Bước sang giai đoạn 2 của việc ôn tập, chuẩn bị cho học sinh khối 12 thi tốt nghiệp THPT, các trường THPT tại Quảng Trị triển khai ôn tập đại trà các môn, đồng thời kết hợp dạy chương trình chính khóa để sắp kết thúc chương trình theo kế hoạch.
Xây dựng “đôi bạn học tập” để giúp đỡ nhau
Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) có 80% học sinh là con em đồng bào dân tộc. Năm học 2022-2023, nhà trường có khoảng 110 học sinh khối 12.
Để duy trì chất lượng, đảm bảo kiến thức cho học sinh tham dự kỳ thi sắp tới, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai việc ôn tập cho học sinh từ rất sớm.
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng cho biết: Từ sau Tết, nhà trường triển khai ôn tập giai đoạn 2 với tất cả các môn. Học sinh của trường đa số chọn tổ hợp xã hội nên các thầy, cô giáo tổ chức ôn tập 6 môn. Đối với những môn còn lại, trong quá trình dạy, thầy cô giáo sẽ củng cố kiến thức cho học sinh. Từ đây đến giữa tháng 6, mỗi môn sẽ có thời gian ôn tập khoảng 30 tiết.
Cùng với việc ôn tập, trường đang tập trung dạy chương trình chính khóa. Dự kiến, khoảng một tháng nữa sẽ kiểm tra cuối kỳ và kết thúc chương trình lớp 12.
Bước sang tháng 5 sẽ là giai đoạn cao điểm ôn tập, đến giữa tháng 6 mới kết thúc.
"Ngay từ đầu năm, bám sát chủ đề năm học, nhà trường cố gắng nâng cao chất lượng dạy học. Chú trọng ôn tập từ sớm để củng cố kiến thức cho học sinh. Những đối tượng học sinh yếu, trung bình, nhà trường chỉ đạo thầy, cô ôn tập theo đối tượng, bổ túc kiến thức cho các em.
Quá trình ôn tập, dù không chia nhỏ nhiều lớp vì liên quan đến tiết học chính khóa, nhưng nhà trường chỉ đạo trong kế hoạch ôn tập của thầy cô lấy đối tượng trung bình làm trung tâm để ôn tập các em và tập trung đối tượng yếu kém. Phân nhóm trong từng tiết dạy, bố trí chỗ ngồi, giao bài tập hợp lý. Bên cạnh đó, giáo án do thầy cô xây dựng cũng thể hiện sự phân loại học sinh. Ngoài ra, tại các lớp cũng định hướng em có lực học khá, giỏi kèm thêm em yếu, tổ chức học nhóm, hoặc xây dựng đôi bạn cùng tiến", thầy Nguyễn Hữu Thịnh cho hay.
Thấu hiểu sự khó khăn của học trò miền núi, nhà trường luôn quan tâm hỗ trợ cho các em, giúp học sinh yên tâm bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Hàng năm nhà trường kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ máy tính để cho học sinh khối 12 mượn, hoặc tặng At-lát Địa lý cho học sinh.
"Với tinh thần trách nhiệm của thầy cô, sự cố gắng nỗ lực của thầy và trò, tin rằng chất lượng sẽ được nâng lên", thầy Thịnh bày tỏ.
Ôn tập bám sát kiến thức cơ bản
Để học sinh nắm vững kiến thức, Trường THPT Chế Lan Viên (huyện Cam Lộ) chú trọng củng cố cho học sinh nắm bắt kiến thức cơ bản, bám sát kiến thức theo chương trình giảng dạy. Quá trình ôn tập có thể giới thiệu các dạng mẫu của đề thi năm trước, ôn tập theo các dạng mẫu của đề thi, theo cấu trúc từng bộ môn.
Cô Phạm Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường THPT Chế Lan Viên cho biết, khi học sinh đã nắm được nền tảng kiến thức cơ bản thì thầy, cô giáo mới chuyển sang luyện tập các kỹ năng cho học sinh. Có nhiều kỹ năng cơ bản, như kỹ năng tìm hiểu đề, xử lý đề, giải các đề thi. Gần đến kỳ thi mới tập trung giải các bộ đề thi cơ bản.
Theo cô Phạm Thị Ánh Tuyết, năm nay Trường THPT Chế Lan Viên có khoảng 370 học sinh khối 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Vào đầu kỳ 2, dựa vào kết quả học tập của học sinh trong học kỳ 1, nhà trường yêu cầu các lớp tìm hiểu, rà soát lại chất lượng, từ đó tìm nguyên nhân để cùng nhau xây dựng giải pháp học tập hiệu quả. Theo đó, mỗi lớp có thể xây dựng đôi bạn cùng học tập, lớp xây dựng tổ nhóm học tập để hỗ trợ nhau. Sau đó, các lớp trao đổi, đối thoại với Hiệu trưởng và Ban giám hiệu, tổ chuyên môn để cùng tìm giải pháp, cùng nhau định hướng nhằm nâng cao chất lượng”, cô Tuyết nhấn mạnh.
Cùng với việc xây dựng tổ nhóm học tập, giáo viên các lớp rà soát các học sinh có nguy cơ để phụ đạo thêm cho các em, dựa vào tình hình học tập của mỗi lớp.
Nhờ sự chủ động, linh hoạt trong dạy học và quá trình ôn tập nên những năm qua, hơn 90% học sinh của trường đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.