Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ bí quyết học tốt Ngữ văn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tình yêu văn chương của Vũ Thị Minh Phương được khơi nguồn từ người dì của mình là cô giáo dạy cấp hai, cùng từ đó cô nàng tân thủ khoa mơ ước lớn lên mình cũng sẽ trở thành cô giáo dạy ngữ văn truyền đi những cái hay, cái đẹp và giá trị nhân văn có trong môn Ngữ Văn.

Vũ Thị Minh Phương – Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022 với số điểm 3,91 (điểm bình trung bình 4 năm). Ảnh NVCC.
Vũ Thị Minh Phương – Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022 với số điểm 3,91 (điểm bình trung bình 4 năm). Ảnh NVCC.

Con đường đến với văn chương

Vũ Thị Minh Phương là thủ khoa đầu ra Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022 với số điểm 3,91 (điểm bình trung bình 4 năm).

Vốn yêu văn chương từ lúc học lớp 4 cộng thêm sự dạy dỗ, định hướng từ người dì của mình, tốt nghiệp cấp 2, Minh Phương quyết định thi vào lớp chuyên văn Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương).

Tại đây, Minh Phương có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu vào văn học. Đặc biệt, quá trình tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi quốc gia giúp cho Minh Phương cọ xát, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức văn chương mà ở chương trình học trên lớp không có cơ hội học nhiều.

Minh Phương chia sẻ: “Những năm tháng học chuyên Văn ở Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã cho em một nền tảng vững chắc về kiến thức cũng như kĩ năng để tiếp tục con đường chuyên sâu ở đại học.

Tình yêu văn chương trong Minh Phương được vun đắp từ người dì của mình. Ảnh NVCC.

Tình yêu văn chương trong Minh Phương được vun đắp từ người dì của mình. Ảnh NVCC.

Ở trường chuyên, việc học chuyên sâu vào một môn giúp học sinh tiếp xúc với những kiến thức nền tảng tương đối phong phú mà sau này sẽ được tiếp tục học ở đại học.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên được khảo sát qua các kì thi tuyển tạo cơ hội cho em được va chạm, rèn luyện sự tự tin và chủ động học tập khi bước vào môi trường mới”.

Cũng chính từ đó, Minh Phương quyết định lựa chọn ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để theo đuổi niềm đam mê văn học của mình.

Xác định được mục tiêu hướng tới, ngay từ khi đặt chân vào giảng đường đại học, Minh Phương đã lên kế hoạch học tập cho bản thân. Đặc biệt, luôn tự nhắc mình phải tự lập, tự học và chủ động tìm hiểu kiến thức, không để bản thân bị động.

“Việc thay đổi phương pháp học tập cũng là một trong những điều em cần thích nghi và em nhận ra khi học với sự chủ động, đặt trọng tâm vào những gì mình học được sẽ giúp chúng ta có hứng thú học tập”, Minh Phương nhấn mạnh.

Minh Phương nói thêm: “Trong mỗi giờ trên giảng đường em luôn cố gắng lắng nghe, thường xuyên trao đổi với giảng viên. Đồng thời, em cố gắng đọc thêm nhiều sách, nghiên cứu tài liệu để tích lũy kiến thức của mình. Ngoài ra, em cũng dành thời gian về nhà để xem lại bài giảng của thầy cô, đọc những kiến thức liên quan và chuẩn bị cho những bài học mới”.

Minh Phương (thứ tư từ phải sang) cùng cô giáo và bạn bè của mình.

Minh Phương (thứ tư từ phải sang) cùng cô giáo và bạn bè của mình.

Bên cạnh đó, trong thời gian học nhóm cùng bạn bè, Minh Phương luôn trao đổi, chia sẻ với nhau. Theo Minh Phương, ở đại học, việc học nhóm đem lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên. Những kiến thức trên giảng đường chưa hiểu các thành viên trong nhóm sẻ trao đổi, chia sẻ với nhau. Đặc biệt quá trình học nhóm còn khích lệ tinh thần nhau cùng tiến bộ.

Bí quyết học tốt môn văn của thủ khoa

Khi được hỏi làm thế nào để học văn tốt, Minh Phương cười hiền chia sẻ: “Để học tốt bất cứ môn học gì thì cũng cần có sự chăm chỉ môn Văn cũng vậy. Tuy nhiên, Văn thiên nhiều về cảm xúc, do đó cảm thụ văn chương đôi khi cũng cần có chút hứng thú cộng thêm sự chăm chỉ đọc, viết để trau dồi vốn ngôn ngữ giúp quá trình diễn đạt tốt hơn”.

Theo Minh Phương, để tạo hứng thú với việc học Văn, nên sử dụng những công cụ, phương pháp học tập khác nhau để mỗi tác phẩm văn học không còn là những con chữ dày đặc trên trang giấy.

Vũ Thị Minh Phương trong ngày bảo vệ khóa luận. Ảnh NVCC.

Vũ Thị Minh Phương trong ngày bảo vệ khóa luận. Ảnh NVCC.

Ví dụ có thể vẽ sơ đồ tư duy mang cá tính của mình để hệ thống hóa kiến thức, đọc những câu truyện, xem những bộ phim có liên quan đến tác phẩm để vở rộng vốn hiểu biết.

Đặc biệt, nên coi mỗi tác phẩm văn học là một câu chuyện của thời đại, quá trình học tác phẩm là quá trình khám phá và kể lại câu chuyện đó thì khi đó văn học không chỉ là con chữ mà còn gắn liền và hiện hữu trong đời sống hàng ngày.

Minh Phương cũng nhấn mạnh: “Môn Văn là một môn đề cao cá tính, dấu ấn cá nhân của người viết. Và chỉ có những gì là của mình, xuất phát từ tình cảm của mình, được nói ra từ ngôn ngữ của mình mới đủ sự chân thật để gây ấn tượng với người đọc.

Việc học theo sách mẫu, học thuộc chỉ là đi theo lối đi của người khác, nói theo những cảm nhận của người khác thì chưa đủ để trở thành một người “giỏi văn”. Chúng ta nên nắm vững ý chính, kiến thức cơ bản nhất và cố gắng diễn đạt nó bằng tình cảm và ngôn ngữ của mình, bằng trải nghiệm của cá nhân thì khi đó bài viết mới có chiều sâu.

Bên cạnh đó, việc quan sát nhiều và đem những phát hiện nhỏ bé của mình vào việc học văn cũng giúp văn học gần gũi hơn với đời sống, giúp ta cảm nhận được sự thú vị của việc học văn”.

Dẫu tốt nghiệp thủ khoa đầu ra và nhiều thành tích xuất sắc nhưng Minh Phương kiêm tốn, cho rằng những thành tích đó chỉ là bước khởi đầu cho chặng đường tiếp theo, là động lực để em phấn đấu nhiều hơn nữa. Cầm trên tay tấm bằng đỏ, Minh Phương dự định sẽ học lên Cao học đồng thời nộp hồ sơ xin đi dạy ở quê nhà.

Những thành tích học tập nổi bật của Vũ Thi Minh Phương:

Giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn năm học 2015 – 2016

Huy chương Bạc kỳ môn Ngữ văn thi chọn học sinh giỏi các trường THPT Chuyên khu vực Duyên hải Bắc Bộ năm 2016 – 2017

Giải Ba học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn năm học 2017 – 2018

Giải Ba môn Ngữ văn kì thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2017 – 2018 Nhận 3 kì học bổng khuyến khích học tập của khoa Ngữ văn

Tốt nghiệp đầu ra cử nhân Sư phạm Ngữ văn loại Xuất sắc với GPA 3.91/4 (8.88/10)

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...