kiến thức cần nhớ. Thảo Ngân nhấn mạnh, việc sử dụng thành thạo Atlat rất quan trọng, nhờ đó em cảm thấy rất tự tin khi làm đề hay cả khi “thực chiến” phòng thi.

Luyện đề để củng cố kiến thức

Trương Quỳnh Diễm Thuận – học sinh trường THPT Nguyễn Diêu là thí sinh có tổng điểm khối C cao nhất tỉnh Bình Định trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (môn Ngữ Văn 9,5; Địa lý 9; Lịch sử 9,75). Hiện nay, Diễm Thuận đang là sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

Bắt đầu có niềm đam mê với môn Văn từ khi còn là học sinh tiểu học, Diễm Thuận cho biết, học văn quan trọng nhất là khơi gợi được cảm xúc khi làm bài. Ngoài ra, nên đọc và học thêm kiến thức trên mạng xã hội. Đặc biệt, nhằm ghi nhớ kiến thức tốt có thể tự giảng bài cho bản thân hoặc bạn học khác.

Trương Quỳnh Diễm Thuận – học sinh trường THPT Nguyễn Diêu.
Trương Quỳnh Diễm Thuận – học sinh trường THPT Nguyễn Diêu.

Để học tập và làm tốt bài thi tổ hợp xã hội, Diễm Thuận chia sẻ cần học chắc kiến thức sách giáo khoa sau đó luyện đề. Việc luyện đề vừa củng cố vừa mở rộng được kiến thức, tránh trường hợp lúng túng khi làm bài thi.

Ngoài ra, nữ sinh cũng gợi ý thêm một số cách sắp xếp thời gian học tập hiệu quả. Trong ngày, Diễm Thuận lập bảng kế hoạch những việc làm cần thiết và tùy vào tình huống cụ thể mà thay đổi linh hoạt. Khi thời gian học ở trường kết thúc, bước vào giai đoạn tự ôn luyện, em lựa chọn các khung giờ “vàng” để học như 4h đến 6h sáng học lý thuyết. Từ 7h30 đến 10h sáng nghiên cứu, ôn luyện các môn xã hội. Buổi chiều, từ 14h đến 17h ôn thi các môn tự nhiên, ngoại ngữ. Buổi tối, dành thời gian luyện đề và nghỉ ngơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.