Làm thế nào để giai đoạn luyện đề hiệu quả, không bị mất điểm và giữ được phong độ tốt đến khi kết thúc kỳ thi. Dưới đây là số bí quyết nhỏ mà nữ sinh Võ Kim Anh thủ khoa khối B 30 điểm tuyệt đối hiện đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Y Hà Nộiđã đúc rút được:
Bình tĩnh, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và học tập hiệu quả
Mỗi khi ngồi học hãy tắt các thiết bị điện tử bởi nó là một trong những tác nhân gây cho bạn xao nhãng, không tập trung. Lúc này thời gian là “vàng” cho việc ôn tập, các bạn cần biết tiết kiệm.
Không quan trọng bạn học được bao nhiêu giờ mà hãy đảm bảo chất lượng mỗi giờ học. Ôn lại một lượt các kiến thức cơ bản, rà soát lỗ hổng, nếu không ổn phần nào thì bổ sung ngay. Đừng quá phụ thuộc vào các thuật toán tính nhanh khi chưa chắc kiến thức, tuy nhiên nếu đã chắc kiến thức hãy tham khảo.
Một điều đáng chú ý nữa lúc này là điều chỉnh lại đồng hồ sinh học. Nếu không tập dần thói quen ngủ sớm có thể đến lúc gần thi bạn sẽ trằn trọc khó ngủ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng kỳ thi, đây cũng là bài học đắt giá của mình trong rất nhiều kỳ thi.
Luyện đề cũng cần đảm bảo chất lượng, cố gắng ghi chép những câu sai, ôn lại kiến thức ở những phần sai. Từ đó, bạn sẽ học được rất nhiều từ những lần sai đó, đừng quá nản lòng khi sai nhiều.
Không làm đề một cách sáo rỗng
Giai đoạn này luyện đề đúng cách cũng rất quan trọng. Một số kinh nghiệm mình rút được trong giai đoạn “cày đề” là: Không làm đề một cách sáo rỗng. Nhiều người nghĩ rằng làm càng nhiều đề càng tốt, chỉ cần làm và xem đáp án là xong nhưng như thế sẽ dẫn đến tình trạng như học vẹt. Vốn dĩ dù có hiểu bài, bộ não cũng cần thời gian để “luyện tập”.
Vì vậy, trong lúc luyện đề hãy cố gắng làm lại ít nhất hai lần với những bài mà mình còn vướng mắc.
Ghi chép những câu sai ngay cả những lỗi sai nhỏ nhất
Đừng chỉ làm đề và tính điểm mà không xem đáp án chi tiết như vậy việc luyện đề sẽ trở nên vô ích. Hãy chuẩn bị một quyển vở để ghi chép những lỗi sai và cách giải sau đó có thể xem lại lúc nào rảnh.
Các sĩ tử không nên quá lo lắng về việc gần thi nhưng vẫn thường xuyên sai những lỗi nhỏ nhặt đó chính là cơ hội để mình khắc phục và sửa chữa.
Phân chia thời gian hợp lý khi giải đề, khi làm hãy bấm thời gian, tạo áp lực phòng thi để xem mình đã bố thời gian hợp lý khi làm bài chưa. Không quá sa vào những câu khó mà bỏ lỡ thời gian những câu dễ phía sau, bởi dù khó hay dễ thì cũng bằng điểm nhau thôi, nên chia thời gian làm đề theo cấp độ.
Trong quá trình làm đề, cố gắng đọc kĩ đề, không chủ quan, bất cẩn dẫn đến đọc thiếu đề.
Làm sao để không đánh rơi điểm?
Đó là câu hỏi khá nhiều bạn quan tâm, với kinh nghiệm của mình,trong phòng thi hãy rà soát thật kỹ những lỗi sai nhỏ nhặt mà mình đã từng mắc khi luyện đề; chuẩn bị cho mình chiếc bút chì dễ dàng tô đậm nhưng cũng dễ tẩy sạch, tránh lỗi trong quá trình chấm máy.
Ghi chép những dạng khó, cố gắng hiểu sâu, luyện tập nhiều lần và tìm kiếm những bài tập tương tự.
Thời điểm này các bạn rất áp lực, đôi lúc sẽ mất định hướng trong việc học. Để tránh tình trạng này, trước đây mình suy nghĩ sẽ cố gắng hết sức, không quá áp lực vào nguyện vọng 1. Đồng thời, một yếu tố khá quan trọng lúc này là sự động viên của bố mẹ, thầy cô sẽ giúp các bạn giảm bớt áp lực đó.
Các bạn nên lưu ý, học nhiều nhưng cũng đừng quên dành ít phút thời gian để luyện tập thể thao, hít thở và thư giãn. Nếu mệt quá, hãy thưởng cho mình một ngày nghỉ trọn vẹn để lấy lại tinh thần.
Kinh nghiệm trong quá trình làm bài thi
Với mình, trong phòng thiyếu tố quan trọng để có kết quả cao là phải có tinh thần thoải mái. Bởi kỳ thi này các bạn đã chuẩn bị rất lâu đặc biệt cao độ nhất là năm học lớp 12, cho nên lúc bước vào phòng thi hãy giữ cho bản thân một sự tự tin, tận hưởng như thể đây là lần cuối được giải đề cố gắng hết sức mình.
Mình cũng có một bí quyết nho nhỏ nữa là trước khi bước vào làm bài thi các bạn hãy hít thở thật sâu, trò chuyện với giám thị và bạn cùng phòng để luôn giữ cho mình tinh thần thoải mái nhất.
Khi gặp bài khó đừng hoảng, bởi khó thì khó chung không riêng gì mỗi bản thân mình. Cố gắng hoàn thành những câu dễ trước, tối ưu điểm số hết khả năng mình.
Đây là một kỳ thi hết sức quan trọng nhưng đừng quá áp lực hay đặt nặng mục tiêu nguyện vọng 1 quá.
Kết thúc mỗi phần thi, nhớ rằng đừng "check" đáp án trên mạng, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tâm lý đến môn thi sau, hãy chờ đáp án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cuối cùng chúc các sĩ tử năm nay hoàn thành kỳ thi một cách tốt nhất và đạt được kết quả mà mình mong muốn.