Nhà trường đồng hành hỗ trợ để giảm áp lực ôn thi cuối cấp

GD&TĐ - Để HS học, ôn thi chuyển cấp hiệu quả, đầu năm học Trường PTDTBT TH&THCS Liên Hội đã kiểm tra, đánh giá nhằm nắm được học lực của học trò.

Một giờ học của Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội. Ảnh NTCC.
Một giờ học của Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội. Ảnh NTCC.

Rà soát chất lượng

Theo chia sẻ của thầy Triệu Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn): “Ngay từ đầu năm học nhà trường đã chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch học, ôn tập theo từng giai đoạn cho học sinh cuối cấp. Đặc biệt, chúng tôi rà soát chất lượng, năng lực của học sinh qua kết quả các môn năm học 2021-2022 để từ đó xây dựng kế hoạch học tập cho học trò sát với khả năng".

Bên cạnh đó, nhà trường còn yêu cầu giáo viên tổ chức dạy, ôn tập theo các chuyên đề, được lồng ghép vào chương trình kế hoạch giáo dục môn học, thực hiện đan xen vào các buổi sáng hoặc buổi chiều.

“Trong quá trình thực hiện đến mỗi giai đoạn, giáo viên sẽ có bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Thầy cô sẽ sưu tầm, xây dựng nguồn tài liệu, bộ đề để ôn luyện cho học sinh, giúp các em rèn kỹ năng làm bài thi, cân đối thời gian hợp lý trong quá trình làm bài để tránh áp lực khi vào thực tế”, thầy Hưng cho biết.

Song song với việc giảng dạy, nhà trường còn cho tận dụng phòng tin học có kết nối Internet để học sinh, giáo viên sử dụng phòng tin học tìm kiếm tài liệu, tạo điều kiện cho các em học tập và tham khảo thêm các nguồn tài liệu trong phòng Tin của nhà trường. Trong quá trình này, giáo viên hỗ trợ và định hướng các cho học truy cập các trang web học phù hợp.

Thầy và trò Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội. Ảnh NTCC.

Thầy và trò Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội. Ảnh NTCC.

Thầy Hưng cho biết thêm: “Ban giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu giáo viên sau mỗi chuyên đề ôn luyện sẽ tổ chức kiểm tra nhằm đánh giá kết quả thực hiện của học sinh. Từ đó, đánh giá được khả năng từng học sinh, những điểm tồn tại của học sinh để điều chỉnh kế hoạch, chương trình.

Tổ chuyên môn coi đây là nội dung sinh hoạt chuyên môn trọng tâm, kết hợp với việc tổ chức các chuyên đề ôn thi vào 10 tại đơn vị và các trường trong cụm chuyên môn, liên trường..."

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu cũng tăng cường công tác kiểm tra giáo án, dự giờ giáo viên, chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch và tổ chức thi thử cho các em học sinh. Lấy kết quả các đợt kiểm tra thường xuyên, định kỳ để so sánh, đối chiếu với kế hoạch, với phổ điểm và yêu cầu cần đạt của từng dạng đề.

Chia giai đoạn ôn tập để giảm áp lực

Với đặc thù là học sinh người DTTS, điều kiện đi học thêm cũng bị hạn chế, do đó các phần nào đó cũng khá áp lực trong ôn thi cuối cấp, do đó Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội hàng năm, đã đều chia ra ba giai đoạn để hướng dẫn học sinh học, ôn tập.

Giai đoạn 1: Ôn tập lồng ghép theo kế hoạch chương trình giáo dục môn học (hết 30/4);

Giai đoạn 2: Ôn độc lập các tiết còn lại theo KHGD (tháng 5).

Giai đoạn 3: Ôn theo nhu cầu, nguyện vọng và khả năng học tập của học sinh (tháng 5, 6).

Trong ba giai đoạn chúng tôi đều chú trọng vào xây dựng phân phối chương trình chi tiết, điều chỉnh bổ sung (nếu có) để giảm áp lực cho học sinh”, thầy Hưng nói và chia sẻ thêm, nhà trường cũng tuyên truyền cho phụ huynh hiểu, đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho học sinh cuối cấp trong quá trình học tập ở nhà. Lúc này, phụ huynh có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ giảm áp lực thi cử cho học sinh, đồng thời sự đồng hành của phụ huynh sẽ tạo cho học sinh vững tin, nỗ lực để đạt được mục tiêu mà bản thân đề ra.

Bà Hoàng Thị Thu Nhiên – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds.

Bà Hoàng Thị Thu Nhiên – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds.

Đồng quan điểm với thầy Hưng, bà Hoàng Thị Thu Nhiên – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds: “Ôn thi cuối cấp rất áp lực, do vậy rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của bố mẹ. Phụ huynh là người hơn ai hết hiểu về năng lực của con đến và đưa ra những định hướng cụ thể cho con cái. Nếu nhìn thấy năng lực của con nhiều hơn những gì con nghĩ thì điều đó có nghĩa mình cần khơi dậy năng lực sẵn có của con để phát huy hết khả năng đó".

Bà Nhiên cũng cho biết thêm, phụ huynh hãy lắng nghe, hỏi han con có đang gặp khó khăn gì trong quá trình ôn tập. Cha mẹ hãy cùng con tháo tháo gỡ từng phần và qua đó hướng cho con nhận biết mục tiêu của cá nhân con muốn và cần làm những gì, con cần sắp xếp ra sao chứ không phải bố mẹ muốn để các bạn tự nhận thức, đang lo điều gì…và những gì đang tạo ra áp lực cho chúng".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ